Cúng Rằm tháng Giêng 2024 như thế nào cho đúng để cả năm an lành?

23-02-2024 17:40 | Đời sống
google news

SKĐS - Theo quan niệm của nhiều gia đình, trọng tâm của lễ Rằm tháng Giêng là cầu nguyện cho một năm mới an lành, khỏe mạnh, no đủ, thịnh vượng. Vậy cúng Rằm tháng Giêng 2024 như thế nào cho đúng?

Lễ cúng Rằm tháng Giêng 2024 rơi vào ngày cuối tuần - thứ Bảy ngày 24/2/2024 Dương lịch. Vào ngày này, các gia đình thường sắm hai lễ để cúng Phật và gia tiên.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người băn khoăn không biết nên cúng Rằm tháng Giêng 2024 trong nhà hay ngoài trời và nếu thực hiện ở cả hai nơi thì cúng ở nơi nào trước?

Cúng Rằm tháng Giêng 2024 như thế nào cho đúng để cả năm an lành?- Ảnh 1.

Năm 2024, ngày Rằm tháng Giêng vào thứ Bảy nên rất thuận tiện cho các gia đình chuẩn bị chu đáo cho lễ cúng. (Ảnh minh hoạ).

Nên cúng rằm tháng Giêng 2024 trong nhà hay ngoài trời?

Theo chia sẻ của chuyên gia phong thủy Song Hà, việc cúng Rằm tháng Giêng nên được tiến hành ở cả trong nhà và ngoài trời để tỏ lòng thành kính với thần, Phật, gia tiên.

Trong đó, mâm cúng quan thần được đặt ở ngoài trời, còn mâm cúng gia tiên đặt ở trong nhà. Lễ cúng rằm tháng Giêng thường được tiến hành vào giờ Ngọ (tức là từ 11h đến 13h) ngày chính rằm - 15/1 Âm lịch.

Ngoài khung giờ này, năm 2024 còn có hai khung giờ đẹp để các gia chủ cúng Rằm tháng Giêng đó là: giờ Mão (5h-7h) và giờ Thân (15h-17h).

Gia chủ thực hiện cúng rằm tháng Giêng cả trong nhà và ngoài trời thì nên thực hiện lễ cúng bái ngoài trời trước khi làm lễ trong nhà.

Cúng rằm tháng Giêng 2024 trong nhà

Mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng trong nhà có thể là cỗ chay hoặc mặn, hoặc cả hai - gồm cỗ mặn cúng gia tiên và cỗ chay để cúng thần, Phật.

Mâm cỗ mặn cúng Rằm tháng Giêng trong nhà

Mâm cỗ mặn cúng rằm tháng Giêng trong nhà dâng lên gia tiên thường có 4 bát, 6 đĩa. Thông thường, 4 bát gồm canh măng, canh bóng, bát miến và mọc; 6 đĩa gồm thịt gà hoặc lợn luộc, giò/chả, nem, món xào, dưa hành, xôi hoặc bánh chưng. Mâm cỗ nên bao hàm đầy đủ các vị: Vị mặn của nước chấm, vị cay của ớt, vị chua của đĩa dưa hành, vị ngọt của bánh, tất cả tạo nên mâm cỗ đủ đầy, cầu mong yên ấm an lành, xua đi những đen đủi có thể đến trong năm mới.

Ngoài các món mặn, gia đình còn cần chuẩn bị các lễ vật: Hương, hoa, đèn nến, vàng mã, trầu cau, rượu.

Mâm cỗ chay cúng Rằm tháng Giêng trong nhà

Trên ban thờ Phật, lễ vật đều phải là đồ chay thanh đạm với số lượng không quá nhiều. Với mỗi món ăn, gia chủ chỉ cần bày trong đĩa, bát nhỏ hoặc vừa. Lễ vật thường gồm: Hoa quả, chè, xôi; món xào chay; các món đậu; canh măng nấm hoặc canh củ quả chay; bánh trôi nước, hương hoa, tiền vàng, đèn nến, trầu cau và rượu trắng.

Đặc biệt, trong mâm cỗ chay cúng Rằm tháng Giêng nhiều gia đình thường chuẩn bị cả có bánh trôi (chè trôi nước) với nghĩa của việc ăn bánh trôi ngày Tết Nguyên tiêu là mong muốn mọi việc quanh năm được hanh thông, trôi chảy.

Cúng Rằm tháng Giêng 2024 như thế nào cho đúng để cả năm an lành?- Ảnh 2.

Nhiều người xem việc cúng Rằm tháng Giêng là nghi thức quan trọng, là thời điểm thích hợp để cầu nguyện an lành cho cả năm. Ảnh minh họa.

Cúng rằm tháng Giêng ngoài trời

Lễ cúng rằm tháng Giêng ngoài trời nhằm cảm ơn trời đất, thần tiên, Phật thánh cùng các vị anh hùng dân tộc. Những nhà không có sân thì có thể bày lễ ở gian giữa trong nhà hoặc sân thượng. Một số gia đình có điều kiện về không gian còn đặt bốn bàn lễ ở bốn hướng: Hướng bắc thờ Thượng đế, hướng nam thờ các vị thần, hướng tây thờ Phật; hướng đông thờ các vị anh hùng có công với dân với nước.

Mâm cỗ cúng ngoài trời gồm có: gà luộc; xôi hoặc bánh chưng; mâm ngũ quả; hương (nên là 3 cây nhang to); 12 đĩa hoa đại diện 12 tháng trong năm; đèn/nến - 24 hũ nến sáp vàng hoặc đỏ đại diện cho 24 tiết khí trong năm; trầu cau, muối gạo, trà rượu, quần áo mũ thần nông giấy, lưỡi liềm giấy.

Tuy nhiên, tùy vào phong tục từng nơi cũng như điều kiện kinh tế, thời gian của từng gia đình mà mâm lễ mỗi nhà mỗi khác. Cúng rằm tháng Giêng không nhất thiết phải mâm cao cỗ đầy mà gia đình nên "tùy tiền biện lễ", miễn là thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn và tấm lòng thành kính, tri ân Phật, thánh, tổ tiên.

Cúng rằm tháng Giêng 2024 cần đặc biệt lưu ý điều gì?

Theo phong tục dân gian cho rằng việc cúng rằm tháng Giêng có một số điều nên tránh, đó là:

Kiêng thủ lợn

Có nhiều gia đình khi cúng Rằm tháng Giêng thường cúng cả đồ chay lẫn mặn. Bạn nên lưu ý thủ lợn tuyệt đối không nên sử dụng. Dân gian quan niệm rằng cúng thủ lợn thường không tốt. Thay vì thủ lợn, bạn có thể cúng bằng những món như: gà, xôi, canh măng hoặc miến,…

Đồ chay giả mặn

Nhiều gia đình ngày nay thường làm các mâm cỗ chay để cúng. Tuy nhiên với những gia đình đã có ban thờ Phật thì nên nhớ các món đồ thuần chay. Nếu gia chủ dâng cúng những món đồ giả mặn như giả tôm hay giả thịt, giả cá,.. đồng nghĩa biểu hiện cho việc tâm còn dục vọng, sân si. Bên cạnh đó, ăn chay được cho là hình thức dưỡng tâm cũng như dưỡng thân tốt, đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao.

Tuy nhiên, chế biến món ăn chay lại khá phức tạp, khó hơn so với đồ ăn mặn. Vì vậy, bạn hãy cân nhắc thật kỹ trước khi cúng Rằm tháng Giêng 2024 bằng những món thuần chay.

Không dùng hoa giả, trái cây giả

Rất nhiều gia đình sử dụng hoa giả, trái cây giả đặt trên ban thờ để làm cảnh cho đẹp, vì chúng mẫu mã rất bắt mắt, dùng được lâu mà không lo hỏng, héo.

Tuy nhiên, việc bày hoa, quả giả trên bàn thờ hay trong mâm lễ cúng là không nên, vì thờ cúng phải tịnh tâm, nhà có sao dâng lên vậy, nên dùng hoa tươi, trái cây tươi để dâng cúng thần Phật, tổ tiên.

Không đốt nhiều vàng mã

Trọng tâm của lễ cúng rằm tháng Giêng là cầu nguyện cho một năm mới an lành, khỏe mạnh, no đủ, thịnh vượng. Tuy nhiên, đạo Phật không bắt buộc phải đốt vàng mã cho người đã mất, không cổ xúy việc đốt vàng mã, vừa phí phạm lại ô nhiễm môi trường.

Vậy nên, người dân đi lễ nên dùng tấm lòng thành kính chứ không phải cố sắm mâm cao cỗ đầy hoặc đốt quá nhiều vàng mã gây lãng phí.

Không xê dịch bát hương

Vào ngày rằm tháng Giêng, các gia đình thường lau dọn bàn thờ. Khi làm việc này lưu ý không xê dịch bát hương, trước khi lau dọn nên thắp 1 nén hương khấn xin Thần linh Thổ địa, tổ tiên về việc sẽ lau dọn ban thờ để chuẩn bị lễ cúng rằm tháng Giêng.

Không dùng tiền giả

Bên cạnh lễ mặn, lễ ngọt các gia đình thường dâng lên mâm cúng Rằm tháng Giêng cả tiền dương lẫn tiền âm. Tuy nhiên, gia chủ nên cẩn thận không đặt tiền giả hoặc tiền có nguồn gốc bất chính, kiếm từ các hoạt động phi pháp hoặc trái với đạo đức lên mâm cúng ngày Rằm tháng Giêng. Do đó, khi đặt tiền lên bàn thờ không quan trọng là tiền nhiều hay ít, quan trọng chính là lòng thành của gia chủ đối với các vị thần Phật.

(*) Thông tin bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và chiêm nghiệm.

Bài cúng Rằm tháng Giêng 2024 tại nhà và tại chùa đầy đủ nhấtBài cúng Rằm tháng Giêng 2024 tại nhà và tại chùa đầy đủ nhất

SKĐS - Rằm tháng Giêng hay Tết Nguyên tiêu là ngày lễ quan trọng của người Việt. Dưới đây là văn khấn, bài cúng rằm tháng Giêng 2024 tại nhà và tại chùa chuẩn và đầy đủ nhất.

Ngày Rằm tháng Giêng 2024 nên kiêng gì theo quan niệm dân gian?Ngày Rằm tháng Giêng 2024 nên kiêng gì theo quan niệm dân gian?

SKĐS - Rằm tháng Giêng còn gọi là Tết Nguyên Tiêu là ngày đoàn viên. Theo quan niên dân gian, có những điều không nên làm vào ngày Rằm tháng Giêng 2024 bởi sẽ làm bớt phần may mắn trong năm mới.


Thanh Hồng (t/h)
Ý kiến của bạn