Hà Nội

Cước chân, tay mùa lạnh và cách điều trị

20-12-2022 14:07 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Cước chân, tay là tình trạng da đổi màu đỏ hay xanh nhạt sau khi tiếp xúc với lạnh. Đặc trưng của bệnh xuất hiện các nốt, sẩn, mảng hay dát màu từ đỏ đến tím ở vị trí tiếp xúc với lạnh, thường kèm theo ngứa, rát bỏng, đau. Điều trị cước chân, tay chủ yếu là giữ ấm và dùng thuốc khi cần thiết.

1. Đặc điểm của cước chân, tay

Cước chân, tay hay gặp ở người cao tuổi, trẻ em. Tuy chưa biết rõ nguyên nhân cụ thể, nhưng thực tế lâm sàng có các yếu tố nguy cơ sau đây sẽ xuất hiện cước chân, tay nặng lên:

- Thời tiết: Khi thời tiết lạnh và ẩm, mạch máu dưới da sẽ có phản ứng co lại để duy trì thân nhiệt. Tình trạng này sẽ khiến quá trình lưu thông máu chậm hơn bình thường, khiến người bệnh bị viêm, đau ở những vùng da như đầu ngón tay, đầu ngón chân. Khi sưởi ấm đột ngột ở nhiệt độ cao vào mùa đông cũng dẫn đến bệnh cước.

- Di truyền: Tuy chưa có bằng chứng cụ thể liên quan đến gen di truyền, nhưng bệnh có thể mang yếu tố gia đình, bởi thực tế lâm sàng cho thấy nếu trong gia đình có cha mẹ mắc bệnh cước chân, tay thì con cái sinh ra cũng có nguy cơ bị bệnh cao hơn.

- Nghề nghiệp: Người làm việc trong môi trường phải tiếp xúc với nước lạnh thường xuyên như nghề làm đá, chế biến hải sản, lội ruộng… có nguy cơ bị cước chân, tay cao hơn.

Cước chân, tay và cách điều trị - Ảnh 1.

Ngón chân bị tổn thương do bệnh cước.

Ngoài ra, người mắc các bệnh lý khiến hệ tuần hoàn hoạt động kém đi như đái tháo đường, xơ cứng bì, hội chứng Raynaud, lupus ban đỏ… cũng dễ mắc bệnh cước chân, tay hơn.

Các biểu hiện của cước chân, tay dễ bị nhầm với các bệnh: Hội chứng Raynaud, viêm tắc mạch máu, viêm mô tế bào... Do vậy cần phân biệt rõ để được điều trị đúng.

2. Phương pháp điều trị cước chân, tay

Do bệnh phát triển khi thời tiết lạnh, nên việc quan trọng nhất trong bước điều trị là giữ ấm tay chân.

Những trường hợp có triệu chứng nặng, cần phải đi khám để được chẩn đoán và sử dụng thuốc hợp lý. Việc kê đơn thuốc không điều trị dứt điểm bệnh mà nhằm mục đích giảm ngứa, giảm đau, chống phù nề và giúp cải thiện lưu thông máu.

Các thuốc có thể dùng đường toàn thân như:

- Thuốc chẹn kênh canxi như nifedipine. Thuốc có tác dụng giãn mạch máu giúp máu lưu thông tốt hơn và khá hiệu quả với bệnh cước chân, tay.

Tuy nhiên đây là thuốc có tác dụng hạ huyết áp, do đó cần thận trọng với liều dùng. Với người có huyết áp bình hoặc huyết áp thấp, nếu dùng thuốc này một số người gây hạ huyết áp, đau đầu.

- Corticoid bôi tại chỗ: Giúp giảm viêm, giảm ngứa, từ đó giảm sưng đau. Lưu ý, dù là corticoid dạng bôi ngoài da, không chỉ gây tác dụng phụ tại chỗ mà có thể gây tác dụng phụ toàn thân nếu lạm dụng dùng thuốc liều cao, dùng kéo dài. Vì thế cần hết sức thận trọng với thuốc này.

Nhìn chung với tất cả các thuốc, bệnh nhân cần lưu ý là luôn dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Trong quá trình sử dụng thuốc, nếu xuất hiện những triệu chứng bất thường (có thể là tác dụng phụ của thuốc), cần thông báo ngay với bác sĩ để được xử trí kịp thời. Không tự ý mua thuốc điều trị để tránh những hậu quả nghiêm trọng.

Khi vết cước hồi phục, nên bôi kem dưỡng ẩm nhẹ, không có mùi để giữ ẩm cho da. Uống đủ nước.

Cước chân, tay và cách điều trị - Ảnh 3.

Ngâm chân với nước ấm pha gừng, muối hỗ trợ điều trị cước chân, tay.

Ngoài điều trị bằng thuốc, người bệnh có thể sử dụng các biện pháp hỗ trợ khác:

- Giữ ấm cơ thể, đi găng tay, tất chân đầy đủ, ấm áp. Luôn giữ cho bàn tay, bàn chân sạch, khô. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với nước lạnh hoặc nước quá nóng vì khi thay đổi nhiệt độ quá nhanh có thể khiến tình trạng cước chân, tay vào mùa đông nghiêm trọng hơn.

- Nên đi loại giày ấm, ôm kín và vừa với chân, không đi giày chật.

- Ngâm chân tay trước khi đi ngủ: Có thể pha nước ấm với một chút muối hạt to và 1 củ gừng tươi giã nhỏ; hoặc nước ấm + gừng tươi + quế chi; nước ấm + cỏ xước + lá lốt. Ngâm chân/tay khoảng 15 phút trước khi đi ngủ.

- Hạn chế các chất kích thích gây co mạch (caffein, nicotin trong thuốc lá), các thuốc có tác dụng gây co mạch (như thuốc thông mũi)...

- Tránh nơi gió lùa, nên đóng kín cửa khi thời tiết lạnh.

- Không nên gãi, chà xát mạnh vị trí bị cước, chỉ nên xoa bóp nhẹ để tránh bong tróc, nhiễm trùng.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Chương trình thiện nguyện “Tết ấm vùng cao” tặng quà cho 10 trạm y tế của huyện Hoàng Su Phì I SKĐS

BS.Nguyễn Quốc Đạt
Ý kiến của bạn