Nhóm nguy cơ cao đối diện những vấn đề nghiêm trọng nào?
Theo đánh giá của Bộ Y tế Việt Nam cũng như Tổ chức Y tế Thế giới WTO, Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ tiêm chủng bao phủ rất cao, đứng hàng thứ 6 trong các nước tiêm chủng cao nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, theo ghi nhận, đến nay vẫn có một số lượng nhất định những ca bệnh nặng hoặc tử vong do dịch COVID-19. Chia sẻ trong chương trình truyền hình trực tuyến với chủ đề "Tăng cường bảo vệ nhóm người có nguy cơ cao trong đại dịch" do Bộ Y tế kết hợp cùng Báo Sức khỏe và Đời sống tổ chức, PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Liên chi hội Hen – Dị ứng - Miễn dịch Lâm sàng TPHCM – Chuyên gia Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết: "Tính từ tháng 3 cho đến nay cơ bản nước ta gần như đã kiểm soát được dịch COVID-19 nhưng mỗi ngày vẫn có khoảng 1.000 người mắc, trong số đó có một số nhỏ bệnh tiến triển nặng phải nhập viện, thậm chí là tử vong. Đó là nhóm người có nguy cơ cao, bao gồm nhóm suy giảm miễn dịch do bệnh lý, do thuốc, nhóm mắc bệnh nền, người lớn tuổi và béo phì. Đối với 4 nhóm bệnh nhân này dù có được tiêm vaccine 2 mũi thì vẫn có nguy cơ mắc COVID và nguy cơ trở nặng".
Đồng quan điểm, TTND.PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến - Trưởng khoa Tim mạch BVĐK Tâm Anh Hà Nội, cho biết, những đối tượng có sức đề kháng, khả năng miễn dịch kém là các trường hợp tuổi cao, có bệnh nền như ung thư, ghép thận, hoặc phải dùng thuốc ức chế miễn dịch. Dù tiêm vaccine đầy đủ, nhóm dân số này vẫn có khả năng đáp ứng miễn dịch kém hơn ở nhiều khía cạnh so với người bình thường với số lượng kháng thể thấp hơn, khả năng trung hòa của kháng thể yếu hơn, và độ bền miễn dịch của vaccine giảm nhanh hơn.
Tăng cường bảo vệ nhờ giải pháp kép
Áp dụng cơ chế miễn dịch chủ động qua việc tiêm vaccine là công cụ hàng đầu, nhằm đưa vào cơ thể kháng nguyên chứa thành phần của virus SARS-CoV-2, để cơ thể tự sản sinh ra kháng thể và các tế bào để chống các tác nhân bệnh lý xâm nhập. Biện pháp này hiệu quả với phần lớn dân số là những người khỏe mạnh. Tuy nhiên, những nhóm người bị suy giảm miễn dịch, nhiều bệnh nền thường không thể tạo ra kháng thể được một cách tối ưu khi tiêm vaccine, nên có thể được bổ sung sự bảo vệ bằng việc tiêm hoặc truyền vào người các kháng thể đơn dòng đã được tổng hợp sẵn trong phòng thí nghiệm, gọi là cơ chế miễn dịch thụ động.
Kháng thể đơn dòng chủ yếu được phát triển từ tế bào lympho B của những người đã mắc virus SARS-CoV-2. Khi đưa vào cơ thể sẽ gần như ngay lập tức cung cấp cho chúng ta lượng lớn kháng thể giúp ngăn ngừa việc mắc bệnh, cũng như nếu có mắc thì sẽ chỉ bị nhẹ và không tiến triển đến tử vong, TTND.PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến cho biết.
Bên cạnh việc tiêm vaccine là không thể thiếu được, việc bổ sung kháng thể đơn dòng sẽ cung cấp thêm một hàng rào nữa để phòng thủ, giúp cơ thể những người thuộc chỉ định, có nguy cơ cao, chống lại bệnh tốt hơn. Ngoài ra cũng có một tỉ lệ nhất định những người không thể tiêm được vaccine thì những kháng thể này là một giải pháp rất quan trọng cho người bệnh.
PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan nhấn mạnh, tới thời điểm này, Tổ chức Y tế Thế giới WHO chưa công bố chấm dứt đại dịch. Ngay tại Việt Nam cũng đang có sự xuất hiện của biến thể phụ của Omicron mới nhất là BA.5. có khả năng lây lan và thoát miễn dịch cao hơn, do đó chúng ta vẫn phải nên cảnh giác. Việc duy trì V2K nghĩa là vaccine, khử khuẩn và khẩu trang là rất quan trọng. Bên cạnh đó, việc tiêm kháng thể đơn dòng sẽ là giải pháp kép giúp tăng cường bảo vệ cho nhóm người có nguy cơ cao trong giai đoạn đất nước mở cửa, giúp họ sớm được trở lại cuộc sống bình thường như người khỏe mạnh.
Mời quý độc giả theo dõi chương trình truyền hình trực tuyến "Tăng cường bảo vệ nhóm người có nguy cơ cao trong đại dịch" qua video dưới đây: