Cùng trẻ em bảo vệ môi trường

16-09-2019 09:54 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Chào ông Trần Đăng Khoa! Rất vui lại được cùng ông bàn về những vấn đề nóng mà người dân đang rất quan tâm. Theo ông, hiện nay dân quan tâm điều gì?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa

- Nhiều. Rất nhiều. Đó là cuộc chiến chống giặc nội xâm và giặc ngoại xâm. Giặc nội xâm là bọn tham những và bè lũ lợi ích nhóm. Rất nhiều kẻ đã bị vào “lò”. Giặc ngoại xâm là lũ cướp biển đang gây hấn ở biển Đông. Đề phòng chúng sẽ dùng tàu quân sự trá hình dân sự quấy phá các nhà giàn và giàn khoan của chúng ta, rồi xập xí xập ngầu, cũng lại đặt một giàn khoan vào khu vực Bãi Tư Chính, theo kiểu cùng khai thác,... Nhưng đó là thềm lục địa của chúng ta, không phải vùng chồng lấn, hay vùng tranh chấp. Điều này tôi cũng đã nói nhiều rồi. Người dân cũng rất lo, nếu lũ cướp biển lại tàng hình làm đường cao tốc Bắc Nam rồi nhấn chìm chúng ta vào một núi nợ nần mà đến đời cháu con cũng không thoát ra được. Nhưng rất may vấn nạn đó sẽ không xảy ra. Bởi chúng ta đã có Nghị quyết rà soát lại tất cả các dự án liên quan đến an ninh Quốc gia, và cũng đã khẳng định tuyến đường huyết mạch ấy nếu thực hiện sẽ ưu tiên để các nhà đầu tư trong nước đảm trách...

Vâng quả là một tin vui. Rất vui. Tất nhiên, chúng ta vẫn còn rất nhiều vấn nạn. Đó là những vấn đề nóng. Rất nóng. Ví như việc biến đổi khí hậu. Nạn ô nhiễm môi trường. Đây cũng là vấn đề nóng mà ông rất quan tâm. Trong báo Văn nghệ số Tết năm nay, ông có bài thơ Biến đổi khí hậu. Ông muốn gióng lên một hồi chuông báo động chăng: “Ta đang lên cơn sốt? - Chiều đông xối nắng hè - Trái đất đang nhào lộn - Hay Ông Giời ngủ mê? - Bao nhiêu con sông quê - Phơi đáy trong mùa lũ - Đến cả người bạn hiền - Cũng thoắt thành quỷ dữ - Những máu xương vẫn đổ - Dọc con đường ta qua - Giữa cõi người quay đảo - Ta có còn là ta?”.

Cần giáo dục thế hệ trẻ ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta.

Cần giáo dục thế hệ trẻ ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta.

- Vâng! Cảm ơn bà đã quan tâm đến những vấn đề nóng mà dân đang thao thức...

Tôi được biết, sắp tới, báo Nhi đồng và Hội Đồng đội Trung ương sẽ tổ chức cuộc thi “Thiếu nhi Việt Nam tìm hiểu và tuyên truyền bảo vệ môi trường” và ông sẽ đồng hành cùng cuộc thi này. Vì sao ông quan tâm đến cuộc thi?

- Vì đó là một sáng kiến hay. Tôi đánh giá rất cao những người có ý tưởng tạo ra sân chơi này cho các em. Cần tạo cho các em có ý thức về môi trường, về bầu khí quyển mà chúng ta đang sống. Vấn đề này, các nước người ta làm rất tốt, nhưng chúng ta thì không mấy ai quan tâm. Hoặc, nếu chúng ta có làm thì cũng chỉ làm chiếu lệ theo kiểu phong trào, chứ không biến thành một ý thức thường nhật. Hiện nay môi trường của chúng ta đang ô nhiễm nghiêm trọng. Số người bị ung thư ngày một tăng và trẻ hóa. Trẻ con chỉ mấy tuổi thôi cũng bị ung thư rồi. Có cháu còn bị ung thư khi vừa lọt lòng mẹ. Đấy là điều rất đáng báo động. Số người chết vì ung thư mỗi năm một tăng cao. Cao hơn rất nhiều so với những người chết vì tai nạn giao thông. Theo con số chính thức, mỗi năm chúng ta có trên 15.000 người chết vì tai nạn giao thông.

Vâng, chính vì thế mà chúng ta càng thấy cuộc thi vô cùng ý nghĩa. Nhất là khi nó được tổ chức trên quy mô lớn tại 15 tỉnh thành, với sự tham gia của gần 50 trường tiểu học khác nhau.

-  Vâng! Đúng vậy. Chương trình giúp trẻ có cái nhìn khái quát, ý thức bảo vệ môi trường, giúp đỡ cha mẹ bằng những công việc cụ thể để bảo vệ môi trường. Bắt đầu từ chính căn nhà của mình rồi ra đến xã hội. Có một thực tiễn, xã hội càng phát triển thì lượng chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp cũng tăng lên theo cấp số nhân. Môi trường sống đang ngày càng ô nhiễm và bị hủy hoại bởi chính con người. Chúng ta cũng đã kêu gọi bảo vệ môi trường, phát động trồng cây xanh, nói không với túi nilon, tiết kiệm điện, làm sạch môi trường sống xung quanh... Nhưng rồi cũng có một bộ phận không nhỏ vẫn đang tiếp tục hủy hoại môi trường, các công ty xả thải, chặt phá rừng, hủy diệt sông, hủy diệt biển, hủy diệt môi trường sống... Hy vọng cuộc thi không chỉ có tác động, làm thay đổi nhận thức của trẻ nhỏ mà còn tác động đến nhận thức, hành động của người lớn khi biết đến cuộc thi này.

Ông đã tham dự nhiều cuộc thi như thế này chưa?

- Nhiều. Rất nhiều. Và tôi đánh giá rất cao tiếng nói của các em. Như cuộc thi Ý tưởng trẻ thơ của Công ty Honda Nhật bản. Nhân bàn về tai nạn giao thông. Có em bảo: “Ở đất nước chúng cháu, tai nạn giao thông nhiều lắm. Tất cả đều vì sự bất cẩn của con người. Nhiều người say rượu lái xe. Có người còn phê ma túy. Cũng đã có nhiều giải pháp nhưng không giảm. Cấm cũng không giảm. Nhưng vẫn có thể khắc phục được tệ nạn này mà không khó gì, cũng không tốn kém gì. Thậm chí chả cần đến công an giao thông kiểm tra hay dùng máy đo nồng độ cồn. Các bác chỉ cần gắn một con chíp trong tay lái. Cứ có hơi rượu hay hơi ma túy là máy sẽ tắt. Gắn chíp có khó không? Cháu nghĩ là không khó”. Vậy đó. Sáng kiến của trẻ con có thể biến ngay thành hiện thực. Trong cuộc giao lưu với trẻ em, có cháu còn nói thẳng thế này: “Trong khi các cô bác cứ nói quan tâm đến thiếu nhi với bao nhiêu khẩu hiệu, mà khẩu hiệu nào nghe cũng hay: Trẻ em hôm nay - Thế giới ngày mai, rồi Tất cả vì tương lai con em chúng ta... Riêng cái quan niệm này, chúng cháu thấy có cái gì đó không được ổn lắm. Bởi các bác chỉ nghĩ đến tương lai mà không quan tâm đến hiện tại. Tương lai là cái gì còn rất mù mờ ở phía trước. Tương lai có thể đến hoặc không bao giờ đến. Hoặc giả dụ, nếu tương lai có đến thật thì lúc ấy, chúng cháu cũng đã thành các cụ già rồi, làm sao còn thú vui của con trẻ để thụ hưởng những gì tốt đẹp các bác ban cho. Còn hiện tại chúng cháu đang sống thì chẳng có gì cả. Thôi khỏi bàn đến những ước mơ cao siêu, vì như thế viển vông quá. Chúng cháu chỉ khát khao có chỗ để nhảy dây, có chỗ đánh chuyền hay đá bóng. Phóng túng hơn nữa là thả diều. Trên thị trường diều được bán rất nhiều, đủ các kích cỡ, hình dáng. Người lớn bán rất nhiều diều cho trẻ con để thu lợi nhuận nhưng lại không cho trẻ con chỗ thả diều. Có bạn đành leo lên tầng thượng, leo lên nóc nhà thả diều. Có bạn liều lĩnh đá bóng ngay trên đường phố. Đó là những việc làm vô cùng nguy hiểm. Có bạn ngã nhào từ tầng 5 xuống đất chết. Có bạn đá bóng dưới lòng đường bị xe cán gãy chân. Không biết các bác người lớn, nhất là các bác lãnh đạo có thấy đau lòng không? Nếu các bác có đau lòng thật, thì chắc đến nay tình hình đã phải khác chứ. Nhiều bạn bị các bác quát mắng om sòm vì “gây mất trật tự đường phố”. Thực sự chúng cháu có lỗi không? Trẻ con có quyền được vui chơi không?”. “Trẻ em rất cần được vui chơi. - Một nhà văn tiếp lời - Nhưng các em cũng phải thông cảm với các cô các bác. Bởi hiện nay vẫn còn rất nhiều người nghèo không có nhà ở. Vậy thì theo các em, giữa việc xây nhà cho người nghèo có chỗ trú mưa nắng với chuyện làm sân chơi cho các em, ta cần ưu tiên cái nào trước đây?”. “Theo cháu, chúng ta không nên đặt vấn đề như thế? Không nên lấy cái nọ triệt tiêu cái kia. Tại sao các bác không nghĩ đến việc vừa xây nhà cho người nghèo, vừa làm sân chơi cho con trẻ? Chưa kể có nơi cả hai cái đều không có, mà chỉ có các khẩu hiệu căng xanh đỏ đầy cả ở ngoài đường: Hãy dành cho trẻ em những gì tốt nhất mình có... nhưng chẳng có cái gì. Vài cái kẹo đêm Trung thu chăng?”. “Nhưng làm bằng cách nào được, trong khi phố phường chật chội như thế?”. “Chúng cháu nghĩ rằng phố phường chỉ chật chội đối với những nhà quản lý không có tầm nhìn xa và không biết quy hoạch cụ thể”. Đấy, tiếng nói của trẻ con đấy. Tôi rất hồi hộp ở cuộc thi này. Biết đâu, chính các em sẽ gợi cho chúng ta những sáng kiến hay trong việc bảo vệ môi trường chúng ta đang sống.

- Xin cảm ơn ông!


TRANG THU (ghi)
Ý kiến của bạn