Bác sĩ Hoàng Việt Phương, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Tuyên Quang cho biết, việc thực hiện Đề án 1816, luân chuyển cán bộ về chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới có ý nghĩa quan trọng, giúp các đơn vị khám, chữa bệnh tuyến dưới nắm bắt được các kỹ thuật cao… Nhờ đó, tuyến dưới có thể tiếp cận được các kỹ thuật như hồi sức cấp cứu, hồi sức sơ sinh, chẩn đoán và điều trị bệnh vàng da sơ sinh, kỹ năng phẫu thuật, xét nghiệm, kỹ thuật chụp Xquang, siêu âm...
Tuyến tỉnh mạnh
Từ hiệu quả bước đầu của những ngày đầu thực hiện Đề án 1816, ngành y tế Tuyên Quang xây dựng kế hoạch tiếp tục luân phiên cán bộ chuyên môn của các bệnh viện tuyến tỉnh về bệnh viện tuyến dưới để nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh. Trong các đợt luân phiên, các y, bác sĩ đã tổ chức giảng các buổi lý thuyết, còn chủ yếu là thực hành, trực tiếp hướng dẫn theo từng ca bệnh. Đến nay, hầu hết các bác sĩ ở đây đã nắm bắt được kỹ thuật phẫu thuật cấp cứu dạ dày, ruột thừa, mổ đẻ, chửa ngoài tử cung; kỹ thuật gây mê hồi sức, xét nghiệm...
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyên, Phó trưởng khoa Sản, Bệnh viện đa khoa Hàm Yên khẳng định, được “cầm tay chỉ việc”, tay nghề của chị được nâng lên nhiều, có thể tự tin tiến hành phẫu thuật thành công nhiều ca bệnh khó. Các bác sĩ nhờ đề án đã học hỏi lẫn nhau, kể cả học cách ứng xử với gia đình bệnh nhân, góp phần nâng cao uy tín của người thầy thuốc.
Khoa Tai mũi họng và Khoa Truyền nhiễm là hai khoa đầu tiên của Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang được tiếp nhận các cán bộ từ tuyến Trung ương về hỗ trợ theo Đề án 1816, bước đầu đem lại hiệu quả rõ rệt. Cả Khoa Tai mũi họng có 5 bác sĩ thì hai người đang đi học, nên những người còn lại gần như không có ngày nghỉ, trung bình mỗi tháng khoa thực hiện khám, điều trị cho khoảng 2.500 - 3.000 lượt người bệnh. Đánh giá đúng những khó khăn của khoa, lãnh đạo bệnh viện đã đề xuất Bệnh viện Tai mũi họng TW cử các đợt cán bộ xuống tăng cường, vừa tham gia khám chữa bệnh với các bác sĩ của khoa, vừa hướng dẫn và chuyển giao nhiều kỹ thuật mà trước đây các bác sĩ tại khoa chưa làm được, hoặc làm chưa chuẩn.
Nhờ thực hiện Đề án 1816, y tế cơ sở ở Tuyên Quang thay đổi rõ rệt. |
Chiến lược hai chiều
Xác định rằng Đề án 1816 là cơ hội “vàng” để nâng cao chất lượng y tế tuyến dưới. Tận dụng kinh nghiệm của thầy thuốc tuyến TW về hỗ trợ cho tuyến tỉnh, y tế Tuyên Quang đồng thời thực hiện kế hoạch “dịch chuyển nhân lực y tế đồng bộ ở các tuyến” bằng “chiến lược hai chiều”. Theo đó, các đơn vị y tế tuyến tỉnh, trong đó chủ yếu là bệnh viện đa khoa tỉnh luân chuyển cán bộ về tuyến huyện làm việc theo hướng đào tạo nâng cao tay nghề với những chuyên khoa cụ thể theo yêu cầu của từng huyện. Các thầy thuốc tuyến huyện sau 3 tháng theo học ở tuyến tỉnh phải qua các kỳ “sát hạch” cả về lý thuyết và thực hành. Thực tế cho thấy, khi trở lại huyện, cùng với kiến thức vừa mới học, kết hợp bác sĩ về hỗ trợ “cầm tay chỉ việc”, bác sĩ tuyến huyện đã thực hiện được nhiều ca bệnh khó mà trước đây phải chuyển lên tuyến trên. Hôm chúng tôi về, Bệnh viện huyện Sơn Dương vừa chuyển sang cơ sở mới xây dựng khá khang trang và tương đối đủ trang thiết bị y tế từ nguồn trái phiếu Chính phủ. Có cơ sở mới, có bác sĩ từ bệnh viện tỉnh về tăng cường, nên số người dân đến khám bệnh và điều trị tăng cao, đáng mừng là nhiều người bệnh được điều trị ngay tại cơ sở, không phải chuyển lên tuyến trên. Bác sĩ Trần Ngọc Toản, Trưởng khoa Ngoại sản, Bệnh viện Sơn Dương cho biết, nhờ có bác sĩ về tăng cường nên bệnh viện đã thực hiện được thêm các kỹ thuật mới mà trước đây không dám thực hiện như: điều trị vàng da sinh lý cho trẻ sơ sinh hay mổ cấp cứu ổ bụng, xương đầu, cẳng tay... kể cả thực hiện được các ca vượt tuyến kỹ thuật: cắt tử cung, u xơ, kết hợp xương các loại.
Với chiến lược rõ ràng, đầu tư đồng bộ, Đề án 1816 ở Tuyên Quang đang thay rõ rệt bộ mặt y tế cơ sở của quê hương cách mạng.
Trung Anh