Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS

29-11-2019 7:27 AM | Thời sự

SKĐS - Mặc dù nước ta đã có nhiều thành tựu trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, được thế giới đánh giá là điểm sáng trong lĩnh vực này, nhưng để tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030, hiện tại vẫn còn nhiều khó khăn thách thức.

Chia sẻ về những khó khăn này và giải pháp trong thời gian tới, chúng ta cùng trao đổi với TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế.

Cùng hành động để kết thúc dịch AIDSTS. Nguyễn Hoàng Long.

PV: Thưa TS, Việt Nam được các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ đánh giá là điểm sáng về công tác phòng chống HIV/AIDS. Tuy nhiên để hướng tới kết thúc dịch HIV/AIDS vào năm 2030, có những trở ngại nào mà chúng ta phải khắc phục, vượt qua để thực hiện được mục tiêu này?

TS. Nguyễn Hoàng Long: HIV/AIDS hiện là vấn đề sức khỏe công cộng quan trọng, là một trong những nguyên nhân gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Mỗi năm vẫn có 10.000 HIV mới và 2.000-3.000 trường hợp tử vong do HIV/AIDS, gây tác động rất lớn về sức khỏe, kinh tế - xã hội. Hơn nữa, nhóm người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV vẫn ở mức cao. Hiện nay có một số khó khăn mà chúng ta đang phải đối mặt. Đó là:

Khó khăn trong điều phối ARV: Đây là giai đoạn chuyển giao thuốc ARV nguồn viện trợ sang nguồn BHYT, đây là năm đầu tiên thực hiện hướng dẫn các tỉnh, thành phố dự trù thuốc ARV nguồn BHYT, kinh nghiệm của cán bộ về dự trù thuốc ARV nguồn BHYT còn hạn chế. Bên cạnh đó, số liệu bệnh nhân HIV/AIDS có thẻ BHYT chưa rõ ràng tại nhiều tỉnh.

Mặc dù dịch HIV/AIDS ở Việt Nam tiếp tục có xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn chưa đảm bảo tính bền vững và vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát nếu chúng ta không tiếp tục có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả. Đáng chú ý là có sự đan xen giữa các hành vi của nhóm người nghiện chích ma túy và nhóm phụ nữ bán dâm, nhóm nam có quan hệ tình dục với nam, chuyển giới... trong khi mức độ bao phủ của các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn rất hạn chế.

Kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS chủ yếu phụ thuộc vào viện trợ quốc tế đang cắt giảm nhanh, trong khi các nguồn tài chính trong nước (NSNN, BHYT) chưa kịp bù đắp thiếu hụt tài chính. Do đó các địa phương không có dự án viện trợ quốc tế, hoạt động phòng, chống HIV/AIDS gặp nhiều khó khăn, nguồn ngân sách địa phương dành cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS là rất hạn chế, nguồn kinh phí địa phương chỉ cung cấp đủ cho duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan phòng, chống HIV/AIDS địa phương.

Nhân lực phòng, chống HIV/AIDS thường xuyên thay đổi trong khi các kỹ năng, phương pháp tiếp cận hiệu quả lại có tính đặc thù.

Vậy theo TS, những giải pháp trong thời gian tới sẽ như thế nào để có thể thực hiện được mục tiêu trên?

Trước hết cần đổi mới, mở rộng, nâng cao chất lượng công tác truyền thông, giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS.

Triển khai dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV cho người có nguy cơ cao nhiễm HIV, chú trọng điều trị cho vợ, chồng, bạn tình của người nhiễm, MSM, người chuyển giới ở khu vực có nguy cơ lây nhiễm HIV.

Đa dạng hóa các dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV: Xét nghiệm trong cơ sở y tế, xét nghiệm HIV tại cộng đồng do nhân viên y tế thôn bản hoặc tổ chức cộng đồng thực hiện, xét nghiệm HIV lưu động và tự xét nghiệm HIV.

Mở rộng các phòng xét nghiệm được phép khẳng định HIV, đặc biệt phòng xét nghiệm được phép khẳng định HIV tuyến huyện đảm bảo việc chuyển gửi xét nghiệm khẳng định và cho kết quả xét nghiệm khẳng định HIV dương tính không quá 24 giờ.

Mở rộng độ bao phủ dịch vụ điều trị thuốc ARV bền vững, sẵn có và dễ tiếp cận; nâng cao chất lượng dịch vụ điều trị và chăm sóc HIV/AIDS.

Nâng cấp hệ thống báo cáo ca bệnh thành hệ thống giám sát ca bệnh; củng cố và hoàn thiện hệ thống quản lý thông tin chương trình phòng, chống HIV/AIDS quốc gia bảo đảm đầy đủ, kịp thời và dễ tiếp cận.

Cùng hành động để kết thúc dịch AIDSCần đẩy nhanh thời gian trả kết quả xét nghiệm HIV.

“Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS” là chủ đề của Tháng hành động quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS năm nay. Chủ đề này có ý nghĩa như thế nào, thưa TS?

Năm 2019, Ủy ban Quốc gia Phòng, chống AIDS và Phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm chọn chủ đề cho Tháng hành động quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS với chủ đề “Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS” mang nhiều ý nghĩa:

Thứ nhất, nó nhấn mạnh vai trò của cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS: Mặc dù nhiễm HIV là nhiễm bệnh truyền nhiễm mạn tính, tuy nhiên các giải pháp để kiểm soát dịch HIV không chỉ là các giải pháp y tế mà mang tính xã hội tức cần có sự tham gia của tất cả lãnh đạo các cấp, ngành y tế, các ban ngành đoàn thể và cả cộng đồng. Khác với nhiều bệnh khác, khi một cá nhân mắc bệnh có thể đến các cơ sở y tế để khám, phát hiện và điều trị. Tuy nhiên với HIV là đại dịch xảy ra trên tất cả các quốc gia và châu lục trên thế giới nên ở bình diện rộng cần sự chung tay của cả cộng đồng thế giới phòng, chống HIV/AIDS, nhất là hiện nay xu hướng thế giới phẳng, người đã nhiễm HIV thậm chí vẫn không chẩn đoán được (trong giai đoạn cửa sổ) nên không thể áp dụng các biện pháp cấm đoán di chuyển hay cách ly. Cộng đồng các quốc gia nếu không chung tay sẽ không thể bảo vệ được quốc gia mình khỏi HIV/AIDS. Tương tự vậy, ở phạm vi nhỏ hơn là một quốc gia, một tỉnh, thành phố hay nhỏ hơn là một gia đình, chúng ta không thể dùng các biện pháp cách ly để dập dịch như với nhiều dịch khác. Hơn nữa, các giải pháp kiểm soát dịch ngoài việc lấy ngành y tế là chủ đạo thì rất cần sự chung tay của cả cộng đồng, từ việc lãnh đạo chỉ đạo chương trình đến dự phòng lây nhiễm HIV, điều trị, chăm sóc HIV/AIDS, chống kỳ thị và phân biệt đối xử... nếu chỉ ngành y tế thực hiện sẽ không thể thành công. Vai trò của cộng đồng ở đây còn muốn nhấn mạnh đến sự tham gia của các tổ chức xã hội, của các mạng lưới, cộng đồng người dễ bị tổn thương bởi HIV như người nghiện ma túy, người quan hệ tình dục đồng giới, người hoạt động mại dâm, người nhiễm HIV... họ không chỉ là đối tượng của chương trình mà còn phải tham gia như đối tác của chương trình.

Thứ hai, nhấn mạnh đến mục tiêu quan trọng mà cả thế giới quan tâm và Việt Nam đã cam kết đó là kết thúc dịch AIDS. Kết thúc dịch AIDS là mục tiêu cao nhất hiện nay để AIDS không còn là vấn đề sức khỏe cộng đồng của bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Liên hiệp quốc cũng đã khuyến cáo các quốc gia muốn kết thúc dịch AIDS vào năm 2030 thì cần đạt được các mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020, các mục tiêu 90-90-90 đó là: 90% người nhiễm HIV biết được  tình trạng nhiễm của bản thân; 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị  bằng thuốc ARV; 90% người điều trị ARV có  tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế. Thực tế Việt Nam năm 2018 kết quả 3 mục tiêu này là 80-70-95. Như vậy, trừ mục tiêu thứ 3 chúng ta đã đạt được, còn 2 mục tiêu đầu nhất là mục tiêu thứ hai còn khá xa so với đích đặt ra trong khi chúng ta chỉ còn có 1 năm để thực hiện. Do vậy, nếu không có sự chung tay hành động của cả cộng đồng thì có thể chúng ta cũng sẽ không đạt được các mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 và tiến tới kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.

PV: Xin cảm ơn TS!


Phương Hà (Thực hiện)
Tags:
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH