Phía bên đảng Cộng hòa là Tổng thống đương nhiệm Donald Trump.
Cựu Phó Tổng thống Mỹ đối đầu với Tổng thống D.Trump
Ngay từ đầu tháng 4 vừa qua, cựu Phó Tổng thống Mỹ - ông Joe Biden đã gần như nắm chắc trong tay tấm vé duy nhất của đảng Dân chủ sau khi Thượng nghị sĩ Bernie Sanders tuyên bố rút lui. Đến nay, dù còn gần 10 bang và các vùng lãnh thổ chưa kiểm phiếu, ông Joe Biden đã hội đủ số phiếu đại biểu cần thiết để trở thành đại diện duy nhất của đảng Dân chủ tham gia cuộc chạy đua vào vị trí Tổng thống Mỹ.
Phát biểu trước báo giới, ông Biden bày tỏ niềm vinh dự, đồng thời khẳng định đảng Dân chủ đang đoàn kết để nỗ lực giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới. Ông cho rằng mình có khả năng phát huy di sản của cựu Tổng thống Obama và đoàn kết nước Mỹ trong một thời kỳ nhiều thử thách.
Thực tế là cuộc bầu cử Tổng thống lần này của Mỹ diễn ra trong bối cảnh vô cùng đặc biệt, khi nước Mỹ liên tiếp hứng chịu các cuộc khủng hoảng đan xen như cuộc khủng hoảng về dịch COVID-19, nền kinh tế có nguy cơ rơi vào vòng xoáy suy thoái, ngoài ra nước Mỹ còn đang lâm vào cuộc khủng hoảng về sắc tộc trên quy mô toàn quốc.
Đây là lần thứ ba ông Joe Biden tham gia cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Trước đó, ông từng có 36 năm làm việc tại Thượng viện trước khi trở thành Phó tổng thống dưới thời của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Nếu đắc cử lần này, Biden sẽ là tổng thống già nhất trong lịch sử nước Mỹ, ở tuổi 78.
Theo các nhà phân tích, việc ông Joe Biden giành được tấm vé đề cử duy nhất của đảng Dân chủ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay chủ yếu là nhờ sự ủng hộ mạnh mẽ từ nhóm cử tri da màu gốc Phi. Theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận gần đây của các cơ quan truyền thông cho thấy, tỷ lệ ủng hộ ông Joe Biden vượt qua cả đương kim tổng thống, nhất là trong nhóm cộng đồng người Mỹ gốc Phi. Như tại cuộc khảo sát của Fox News cho biết, cựu Phó tổng thống Joe Biden nhận được 56% cử tri được hỏi so với tỷ lệ 43% dành cho ông Donald Trump.
Ứng viên Joe Biden sẽ đối đầu với Tổng thống Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.
Ứng viên Tổng thống Mỹ sẽ phải giải quyết những thách thức gì?
Mỹ đang phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái, chưa bao giờ tỷ lệ thất nghiệp ở cường quốc hàng đầu về kinh tế lại đứng ở 2 chữ số. Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, dịch bệnh cùng với các biện pháp cách ly phòng chống dịch đã khiến tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tăng cao, với 40 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Số liệu tháng 5 cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp của nước này còn 13,3% sau khi hàng triệu người Mỹ quay trở lại làm việc.
Vấn đề sẽ làm đau đầu các ứng viên tổng thống tương lai của Mỹ và có thể là yếu tố then chốt “ghi điểm” cho ứng viên chạy đua vào chiếc ghế tổng thống là người sẽ giải quyết được tình trạng bất ổn trong xã hội hiện nay. Đó là vấn đề mâu thuẫn sắc tộc vốn tiềm ẩn trong xã hội Mỹ hàng chục năm nay. Các cuộc biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc đã nổ ra ở hàng chục thành phố sau cái chết của một người đàn ông da đen George Floyd. Chính cách xử lý mạnh tay người biểu tình của Tổng thống Trump khiến dư luận nghiêng về cựu Tổng thống J.Biden.
Bên cạnh đó, dịch bệnh COVID-19 vẫn đang là nỗi lo sợ của người Mỹ với gần 2 triệu người mắc bệnh, hơn 100.000 người tử vong. Cách ứng phó với dịch bệnh của đương kim Tổng thống cũng nhận nhiều chỉ trích. Trong khi đó ông Joe Biden hành động để cử tri thấy ở ông hình ảnh một tổng tư lệnh. Ông xây dựng các khuyến nghị dựa trên lời khuyên từ các chuyên gia y tế và kinh tế. Biden cực lực chỉ trích Tổng thống Trump về cách phản ứng trước dịch bệnh COVID-19 và cho rằng ông Trump đã phản ứng quá chậm.
Có thể nói, không có nhà lãnh đạo nào của Mỹ phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng phức tạp, đan xen như hiện nay. Cử tri Mỹ sẽ phải chờ đến cuối tháng 9, khi ông Biden và ông Trump có cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên, để quyết định ai sẽ trở thành tổng thống tiếp theo của nước Mỹ trong ngày bầu cử 3/11 tới.