Hà Nội

Cuộc chiến chống răng ê buốt

20-12-2019 08:00 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Mùa đông với những cơn gió lạnh buốt khiến bạn rùng mình. Điều đó là bình thường. Nhưng sẽ là bất thường khi cái lạnh mùa đông làm răng bạn buốt tê tái và kéo dài.

Nếu bạn cảm thấy hàm răng của mình ê buốt hoặc nhói đau mỗi khi ăn uống thực phẩm nóng, lạnh -  điều đó có nghĩa là bạn có một hàm răng nhạy cảm và cần sự tư vấn kĩ càng từ các chuyên gia.

Vậy nguyên nhân của việc này là từ đâu?

Tại sao răng ê buốt?

Răng có cấu tạo bởi 3 phần. 2/3 trong đó nhạy cảm. Có nghĩa là sẽ gây ê buốt nếu bị tổn thương.

Răng ê buốt và cuộc chiến chống ê buốt

Men răng(màu trắng) phía ngoài cùng. Đây là bộ phận, thậm chí được coi là cứng chắc nhất của cơ thể. Men răng cứng chắc, láng bóng với nhiệm vụ được sinh ra là để chịu nhiều áp lực ở môi trường miệng đầy thử thách.

Khi men răng bị tổn thương sẽ lộ ra lớp thứ 2 là ngà răng mà (nâu vàng). Đây là lớp chứa rất nhiều tế bào và ống thân kinh cảm giác của răng. Ngà răng bị lộ được coi là nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng răng nhạy cảm.

Lúc này, bạn sẽ thấy hàm răng của mình ê buốt hoặc nhói đau mỗi khi ăn, uống thức ăn nóng, lạnh, hoặc thậm chí, khi gặp những cơn gió lạnh mùa đông lạnh lẽo.

Lớp ngà bị mài mòn tiếp tục theo thời gian thì sẽ lộ đến phần “nguy hiểm” nhất – đó là tủy răng (màu đỏ). Tủy răng bị lộ sẽ không đơn giản là ê buốt nữa mà sẽ nhức tới tận cùng của cảm giác.

Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, chúng ta chỉ bàn về tình trạng ê buốt răng – hay còn gọi là răng nhạy cảm – xảy ra ở lớp ngà răng. Những nguyên nhân sau sẽ góp phần làm cho răng nhạy cảm:

Do tuổi

Khi bạn đã trên 40 tuổi, nướu có thể không còn khoẻ nữa. Chúng sẽ hao mòn dần và để lộ phần chân răng không có men răng bảo vệ, khiến cho răng dễ bị ảnh hưởng khi gặp nhiệt độ bất thường.

Do ảnh hưởng của các liệu trình điều trị nha khoa

Nếu bạn vừa trải qua 1 liệu trình điều trị hoặc làm trắng răng, có thể bạn sẽ thấy vài chiếc răng nhạy cảm với nhiệt độ hơn. Thông thường, sự bất tiện này sẽ hết chỉ trong vài ngày. Nhưng nếu sau 1 tuần, bạn vẫn cảm thấy ê buốt khi ăn đồ nóng, lạnh, hãy gọi ngay cho bác sĩ để được thăm khám lại sớm nhất có thể.

Do a-xít từ đồ ăn hàng ngày

Răng nhạy cảm cũng có thể xảy ra nếu men răng đã bị bào mòn dần do chúng ta thường xuyên sử dụng những đồ ăn, thức uống chứa nhiều a-xít. Đó là những thực phẩm có giá trị pH thấp hơn 4,6, như đường, cá, thực phẩm chế biến, nước ngọt, các loại trái cây chua như cam, đào, dứa, việt quất…

Nhiều phụ nữ thường có xu hướng sử dụng các phương pháp thẩm mỹ cho răng, nhưng họ đâu có thể ngờ được rằng chính những sản phẩm được sử dụng để tẩy trắng răng lại có thể gây nên cảm giác nhạy cảm cho răng.

Do các bệnh răng miệng

Một trong những nguyên nhân khá phổ biến của tình trạng răng nhạy cảm là có thể bạn đang mắc phải những bệnh về răng miệng như viêm nướu, răng bị mảng bám, hoặc sâu răng.

Tình trạng sâu răng: Sâu răng có thể coi là một trong những nguyên nhân chính của hầu hết các vấn đề liên quan đến răng miệng và biến chứng khác. Chính các lỗ sâu trên răng đã làm lộ ra các dây thần kinh chân răng.

Tụt lợi cũng có thể làm lộ phần ngà ở phía dây thần kinh ở chân răng, làm cho răng trở nên ê buốt cho dù nguyên nhân là do sâu răng hay do mòn răng đi chăng nữa.

Thói quen chăm sóc răng miệng không đúng cách có thể dẫn đến tình trạng răng nhạy cảm: Đánh răng sai cách cũng như việc không xỉa răng đầy đủ đều có thể là nguyên nhân. Chải răng quá mạnh bằng bàn chải cứng hoặc dùng kem đánh răng có độ mài mòn cao có thể dẫn đến tổn thương lợi và nhạy cảm răng.

Ngoài ra tình trạng nghiến răng hoặc cắn răng trong lúc ngủ của nhiều người cũng là một trong những nguyên nhân khiến răng bị nhạy cảm.

Ê buốt – cuộc chiến không của riêng ai

Răng ê buốt và cuộc chiến chống ê buốt

Ê buốt răng là một hiện tượng khá phổ biến nên bạn cũng không nên quá lo lắng. Theo một khảo sát của Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ, có đến 22% trong số 1000 người được khảo sát gặp phải vấn đề răng nhạy cảm với nhiệt độ.

Có rất nhiều cách xử lý, nhưng quan trọng là bạn cần xác định được nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, chứ cứ kiêng ăn nóng, ăn lạnh chỉ là biện pháp đối phó với triệu chứng mà thôi. Đối với từng nguyên nhân, chúng ta cần có 1 phương pháp điều trị riêng.

Tuy nhiên, chúng tôi có một số lời khuyên về chăm sóc răng cho bạn khi bạn cảm thấy ê buốt khi ăn đồ nóng, lạnh.

Chải răng đúng cách

Để làm giảm các nguy cơ răng bị ê buốt thì việc giữ gìn vệ sinh răng miệng là rất quan trọng để có thể ngăn ngừa bị lộ ngà cũng như là các bệnh nha chu.

Chải răng đúng cách đồng thời sử dụng các loại kem đánh răng có độ mài mòn thấp nhằm làm giảm nguy cơ mắc phải hiện tượng răng ê buốt. Bên cạnh đó một chế độ ăn không chứa axit cũng giúp phòng ngừa hiện tượng răng ê buốt.

Không ăn quá nhiều thực phẩm có tính a-xít cao

Nước ngọt có ga, đường, thưcj phẩm đã qua chế biến... Hãy đưa chúng vào danh sách hạn chế để bảo vệ lớp men răng của bạn. Thay vào đó, hãy sử dụng các loại rau quả nhiều chất xơ, phô mai, sữa, những thực phẩm hỗ trợ tiêu diệt vi khuẩn gây hại men răng. Và nhớ chỉ đánh răng sau khi ăn uống ít nhất 1 giờ nhé.
Đừng quên liên hệ ngay với bác sĩ nếu tình trạng ê buốt kéo dài (trên 10 ngày liên tục) nhé. Để từ đây, qua thăm khám lâm sàng, nha sĩ sẽ chẩn đoán cũng như đưa ra định hướng cách điều trị tốt nhất.

Thông thường nha sĩ sẽ đưa ra cho bạn lời khuyên về việc sử dụng các loại kem đánh răng có độ mài mòn thấp cộng thêm các loại kem có chứa fluor để bảo vệ răng chống lại sâu răng.

Bên cạnh đó nha sĩ cũng như là các chuyên viên có thể thực hiện một số phương pháp điều trị răng ê buốt tại phòng nha. Bao gồm việc thoa fluor và sử dụng keo dán lên răng. Nếu tình trạng răng của bạn bị hư hại nhiều hoặc bị sâu thì biện pháp chiếu laser, trám/hàn hồi phục có thể được sử dụng.


Bs Trần Mừng
Ý kiến của bạn