Cuộc chiến chống lại những “tội ác vì danh dự”

04-03-2012 09:21 | Quốc tế
google news

Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, mỗi năm trên thế giới có hàng chục ngàn phụ nữ phải chịu đựng những cuộc hôn nhân ép buộc, hành vi bạo lực, thậm chí cả cái chết chỉ vì “thanh danh gia tộc”.

Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, mỗi năm trên thế giới có hàng chục ngàn phụ nữ phải chịu đựng những cuộc hôn nhân ép buộc, hành vi bạo lực, thậm chí cả cái chết chỉ vì “thanh danh gia tộc”. Họ được gọi chung là nạn nhân của “tội ác vì danh dự”. Hiện số nạn nhân này đang gia tăng một cách đáng báo động mà Bắc Phi và Trung Đông là những điểm nóng nhất.

Những cái chết vì “thanh danh gia tộc”

Họ là 5 phụ nữ trẻ, tuổi từ 16 - 18, ở Baba Kot, ngôi làng thuộc tỉnh Baloutchistan, phía Tây Nam Pakistan. Cả 5 người đã bị chôn sống trong một hố chôn tập thể chỉ vì dám yêu và lấy chồng theo lựa chọn cá nhân mà không theo sự sắp đặt của bộ tộc Umrani nơi họ sinh sống. Họ không phải là những nạn nhân đầu tiên, cũng không phải là những nạn nhân cuối cùng của cái gọi là “tội ác vì danh dự”. Nhưng câu chuyện về họ (được lộ ra ngoài nhờ sự can đảm của một nhà báo địa phương) đã làm chấn động dư luận thế giới cuối năm 2008, làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trước sự dã man của những người mượn danh “bảo vệ danh dự cho dòng tộc” để gây tội ác.

 Người dân biểu tình phản đối những vụ giết người vì “thanh danh”.
Theo bà Tahira Abdullah, thuộc Ủy ban Nhân quyền Pakistan (HRCP), chỉ riêng trong hai năm 2009 - 2010, hơn 850 phụ nữ đã bị chính người thân của mình giết tại Punjab, tỉnh đông dân nhất Pakistan khi họ bị quy kết vào những tội danh làm ô nhục gia đình. Con số thật sự có thể còn lớn hơn nhiều, vì rất nhiều vụ đã bị giấu nhẹm hoặc được che đậy bởi lý do tự sát, tai nạn lao động…

Nữ GS. Shahrzad Mojab, thuộc Đại học Toronto, Canada - người đã nhiều lần được mời làm luật sư trong các vụ giết người nhân danh “danh dự” cho biết, tội ác vì danh dự là để trừng phạt những ai làm trái quy tắc do gia đình áp đặt, không tuân theo văn hóa và truyền thống của bộ tộc mà thủ phạm chính là cha, anh, chú, bác, chồng của nạn nhân. Tội ác thường được thực hiện dưới nhiều hình thức như treo cổ, chôn sống, thiêu sống, ném đá đến chết. Trường hợp nhẹ, nạn nhân có thể bị cắt lưỡi, xẻo mũi, móc mắt hay một số bộ phận khác. Động cơ phạm tội cũng rất khác nhau: họ có thể quy tội cho người phụ nữ đã ngoại tình, để mất trinh tiết, chọn người yêu không thích hợp hoặc đơn giản chỉ là tội có lối sống hay cách ăn mặc quá “phương Tây”.

Vụ án giết người vừa được tòa án Canada xử ngày 29/1/2012 là một ví dụ. Tại tòa, người cha độc ác gốc Afghanistan can tội giết 3 người con ruột và vợ mình đã biện hộ rằng, vì 3 cô con gái dám ăn mặc thời trang hở hang, không chịu mang khăn che mặt và giao du với bạn trai theo lối sống phương Tây trong khi người mẹ thì luôn bênh vực con gái nên ông và cậu con trai đã quyết định giết chết cả 4 người rồi đẩy xác xuống kênh.

Bình đẳng cho phụ nữ - Cuộc chiến đầy cam go

“Tội ác vì danh dự” hiện là một vấn nạn lớn, nghiêm trọng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Không chỉ phổ biến ở các nước Bắc Phi và Trung Đông như Pakistan, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập - nơi phụ nữ bị xem như nô lệ trong gia đình. Còn theo số liệu thống kê của LHQ thì mỗi năm trên toàn thế giới, “tội ác vì danh dự” đã cướp đi sinh mạng của 5.000 phụ nữ trẻ.

Trên thực tế đã có nhiều quốc gia ban hành các chế tài đối với những người gây ra tội ác này, tuy nhiên còn rất nhẹ. Như ở Jordanie, người phạm tội giết vợ giết con vì mục tiêu danh dự gia đình chỉ bị phạt tù 6 tháng đến 2 năm. Những kẻ bị phạt tù nhiều khi còn được xem là anh hùng và thường không phải ngồi tù đến hết hạn. Bà Angelika Pathak - người đứng đầu Tổ chức Amnesty International (Ân xá quốc tế) cho biết, mỗi năm tổ chức này nhận được hàng trăm email kêu cứu từ các nước khác nhau gửi đến. Nhưng Amnesty International xác nhận sự bất lực của mình trước những trường hợp như vậy bởi họ không có cách nào can thiệp vào quy định, luật pháp, tôn giáo của các quốc gia, gia tộc nơi nạn nhân đang sống.

Một trong những giải pháp khả thi nhất mà cá nhân và tổ chức hoạt động bảo vệ nhân quyền nhắm đến là đưa những phụ nữ bị bạo hành, bị đe dọa sát hại đi định cư ở nước khác. Ở châu Âu đang mọc lên ngày một nhiều những trung tâm cứu trợ phụ nữ khỏi “tội ác vì danh dự”. Papatya tại Berlin, Đức là trung tâm đầu tiên được lập vào năm 1986. Mỗi năm nơi đây đón nhận khoảng 65 cô gái trốn chạy khỏi gia đình. Họ bắt đầu xây dựng cuộc sống mới nhờ sự giúp đỡ từ một nhóm bao gồm nhà tâm lý, chuyên gia giáo dục và một số người hoạt động xã hội.

Dù chưa thực sự kiên quyết và mạnh mẽ nhưng cuộc chiến chống lại “tội ác vì danh dự” vẫn đang được bền bỉ triển khai ở nhiều quốc gia theo 3 chiều hướng: bảo vệ nạn nhân, khởi tố kẻ thủ ác và thay đổi nhận thức trong cộng đồng nơi mà những tội ác như thế diễn ra. Năm 2011, Nghị viện châu Âu đã thông qua một hiệp định về vấn đề ngăn chặn hành vi bạo lực mà nạn nhân là phụ nữ, bao gồm cả những tội ác liên quan đến danh dự.

Uông Chí Thành  (Theo Pravda)

 


Ý kiến của bạn