Cuộc chia ly nhiều nước mắt

01-09-2021 19:12 | Sự hi sinh thầm lặng
google news

SKĐS - Chồng đột ngột qua đời nhưng hộ lý Bùi Thị Thủy - khoa Kiểm soát nhiễm bệnh (Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh, Hà Nội) không thể về chịu tang do đang làm nhiệm vụ trong khu điều trị bệnh nhân F0.

“Anh ở nhà làm hai nhiệm vụ, hết dịch em sẽ về”“Anh ở nhà làm hai nhiệm vụ, hết dịch em sẽ về”

SKĐS - Thời gian qua, hàng chục nghìn chiến sỹ áo trắng trong cả nước đã tạm xa gia đình, có mặt ở TP Hồ Chí Minh hỗ trợ địa phương chống dịch COVID-19. Trong môi trường khắc nghiệt với muôn vàn gian khó nhưng mỗi người chiến sĩ ấy đều vững vàng một tinh thần tất cả vì người bệnh.

Cũng như bao đồng nghiệp đang làm nhiệm vụ điều trị và chăm sóc bệnh nhân COVID, do tính chất nguy hiểm của căn bệnh mà các chị- những nhân viên y tế phải ở trong bệnh viện.

Công việc hàng ngày của chị là đảm bảo từng cái tay nắm cửa, từng vật dụng trong phòng bệnh, sàn nhà… luôn sạch sẽ vô trùng. 

Lo cho người bệnh từng bộ quần áo sạch sẽ thơm tho, gom chất thải bệnh nhân... đảm bảo luôn có môi trường sạch sẽ, trong lành để giảm nguy cơ lây nhiễm. 

Công việc vất vả, nguy cơ lây nhiễm cao, nhưng với trách nhiệm của người hộ lý, chị luôn động viên bản thân hoàn thành tốt công việc, để bác sĩ và bệnh nhân yên tâm điều trị.

Mặc dù gia đình ở gần, nhưng căn bệnh quái ác khiến chị không thể về nhà, mọi giao tiếp với người thân đều dồn đến cuối ngày khi công việc đã xong xuôi, lúc đó hai vợ chồng mới có thời gian hỏi thăm, động viên nhau qua điện thoại.

Khi được phân công nhiệm vụ trong khu vực điều trị bệnh nhân COVID, chị dặn dò chồng ở nhà thay mình chăm sóc con nhỏ và mẹ già. 

Còn anh luôn thông cảm cho công việc của vợ, luôn vỗ về động viên chị cứ yên tâm công tác tốt, anh sẽ thay chị thực hiện nhiệm vụ của người mẹ, người con dâu, đợi ngày cả gia đình đoàn viên.

Cuộc chia ly không hẹn ước - Ảnh 2.

Hộ lý Bùi Thị Thủy khóc nghẹn bên di ảnh người chồng quá cố.

Nhưng! Ngày 29/8, khi đang làm nhiệm vụ, chị được người thân báo tin chồng chị đã không may đột ngột qua đời. Tin như sét đánh bên tai… Những lời thề ước, cuộc hẹn đoàn viên sẽ chẳng bao giờ thực hện được nữa…

Sẽ chẳng còn ai chia sẻ động viên với chị những mỏi mệt trong cuộc sống, sẽ chẳng còn ai gối đầu kề tay giữ cho chị giấc ngủ bình yên sau một ngày làm việc mệt mỏi. 

Anh ra đi để lại con thơ, mẹ già rồi đây chị sẽ phải gánh vác thay anh trách nhiệm nặng nề này, bao ước mơ dự định tương lai đều tan vỡ.

Làm sao không đau không xót cho được, anh đã ra đi không một lời từ biệt, không một cái nắm tay ấm áp, không một cái vuốt má âu yếm cho anh, không được nhìn thấy anh, ngắm anh, ôm anh lần cuối, không được tiễn đưa anh đến giây phút cuối cùng.

"Anh ơi! Trăm lần xin lỗi anh, ngàn lần xin lỗi anh vì em đang làm nhiệm vụ rất đặc biệt không thể về bên anh, không được ở bên chăm sóc cho anh trước cơn đau, lúc đó đau lắm phải không anh?  Không thể tiễn đưa anh lần cuối. Anh ra đi để lại cho em mẹ già con thơ? Em biết chia sẻ buồn vui cùng ai? Mẹ già trông cậy vào ai? Con thơ biết tìm bố ở nơi đâu? Anh ơi? mong anh an nghỉ ở nơi chín suối, em sẽ thay anh chăm sóc mẹ già con thơ chồng yêu nhé!".

Nhìn chị khóc nghẹn bên di ảnh của chồng, ai nấy xúc động nghẹn ngào; mong chị sẽ mạnh mẽ để vượt qua đau thương, mất mát.

Cuộc chia ly không hẹn ước - Ảnh 3.

Đại diện Sở Y tế Hà Nội thăm hỏi, động viên gia đình

Khi biết tin anh ra đi, được sự đồng ý của gia đình, Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh đã lập bàn thờ trong khu điều trị bệnh nhân F0 để chị Thủy có thể vọng bái cho người chồng đã khuất.

Bệnh viện cũng đã cử cán bộ trực tiếp về thăm hỏi, động viên gia đình, mong gia đình cảm thông, chia sẻ cùng lực lượng chống dịch của địa phương để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Dịch COVID-19 đã khiến chị Thủy không thể ở bên chồng trong giờ phút chia ly. Thương chị bao nhiêu, người ta lại càng thấm thía tác động của đại dịch. Đó cũng là lời nhắc nhở toàn cộng đồng sống có trách nhiệm hơn để sẻ chia, chung sức cùng lực lượng tuyến đầu sớm đẩy lùi dịch bệnh; để không còn những cuộc chia ly không hẹn ước như ngày hôm nay.


N. Anh
Ý kiến của bạn