Trong bối cảnh Mỹ-Trung bước vào cuộc chiến thương mại và dự án “Vành đai, con đường” của Trung Quốc đối mặt với nhiều thách thức, chuyến công du của ông Pompeo được cho là bước khởi đầu hiện thực hóa chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”- đối trọng với một Trung Quốc đang dồn sức trỗi dậy trong khu vực.
Trước hết, cần phải nói nói rằng kế hoạch "Tầm nhìn Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương" trị giá 113 triệu USD mà ông Mai Pompeo vừa công bố không phải là lớn nếu so sánh với con số hàng tỷ USD mà Trung Quốc đang đầu tư vào sáng kiến “Vành đai, con đường”. Nhưng nó lại là một bước đi cần thiết ở thời điểm hiện nay.
Thứ nhất, việc Mỹ tuyên bố "kỷ nguyên mới" ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, khẳng định sự hiện diện của Mỹ ở khu vực và dập tan những chỉ trích rằng “Mỹ chỉ nói mà không làm” kể từ khi Tổng thống Trump công bố chính sách một “Ấn độ-Thái Bình Dương rộng mở” hồi cuối năm ngoái. Thứ hai, dù khoản đầu tư vừa nêu không nhiều, nhưng nó tập trung vào các quốc gia ở vành đai khu vực-nơi cả Mỹ và Trung Quốc có lợi ích đan xen, như một thông điệp “Mỹ sẽ không nhượng bộ” trước Trung Quốc; và rằng các đồng minh cần tin tưởng hơn vào Mỹ. Cũng xin thông tin thêm là ngoài khoản đầu tư này, Ngoại trưởng Mỹ còn cam kết đóng góp gần 300 triệu USD vảo an ninh cho Đông Nam Á. Rõ ràng, những động thái từ phía Mỹ cho thấy Washington đang hiện thực hóa chính sách “một Ấn độ-Thái Bình Dương rộng mở” của mình, cho dù đây mới chỉ là bước khởi đầu.
Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa thoát khỏi vòng xoáy chiến tranh thương mại với những lệnh áp thuế hàng chục tỷ USD nhắm vào hàng hóa của nhau, nhiều quan điểm cho rằng khoản đầu tư mới của Mỹ được coi là đối trọng trực tiếp đối với chiến lược “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc.
Vì thế, cũng đã có không ít lo ngại khoản đầu tư của Mỹ quá nhỏ nhoi so với nguồn vốn khổng lồ của Trung Quốc rót vào các đại dự án trong khu vực. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, “tiền ít nhưng Mỹ đầu tư thực chất, chứ không phải những khoản đầu tư khổng lồ nhưng đang có nguy cơ ảo”, như một số nước lo ngại.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Diễn đàn An ninh khu vực ARF Sinrgapore ngày 4/8
Thời gian gần đây, một số quốc gia trong đó có Pakistan, Philippines bày tỏ lo ngại về nguy cơ vỡ nợ và trễ nợ với những đại dự án nguồn vốn nước ngoài. Tại Malaysia, Thủ tướng Mahathir Mohamad đã cho điều tra và phát hiện hàng loạt bê bối trong các dự án vốn đầu tư nước ngoài của Trung Quốc. Do đó, kế hoạch "Tầm nhìn Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương" của Mỹ được cho là xuất hiện đúng thời điểm và được các nước trong khu vực hoan nghênh.
Ở một góc nhìn khác, việc ông Pompeo công bố kế hoạch Tầm nhìn mới và đưa ra những cam kết đảm bảo an ninh khu vực cho thấy Mỹ muốn tạo dựng một vai trò có ảnh hưởng hơn ở Ấn độ-Thái Bình Dương. Dù không thừa nhận nhưng chiến lược “một Ấn Độ-Thái Bình Dương rộng mở” của Tổng thống Trump là sự kế tiếp chính sách “Xoay trục sang châu Á” của người tiền nhiệm, nhưng cũng vừa tạo ra thế cân bằng cho Mỹ trước các đối trọng lớn, đặc biệt là Trung Quốc. Nõ cũng sẽ giúp nâng cao vai trò trung tâm của Mỹ trong cấu trúc khu vực; và truyền cảm hứng tới các đồng minh với thông điệp “Mỹ là một đối thủ không dễ nhượng bộ” trước những lợi ích địa chiến lược mà Trung Quốc đang cùng cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ.
Vấn đề đặt ra hiện nay là các nước sẽ đón nhận chiến lược Ấn độ-Thái Bình Dương như thế nào? Trên thực tế, các quốc gia đều nhận thức rõ chiến lược “Vành đai, con đường” của Trung Quốc hay “Ấn độ-Thái Bình Dương” của Mỹ đều là những bước đi cạnh tranh ảnh hưởng. Do đó, lựa chọn thái độ nào để tránh phật lòng Mỹ - Trung đều là những bài toán cân não mà các nước Ấn độ-Thái Bình Dương buộc phải cân nhắc nếu không muốn thua thiệt trước hai ông lớn Mỹ-Trung.