Cuộc Cách mạng đảo lộn bóng đá châu Âu

21-04-2021 07:18 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Dù Super League có trở thành hiện thực hay không, khoảnh khắc 12 đội bóng lớn đòi rời Champions League cũng sẽ thay đổi mãi mãi bộ mặt bóng đá châu Âu nói riêng và bóng đá thế giới.

Theo Daily Mail, ý đồ "li khai" UEFA đã được bàn thảo trong một bữa tối ở Locanda Verde, nhà hàng kiểu Ý nổi tiếng nhất New York hồi tháng 10/2017. Buổi họp bàn này quy tụ ông chủ John Henry của Liverpool, giám đốc điều hành Arsenal Ivan Gazidis của Arsenal, hai ông chủ Avram và Joel Glazer, cùng Phó chủ tịch điều hành của MU là Ed Woodward. Bây giờ, cùng với chủ tịch Andrea Agnelli của Juventus và chủ tịch Florentino Perez, họ đã tạo nên cuộc cách mạng lớn trong bóng đá châu Âu mang tên Super League.

Vị Chủ tịch Super League đã dành hẳn 90 phút để đăng đàn và trả lời báo giới. Ông nhấn mạnh : Super League không phải chỉ dành riêng cho những đội bóng giàu, nhưng nó sẽ cứu thế giới bóng đá. Nếu tình trạng hiện tại cứ tiếp diễn, bóng đá sẽ biến mất và đến năm 2024, chúng ta sẽ không còn nữa. Đây là cách để cứu sống tất cả CLB, từ lớn đến nhỏ. Những CLB lớn tại Tây Ban Nha, Italy, và Anh đang muốn tìm kiếm một giải pháp để thoát khỏi tình cảnh tồi tệ về tài chính. Cách duy nhất là phải được chơi nhiều trận đấu mang tính cạnh tranh hơn. Thay vì thi đấu tại Champions League, Super League giúp các CLB phục hồi nhanh hơn. Bóng đá giống cuộc sống vậy, có những lúc cần thay đổi, hay nói cách khác là tiến hóa, thích nghi với thời đại chúng ta đang sống. Bóng đá đang mất đi sự hấp dẫn, bản quyền truyền hình đang dần giảm đi. Bóng đá cần thay đổi để hấp dẫn hơn đối với toàn cầu. 

Làng túc cầu vừa trải qua 24h đồng hồ đảo điên. 12 đội bóng lớn, gồm Manchester United, Manchester City, Chelsea, Arsenal, Tottenham, Liverpool, Real Madrid, Barcelona, Atletico Madrid, Juventus, AC Milan, Inter tuyên bố rời Champions League để thành lập European Super League, giải đấu tách biệt với hệ thống bóng đá truyền thống châu Âu. Không còn là lời dọa nạt đơn thuần, các đội bóng dự Super League đồng loạt rời khỏi Hiệp hội các CLB châu Âu (ECA). Ông Andrea Agnelli, chủ tịch Juventus, cũng rút khỏi ghế chủ tịch hiệp hội. Hội đồng Super League được thành lập, với người đứng đầu là chủ tịch Florentino Perez của Real Madrid. Dự án Super League đã thành hình và có thể hoạt động ngay trong tháng 8 năm nay.

Theo công bố của ban điều hành, vừa được thành lập với sự hiện diện của Perez cùng Phó Chủ tịch Ed Woodward (Man Utd), ông chủ John Henry (Liverpool) và chủ tịch Stan Kroenke (Arsenal), Super League sẽ bao gồm 12 đội bóng (đã cam kết tham dự), 3 đội bóng khách mời và thêm 5 đội đến từ các giải VĐQG khác ở châu Âu. Giải đấu sẽ chia thành 2 bảng, mỗi bảng 10 đội, đá thể thức vòng tròn. 3 đội dẫn đầu mỗi bảng có mặt tại tứ kết, các đội xếp thứ 4 và 5 đá play-off để tranh 2 tấm vé còn lại. Với thể thức của Super League, các đội đá nhiều trận hơn (9 trận vòng bảng, 2 trận tứ kết, 2 trận bán kết, 1 trận chung kết) so với Champions League truyền thống. Tuy nhiên, tiền thưởng từ Super League hấp dẫn hơn nhiều so với bất cứ giải đấu nào ở châu Âu.

                                         Các đội bóng chơi tại Super League sẽ thu bộn tiền

Super League sẽ tìm kiếm các đối tác bán bản quyền truyền hình, dự kiến một đối tác đã cam kết trả 3,5 tỷ euro để đổi lấy quyền phát sóng Super League. Dòng tiền sẽ chảy từ Champions League, nơi không còn sự góp mặt của các đội mạnh, vào túi của Super League.  Super League sẽ không có lên - xuống hạng, mà hoạt động theo mô hình khép kín như giải Nhà nghề Mỹ (MLS), với mục đích tối đa hóa doanh thu, miễn sao kiếm được càng nhiều tiền càng tốt.  Mục đích tiền bạc của Super League càng có cơ sở, khi đứng sau chủ tịch Perez là 3 ông chủ người Mỹ của Liverpool, Man Utd và Arsenal, những người sẵn sàng đạp bỏ lề thói, truyền thống để đạt được lợi ích tiền bạc và cũng không lạ lẫm với các mô hình thể thao đậm chất giải trí và kiếm tiền tốt ở Mỹ như NBA, MLS. Vẻ đẹp của bóng đá nằm ở những giá trị phi vật chất nên khi các CLB quy đổi mọi thứ sang tiền bạc, làn sóng phẫn nộ là khó tránh khỏi.

Khán giả có thể được chứng kiến nhiều trận đấu hấp dẫn hơn. Man Utd đọ sức Real, Chelsea gặp Barcelona hay Liverpool đọ sức Juventus mỗi tuần là giấc mơ với nhiều CĐV. Tuy nhiên, phần còn lại nằm ngoài Super League có thể bị hủy hoại khi thiếu vắng danh tiếng của các CLB này. Bóng đá châu Âu, chủ yếu là các CLB vừa và nhỏ, có nguy cơ sụp đổ vì tham vọng tiền bạc của các CLB lớn. Khi Super League đi vào hoạt động, lịch sử bóng đá sẽ được lật sang trang mới. Một lời tuyên chiến được UEFA đưa ra. Sau đó, đòn phản kháng cũng xuất hiện với tuyên bố của Chủ tịch Perez, người không hề đơn độc trong việc tạo ra "cách mạng" trong bóng đá. Doanh nhân Tây Ban Nha cũng tỏ ra rất cứng rắn, không hề lo ngại trước lời "đe dọa" của UEFA liên quan tới việc cấm các cầu thủ thuộc các đội Super League dự World Cup hay Euro. Ông Perez cho rằng các cầu thủ nên giữ bình tĩnh, bởi lẽ những lời đe dọa sẽ không thành hiện thực.Tiếp đó, chủ tịch của Real Madrid đề cập đến "tính hấp dẫn" trong các trận đấu. Cụ thể, ông tin rằng UEFA đang khiến khán giả nhàm chán khi tăng số đội dự Champions League. Có nhiều trận đấu kém chất lượng ngoài kia. Nếu Barca gặp Man United thì tính giải trí có cao hơn khi Man United chạm trán đội bóng nhỏ. Cả thế giới sẽ muốn gì?, Chủ tịch Perez nhấn mạnh.

Người quyền lực nhất Real Madrid đã đúng. Đây cũng là quan điểm của nhà báo Jonathan Loew trên Guardian. Cây viết này cho rằng "dù rất khó chịu về Super League, nhiều người sẽ rất muốn thấy Super League diễn ra". Ông Perez chẳng phải kẻ "coi trời bằng vung". Doanh nhân này biết chuẩn bị đối đầu với thế lực nào. Ngay cả khi có phải đấu với UEFA trên tòa, đó cũng không phải điều làm giới chủ của những CLB thuộc Super League lo lắng. Từ Barca, Man United tới Chelsea hay Liverpool, những ông chủ các đội bóng này đều biết điều đó.Chuyên gia pháp lý Mark Orth cảnh báo UEFA có thể thất bại trong cuộc chiến với Super League. Ông nhấn mạnh với Daily Mail: "Họ (các đội Super League) có lý lẽ để tin vào chiến thắng". Chuyên gia pháp lý này tiếp tục: Nếu một nhà độc quyền được phép ngăn cấm việc tạo ra cạnh tranh, thì bạn hoàn toàn không cần đến luật cạnh tranh. Nếu điều đó được cho phép, thì nó đụng chạm đến các nguyên tắc cơ bản của luật cạnh tranh. Nên có cơ hội để mở cửa thị trường.

Ông Perez, tân chủ tịch Super League khẳng định : Chúng tôi tin rằng thể thức này (Super League) có thể cứu bóng đá, giống như cúp châu Âu đã cứu bóng đá vào những năm 50.

                Cả Chủ tịch FIFA lẫn UEFA đều dọa sẽ trừng phạt các đội bóng tham dự Super League

Một cuộc chiến trong bóng đá châu Âu đã nổ ra. Và ở đó hứa hẹn còn nhiều bất ngờ. Super League chưa chắc đã yếu thế, còn UEFA không phải "có quyền" để làm mọi thứ.


Thành Trung-Đỗ Nguyễn
Ý kiến của bạn