Lực lượng Bộ đội Biên phòng Nghệ An di dời người dân vùng trọng điểm có nguy cơ sạt lử đến nơi an toàn
Tập trung cao độ sơ tán người dân
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9 cùng với không khí lạnh tràn về, những ngày cuối tháng 10 này, nhiều nơi trên địa bàn Nghệ An đã xẩy ra những đợt mưa to đến rất to, có nơi đặc biệt to đã khiến nhiều địa phương bị cô lập, ngập sâu trong lũ. Các xã nằm dọc sông Lam như huyện Thanh Chương, Đô Lương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, thành phố Vinh và một số địa phương khác chìm trong biển nước.
Theo báo cáo của tỉnh Nghệ An, mưa lũ đã làm 6 người chết và ba người mất tích, ba người bị thương. Mưa lũ đã làm 154 xóm làng bị ngập lụt, cô lập, chia cắt với gần 20 nghìn ngôi nhà bị ngập; gần 1.000 ngôi nhà bị hư hỏng; hơn 24 nghìn ha lúa, ngô, ràu màu, hải sản bị ngập, hư hỏng; nhiều km đường giao thông, kênh mương, cầu cống, đê, kè bị hư hỏng hay bị cuốn trôi… Các địa phương đã chủ động, tổ chức sơ tán hàng nghìn hộ dân đến nơi an toàn.
Mưa lũ là vậy, nhưng nhờ làm tốt phương châm 4 tại chỗ, cùng sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang và các đơn vị khác mà việc sơ tán người dân ở vùng lũ đến nơi an toàn, nhất là người già, trẻ em được thực hiện một cách bài bản và an toàn. Bà Nguyễn Thị Tuyết, Chủ tịch UBND xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên, (Nghệ An) cho biết: Xã có 3 cụm dân cư với 238 hộ ở ngoài đê sông Lam, khi nước lũ vừa dâng lên, theo phương án từ trước, địa phương đã chỉ đạo, vận động người dân sơ tán người già, trẻ em vào trong đê, ở nhờ nhà bà con hay nhà cao tầng. Toàn bộ đàn bò, lợn được đưa lên mặt đê “ở nhờ” tránh lụt.
Do ở trong vùng thường xuyên bị lũ lụt, nên bà con nơi đây đã có kinh nghiệm sống chung với lũ, ngoài tài sản kê lên cao, mỗi gia đình đều có chạn ở trên nóc nhà hay nhà chòi để cất tài sản có giá trị, lương thực, đồ ăn khô và nước uống để có thể sống dài ngày với mưa lũ. Toàn huyện Hưng Nguyên có 43 xóm của 10 xã với hơn 4.500 hộ bị ngập sâu từ một đến 1,5 mét. Nhờ chủ động trong công tác ứng phó nên đã an toàn về người và giảm thiểu thiệt hại về tài sản. Các địa phương cũng tổ chức sơ tán hơn 600 hộ ở vùng ngập lụt và vùng sạt lở. Trong đó có 67 hộ, 244 người do nguy cơ sạt lở ở núi Rày và núi Thành.
Ở huyện Thanh Chương nhiều xã bị ngập lụt cục bộ, hàng trăm hộ dân chìm trong biển nước
Trong đợt mưa lũ vừa qua, Thanh Chương, là một trong những địa phương ở Nghệ An chịu ảnh hưởng nặng nề, có nhiều thôn, xóm bị ngập sâu trong lũ, nhưng do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nên công việc di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm đươc triển khai kịp thời. Ông Bùi Xuân Lĩnh, Chủ tịch UBND xã Võ Liệt, Thanh Chương cho biết: Ðã thành thói quen, ngay khi nước sông Lam tràn bờ, chúng tôi đã triển khai lực lượng cứu hộ giúp đỡ người dân, nhất là người già và trẻ nhỏ. Gần 120 hộ bị ngập nước được các lực lượng giúp đỡ đưa đến nơi cao ráo. Cũng như Võ Liệt, các địa phương ở huyện Thanh Chương đã tổ chức di dời cả nghìn hộ dân ở vùng có nguy cơ bị ngập sâu đến nơi an toàn.
Trong thiên tai, bão lũ, lực lượng vũ trang tỉnh Nghệ An luôn sát cánh với cấp ủy, chính quyền và người dân. Mưa lớn đã làm nhiều tuyến đường và khu dân cư ở TP Vinh bị ngập sâu. Bến Thủy và Hồng Sơn (TP Vinh) là hai phường ngập nặng nhất, trong đó có "rốn lũ" khối 13, khối 15 phường Bến Thủy, ngập sâu gần hai mét.
Chủ tịch UBND phường Bến Thủy Nguyễn Xuân Huân cho biết: Bất chấp mưa, lũ, lực lượng tại chỗ của phường kết hợp với hơn 100 cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 873 (Quân khu 4), Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy tìm kiếm cứu nạn (Công an Nghệ An) cùng với các phương tiện cứu hộ chuyên dùng đã kịp thời tiếp cận các điểm ngập sâu để sơ tán gần 200 hộ dân cũng như di dời tài sản đến nơi an toàn. Bà Nguyễn Thị Chắt ở khối 13, phường Bến Thủy xúc động nói: "Tôi ở nhà một mình, lại không biết dùng điện thoại, khi nước lũ lên cao, không biết cầu cứu như thế nào nên rất lo lắng. May nhờ các chú bộ đội đưa đến nơi an toàn. Cảm ơn các chú bộ đội cụ Hồ!". Cũng trong thời gian này, lực lượng chức năng phường Hồng Sơn đã đưa bảy hộ gồm 35 người ở khối 1 di dời ra khỏi nơi ngập nặng.
Công an tỉnh Nghệ An di dời người dân ra khỏi vùng ngập lụt. Ảnh Văn Hậu
Bất chấp mưa lũ hàng nghìn lượt cán bộ chiến sỹ của các lực lượng vũ trang cùng dân quân, tự vệ đã có mặt tại nơi hiểm nguy để cõng người già, em nhỏ đưa lên ca nô vượt lũ đến nơi an toàn. Mặc cho giữa biển nước mênh mông, dòng nước cuồn cuộn nhưng các anh vẫn không quản ngại. Dường như mệnh lệnh cứu dân và sự bình yên của Nhân dân đã lấn át mọi nỗi sợ hãi trong họ.
Sẻ chia khó khăn với đồng bào
Ngay trong những ngày mưa lũ dâng cao các đoàn công tác của tỉnh Nghệ An đã về các địa phương bị ngập sâu chỉ đạo công tác ứng phó và thăm hỏi, động viên nhân dân. Dù nước ngập nửa người, đoàn công tác do Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung dẫn đầu vẫn lội bộ đến với người dân các xã ở huyện Ðô Lương - nơi có hàng trăm hộ dân đang bị ngập sâu để động viên và chỉ đạo cơ sở với mục tiêu không để người dân đói khát, rét và đảm bảo an toàn.
Trong mưa lũ, những đoàn cứu trợ của lực lượng vũ trang đã có mặt ở các vùng ngập sâu để phát hàng cứu trợ. Bộ CHQS tỉnh Nghệ An thành lập năm đoàn công tác để tiếp tế lương thực, thực phẩm cho người dân vùng lũ. Trong đó, tiếp tế 5 tấn lương khô của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 hỗ trợ nhân dân các địa phương bị chia cắt trên địa bàn Thành phố Vinh, và các huyện: Hưng Nguyên, Thanh Chương, Đô Lương, Nghi Lộc.
Lực lượng vũ trang Quân khu 4 đã đến các xã miền núi bị ngập sâu ở huyện Thanh Chương hỗ trợ 3 tấn gạo và gần 1.000 thùng mì tôm cho nhân dân.
Trung tướng Trần Võ Dũng, Chính ủy Quân khu 4 đã đến các xã miền núi bị ngập sâu ở huyện Thanh Chương hỗ trợ 3 tấn gạo và gần 1.000 thùng mì tôm cho nhân dân. Đoàn công tác cũng đã đến thăm, tặng quà, chia sẻ, động viên các gia đình chính sách, các hộ nghèo và người dân trên địa bàn bị nạn do lũ lụt.
Hội Chữ thập tỉnh Nghệ An cũng tổ chức các đoàn cứu trợ khẩn cấp tại các huyện bị ngập nặng: Hưng Nguyên, Thanh Chương, TP Vinh. Hội đã trao 450 áo phao, 370 thùng mì tôm, 60 thùng lương khô cùng nhu yếu phẩm khác.
Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Nghệ An đã đến vùng lũ huyện Hưng Nguyên để động viên, tặng quà cho bà con. Nhiều đoàn MTTQ các huyện thị trong tỉnh đã về vùng lũ trên tinh thần, lá rách ít, đùm lá rách nhiều, huyện giúp huyện, xã giúp xã, thôn giúp thông và nhà giúp nhà.
Từng đoàn xe chở hàng cứu trợ về với vùng lũ Thanh Chương.Ảnh: Huy Thư
Đáng trân quý hơn, trong đó có nhiều đoàn xe cứu trợ của Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh – nơi vừa mới oằn mình trong lũ dữ cũng cõng đầy hàng hóa đến với bà con vùng lũ Nghệ An mà thấy cảm động cho nghĩa đồng bào Việt Nam!. Tại điểm ngập lụt xóm Thành Sơn, xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên, chúng tôi gặp vợ chồng chị Bùi Thị Tùng ở xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) với đầy một xe ô tô quà đang phát cho bà con.
Chị Tùng cho biết: “Mới tuần trước, Hà Tĩnh chúng tôi ngập lụt, bà con Nghệ An đã gói bánh chưng cùng hàng hóa thiết yếu khác hỗ trợ kịp thời. Nay, Nghệ An cũng bị lũ lụt, chúng tôi phải có trách nhiệm góp sức, để cùng chia sẻ khó khăn với đồng bào”. Vợ chồng anh Tùng còn cho biết: Đoàn chia làm hai nhóm, một nhóm đi Hưng Nguyên; nhóm còn lại đến Thanh Chương – nơi bị ngập lụt nặng hơn với hai xe tải đầy ắp hàng hóa cho bà con.
Hiện ở một số nơi, nước lũ bắt đầu rút, trong đó có các xã vùng thượng Thanh Chương, các đơn vị vũ trang cùng các lực lượng khác đang tiếp tục xuống cơ sở để giúp vệ sinh môi trường các trường học, trụ sở làm việc, trạm y tế, các gia đình chính sách, neo đơn, già cả.
Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương (Nghệ An) Trình Văn Nhạ cho biết: Địa phương đã huy động các lực lượng vũ trang trong huyện và đang xin thêm 200 quân của Quân khu 4 cùng các đội tình nguyện để hỗ trợ người dân vệ sinh mội trường, với phương châm, nước rút ra đến đâu, vệ sinh sạch đến đó; triển khai ngay các biện pháp bảo vệ môi trường, tiêu độc, khử trùng, xử lý đảm bảo nước sinh hoạt và hướng dẫn nhân dân vệ sinh môi trường, phòng trừ dịch bệnh cho người và gia súc.
UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An tặng quà cho vùng lũ Châu Nhân, Hưng Nguyên (Nghệ An). Ảnh Hà Huệ
Trong những ngày qua, tỉnh Nghệ An không chỉ tập trung sơ tán người dân đến nơi an toàn mà cấp ủy, chính quyền các địa phương đã phát huy tốt 4 tại chỗ cùng phối hợp với lực lượng vũ trang, và các đơn vị khác cũng như sự chung tay góp sức của những tấm lòng vàng từ mọi miền tổ quốc đã giúp cho dân không bị đói, bị khát trong mưa lũ.