1. Cứng khớp là gì?
Cứng khớp xảy ra khi các khớp thiếu khả năng vận động để di chuyển trơn tru trong phạm vi chuyển động của chúng. Khi bị cứng khớp, sự di chuyển các bộ phận của cơ thể có thể gây khó khăn và đôi khi gây đau đớn.
Cứng khớp cũng thường xảy ra cùng với tình trạng căng cơ, tăng áp lực cho các khớp, sưng tấy khớp, khớp kêu răng rắc khi chuyển động. Điều này càng làm hạn chế phạm vi chuyển động và tính linh hoạt của cơ thể.
Cứng khớp gặp ở mọi đối tượng, phần lớn ở người cao tuổi. Thời điểm xảy ra cứng khớp là sau thời gian ngồi kéo dài hoặc lần thức dậy vào buổi sáng. Một số người cảm thấy khó chịu nhẹ và cứng khớp sẽ biến mất sau khi di chuyển trở lại. Một số khác thì gặp tình trạng này lâu hơn và khó chịu hơn.
2. Nguyên nhân gây cứng khớp
Cứng khớp có thể do chấn thương hoặc các nguyên nhân gây viêm khớp hay do thiếu vận động và bất động kéo dài.
- Ít vận động: Giữ nguyên một tư thế trong thời gian dài như ngủ hoặc ngồi bất động, đeo băng, bó bột, nẹp để hạn chế chuyển động sau khi bị thương là nguyên nhân phổ biến gây cứng khớp.
- Chấn thương: Tổn thương khớp, xương, sụn, gân, dây chằng và cơ... có thể gây sưng trong và xung quanh khớp, gây cứng khớp làm hạn chế phạm vi chuyển động của khớp.
- Các bệnh về khớp như thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vẩy nến, viêm cột sống dính khớp, ảnh hưởng đến hầu hết các khớp như cổ, lưng, hông, đầu gối, cổ tay, bàn tay, ngón tay và ngón chân,…
- Nhiễm trùng do vi khuẩn dẫn đến viêm khớp nhiễm trùng gây sưng, cứng khớp, khó cử động, đau đớn, sốt và ớn lạnh.
Ngoài ra, bệnh gout cũng gây ra cứng khớp do sự lắng đọng các tinh thể acid uric, dẫn đến sưng, đau khớp ngón chân, đặc biệt là ngón chân cái.
Người bệnh cứng khớp nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể bị giảm/mất khả năng lao động, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, cơn đau kéo dài, xương xơ cứng, teo cơ, khớp biến dạng, thậm chí tàn phế.
3. Lựa chọn thuốc điều trị cứng khớp
Điều trị cứng khớp sẽ khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân.
3.1 Điều trị không dùng thuốc
- Cần kiểm soát cân nặng, tránh béo phì.
- Có chế độ vận động, luyện tập thể dục thể thao hợp lý, tránh áp lực quá tải lên các khớp
- Thăm khám, phát hiện sớm các bệnh về khớp để điều trị kịp thời như lệch cột sống, khớp gối vẹo trong, vẹo ngoài…
- Đối với tình trạng cứng khớp do ít vận động hoặc viêm xương khớp, tập thể dục và hoạt động thể chất có thể giúp làm ấm và nới lỏng các khớp của bạn.
- Nếu tình trạng cứng khớp của bạn là do chấn thương, sẽ mất một thời gian để tình trạng được cải thiện. Vật lý trị liệu và tập thể dục thường xuyên có thể giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi và cải thiện khả năng cử động khớp của bạn càng nhiều càng tốt.
3.2. Dùng thuốc giảm đau trị cứng khớp
Các thuốc điều trị triệu chứng tác dụng nhanh:
- Thuốc giảm đau: Paracetamol dùng không qua 4g/ngày, đôi khi cần chỉ định các thuốc giảm đau bậc hai, bao gồm paracetamol kết hợp với tramadol.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): Một số các thuốc được sử dụng như celecoxib, meloxicam, diclofenec, aspirin, ibuprofen, piroxicam.
- Thuốc bôi: Bôi ngoài da ở khớp đang đau ngày từ 2-3 lần với sản phẩm chứa diclofenac, giúp giảm đau nhanh nhưng rất ít tác dụng phụ.
- Cortisone không dùng đường toàn thân mà tiêm vào các khớp bị ảnh hưởng. Đây là thuốc chống viêm, giảm cứng và đau liên quan. Có thể dùng methylprednisolon, betamethasone dipropionate.
- Acid hyaluronic là một trong những thành phần của dịch khớp, giúp bôi trơn các mô mềm ở mặt sụn khớp, bảo vệ khớp, giảm xóc và tổn thương các khớp.
Các thuốc điều trị tác dụng chậm:
Nhóm chống thấp khớp tác dụng chậm DMARDS (cyclosporine, methotrexate, baricitinib, rituximab…) nhằm ổn định các triệu chứng, đặc biệt trong trường hợp điều trị bệnh kéo dài hoặc trường hợp tiên lượng bệnh nặng.
Mặc dù DMARD rất hữu ích, nhưng có thể mất vài tuần hoặc thậm chí vài tháng trước khi chúng bắt đầu có hiệu lực. Do đó, các bác sĩ cũng bắt đầu điều trị bằng NSAID hoặc steroid để giảm triệu chứng.
Các thuốc điều trị nguyên nhân khác:
- Với cứng khớp do bệnh gout có thể dùng NSAIDs, colchicine and corticosteroids hoặc allopurinol. Tuy nhiên cần điều chỉnh cho từng trường hợp cụ thể.
- Thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng, có thể cần thiết để giảm đau và cứng khớp. Để chọn loại thuốc hiệu quả nhất, cần xác định vi khuẩn gây bệnh. Lúc đầu thuốc kháng sinh thường được truyền qua tĩnh mạch, sau đó có thể chuyển sang dùng kháng sinh đường uống.
- Có thể bổ sung thêm các thực phẩm bổ sung omega-3, một acid béo sau khi vào cơ thể chuyển đổi thành chất chống viêm, giúp giảm đau khớp đáng kể.
- Glucosamine sulfate và chondroitin sulfate là thành phần của sụn khớp. Trong cơ thể, chúng là những khối xây dựng cho sụn và kích thích cơ thể tạo ra nhiều sụn hơn.
Ngoài ra, các thực phẩm có sẵn như nghệ, gừng, lô hội, hạt lanh cũng là những phương pháp điều trị tự nhiên, bảo vệ và giảm đau khớp.
Xem thêm video đang được quan tâm:
6 biện pháp tại nhà khắc phục chứng trào ngược axit dạ dày vào buổi sáng.