Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS

08-11-2019 15:04 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Hiện dịch HIV/AIDS trong cộng đồng tiếp tục thuyên giảm, nhưng diễn biến phức tạp, gia tăng ở một số nhóm nguy cơ cao (MSM, nghiện chích ma túy) và còn xa so với mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS.

Đó là chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2019. Theo báo cáo của Cục phòng, chống HIV/AIDS, dịch HIV/AIDS trong cộng đồng tiếp tục thuyên giảm, mức 0,24%;  Dịch vụ xét nghiệm được mở rộng và đa dạng hóa tăng cường phát hiện các trường hợp nhiễm mới HIV; Tăng cường sự huy động của cộng đồng vào phòng chống HIV/AIDS; Điều trị các chất dạng thuốc phiện được duy trì  và đổi mới. Bên cạnh việc điều trị bằng methadon, Bộ Y tế đã đưa buprenorphin vào điều trị thí điểm tại 7 tỉnh và chuẩn bị thí điểm cấp phát methadon về nhà cho những bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt, cam kết bảo quản thuốc đúng qui định...

Bên cạnh dó, điều trị dự phòng tiền phơi nhiễm (PrEP) được triển khai với tốc độ tăng trưởng khách hàng nhanh hơn so với các nước trong khu vực, với tỷ lệ duy trì cao. Đây được coi là vắc xin phòng bệnh cho những người có nguy cơ cao. Điều trị ARV tiếp tục được mở rộng, hiện có 140.000 bệnh nhân đang điều trị bằng ARV với tỷ lệ tuân thủ sau 12 tháng điều trị đạt 88%, tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế (dưới 1000 copy/ml máu) đạt 95%, dưới ngưỡng phát hiện (200 copy/ml máu) đạt 92%; Khởi động chiến dịch quốc gia K=K nhằm giảm kỳ thị phân biệt đối xử, tăng khả năng tiếp cận của người dân đến với các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS; Chuyển đổi thành công điều trị ARV từ viện trợ sang bảo hiểm y tế. Hiện đang có 40.000 bệnh nhân đang nhận thuốc ARV qua bảo hiểm y tế...

TS Nguyễn Hoàng Long phát biểu tại buổi gặp mặt báo chí

Phát biểu tại cuộc gặp mặt báo chí ngày 8/11/2019 do cục phòng chống HIV/AIDS tổ chức, TS Nguyễn Hoàng Long cho biết, hiện dịch HIV/AIDS trong cộng đồng tiếp tục thuyên giảm, nhưng diễn biến phức tạp, gia tăng ở một số nhóm nguy cơ cao (MSM, nghiện chích ma túy) và còn xa so với mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS. Theo tính toán của các chuyên gia, muốn kết thúc đại dịch AIDS  thì số lượng nhiễm mới HIV được phát hiện hàng năm ở con số dưới 1000 người, tuy nhiên trên thực tế con số này hiện nay là khoảng 10.000 người.

Tháng hành động diễn ra từ ngày 10/11 – 10/12/2019 với mục tiêu: Huy động sự tham gia của các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách, người cung cấp dịch vụ và toàn thể cộng đồng người tham gia phòng, chống HIV/AIDS để đạt được các mục tiêu 90-90-90 và các mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030, tiến tới kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030;  Tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm HIV/AIDS, bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV cho người dân, đặc biệt cho những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người; Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIVAIDS với gia đình, xã hội, đặc biệt là trong dự phòng lây nhiễm HIV và tham gia các hoạt động  phòng, chống HIV/AIDS và tiếp tục mở rộng độ bao phủ các dịch vụ và nâng cao chất lượng của các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV, bảo hiểm y tế và điều trị HIV/AIDS đến mọi người dân.


Thu Hương
Ý kiến của bạn