Lâu nay, dân mình coi trọng Tết ta vì nó có từ ngàn xưa liên quan đến nền văn hóa lúa nước, được tính theo lịch trăng, mang tính cổ truyền. Diện mạo, tinh thần của Tết ta xưa được gói lại trong hai câu đối quen thuộc: Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ / Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh. Còn Tết tây thì hình như chỉ mới được chú ý từ khi Việt Nam đổi mới, hòa nhập rộng rãi với thế giới trong xu thế toàn cầu hóa không ai có thể cưỡng lại được. Tuy mới nhưng Tết tây bắt đầu được nhiều người, đặc biệt thế hệ trẻ quan tâm và coi nó là một sinh hoạt văn hóa mang tính nhân loại. Lớp công dân toàn cầu mặc dù có cụ kỵ ông bà phần đông sinh ra từ ruộng đồng thôn trang, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, lại trải qua những tháng năm giặc giã binh đao nhưng luôn hướng tới cái bao la ngoài biên giới để phát hiện, tiếp nhận không ít lễ hội, sinh hoạt văn hóa có nguồn gốc ngoại lai. Nên dần dà Tết tây cũng trở nên xao động, nhộn nhịp trong đời sống văn hóa của người Việt. Lại có vẻ như Tết tây nhiều màu sắc, âm điệu hơn Tết ta. Vậy nên, có người đề xuất nhập Tết ta vào Tết tây cho phù hợp với đời sống hiện đại, hòa nhập với thế giới và cũng để tiết kiệm thời gian, tiền của. Tuy nhiên, ý kiến này đã trở nên lạc lõng trước sự thờ ơ của một xã hội vốn rất coi trọng truyền thống. Nói tóm lại, cho đến lúc này thì dân ta vẫn cứ chơi luôn hai Tết, tây và ta cho nó vừa hiện đại vừa truyền thống, không bị lạc điệu với thiên hạ bốn biển năm châu và cũng không làm tổ tiên ông bà phật ý.
Năm 2018 đã đến, còn gì vui hơn khi ta hòa vào lời ca Happy new year như cất lên khát vọng hòa bình của nhân loại.
Tết tây là Tết đón mừng năm mới theo dương lịch. Người Việt ta cũng hân hoan khi tờ lịch cuối cùng được xé đi báo hiệu năm cũ đã qua. Một năm mới mở ra với những hy vọng tốt lành cho mọi người. Dòng chữ tiếng Anh: Happy new year (Chúc mừng năm mới) không còn xa lạ với dân ta nữa. Đấy chính là lời chúc bất hủ của nhân loại hướng tới 365 ngày mới bình an, may mắn. Những ngày đầu năm, ai cũng mong muốn hạnh phúc, cho mình, cho gia đình, cho bạn bè. Mong muốn ấy hầu như có ở mọi dân tộc, mọi đất nước trên hành tinh mang tên trái đất này. Không phải ngẫu nhiên mà một số nước như Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, Italy... coi ngày 1 tháng 1 là ngày lễ quốc gia.
Phong tục đón Tết dương lịch ở các nước cũng mang những ước mong cho cuộc sống tốt lành hơn, cái xấu dữ mất đi như trong Tết cổ truyền của ta. Người dân Tây Ban Nha lấy mười hai chùm nho xanh tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Đúng thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới họ ăn các chùm nho xanh càng nhanh càng tốt với mong ước cuộc sống sẽ ngọt ngào, suôn sẻ. Người dân Cộng hòa Séc thì dự đoán năm mới bằng trái táo. Giao thừa, gia đình bạn bè tụ họp quanh bàn ăn tối; họ cắt đôi một quả táo rồi đoán định năm mới bằng cách nhìn vào lõi nó. Nếu lõi táo có hình ngôi sao thì năm mới gia đình, người thân họ sẽ có sức khỏe và sống hạnh phúc. Người dân Séc nghĩ rằng tiếng ồn sẽ làm cho lũ quỷ sợ hãi nên họ thường cười nói rất to trong các tiệc mừng năm mới nhằm xua đuổi nó đi. Còn người Romania thì thích nhảy múa trong lớp da gấu thật để tránh khỏi các linh hồn ma quỷ. Nghe chuyện đuổi tránh ma quỷ lại nhớ tới sự tích Cây nêu ngày Tết của Việt Nam mình. Colombia nổi tiếng thích đi du lịch thì họ đón năm mới bằng việc cầm chiếc va li không rồi chạy quanh một khối đá. Người Hunggari thì tối kỵ việc giặt quần áo trong mấy ngày Tết, có vẻ na ná giống tục kiêng quét nhà trong ba ngày đầu năm ở nước mình...
Tết tây hay Tết ta tuy phong tục có những điều khác nhau nhưng niềm vui chào mừng năm mới hay ước mong được sống yên bình, no đủ, vui vẻ thì không có gì cách biệt. Ngẫm ra, dù khác dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, huyết thống, quốc gia, châu lục nhưng nhân loại có chung khát khao hòa bình, hạnh phúc. Có mấy ai lại không mong sau những tháng đông buốt giá, cỗi cằn, xơ xác trời đất sẽ bừng sáng, ấm áp, cây cỏ tươi mởn sum suê khi mùa xuân về. Gương mặt con người ánh lên sắc xuân, chúng ta xích lại gần nhau trong sự thân thiện thuận hòa. Những cánh bay trong bầu trời yên ả không bị đe dọa bởi tên lửa đạn đạo hay vũ khí hạt nhân đưa niềm vui và niềm tin của các dân tộc đến với nhau. Đâu chỉ mỗi người dân Colombia ưa thích du lịch, người Việt Nam cũng mong được đi đây đi đó lắm chứ. Ngạn ngữ Việt có câu Đi một ngày đàng học một sàng khôn cơ mà. Thiên hạ gần xa có biết bao sàng khôn ta chưa biết, chưa học. Hòa bình ở đâu xa; hòa bình có trong từng ánh mắt, nụ cười, cái bắt tay thân thiện. Hòa bình có trong hành trình Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới. Hòa bình có trong ý thức và hành động khép lại quá khứ, hướng tới tương lại với những ai từng là kẻ thù xứng đáng của ta... Thế đấy, không ai là kẻ chiến bại trong sự hợp tác, trong tình bạn chân thành, minh định. Mong ước của dân tộc Việt Nam có gì khác lạ đâu với ước mong nhân loại.
Happy new year. Tết tây hay Tết ta thì giai điệu rộn ràng và tha thiết của ca khúc rất nổi tiếng này đều vang lên trong nhiều gia đình người Việt. Chưa bao giờ Việt Nam gần nhân loại hơn lúc này và nhân loại cũng đã đến với Việt Nam đông đúc hơn. Happy new year. Xin chúc cho mọi nhà cùng người thân hân hoan đón xuân. Năm cũ đi năm mới say đón thêm bao tin vui nơi nơi. Cùng với ngôi làng trái đất trong thế giới phẳng, chúng ta đón chào một mùa xuân mới tràn trề hy vọng tốt đẹp cho loài người, bớt đi những cuộc chia ly, thêm nhiều sum vầy đoàn tụ. Happy new year, nào bạn ơi, hãy ngân lên khúc ca tươi vui. Chúc cho nhau những câu yêu thương một năm mới an lành. Tình yêu thương sẽ cứu rỗi thế giới. Cùng hàng tỉ người trên hành tinh xanh chúng ta mong bóng tối chiến tranh sẽ lụi tan, ánh sáng hòa bình tỏa sáng nơi nơi. Vâng, năm 2018 đã đến rồi, còn gì vui hơn khi ta hòa vào lời ca Happy new year như cất lên khát vọng hòa bình của nhân loại đang còn rất nhiều đau thương.