Cùng dấu...

31-01-2016 8:00 AM | Xã hội

SKĐS - Căn phòng nơi tôi cùng TS. Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) trò chuyện nhìn ra khoảng không mênh mông cách mặt đất 18 tầng lầu.

Căn phòng nơi tôi cùng TS. Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) trò chuyện nhìn ra khoảng không mênh mông cách mặt đất 18 tầng lầu. Dưới kia, những chấm nhỏ xíu người và xe chạy dọc ngang như mắc cửi. Những căn hộ chồng lên căn hộ, những mái nhà san sát mái nhà. Ở đó ẩn náu bao số phận, cảnh đời, buồn vui, hạnh phúc... Ngoài cánh cửa, hơi thở mùa xuân đang rạo rực và câu chuyện giữa chúng tôi như thể tất yếu chạm tới chủ đề tình yêu, hạnh phúc - Điều mà ai cũng khao khát, đặc biệt là khi Tết đến, xuân về...

Ảnh cưới lung linh của một cặp đôi đồng tính ở Nha Trang. (Ảnh: Huỳnh Việt Thường - Theo NĐT)

Phóng viên (PV): Người ta thường nói “trái dấu hút nhau, cùng dấu đẩy nhau”, vậy mà tình yêu của người đồng tính chính là cùng dấu đấy thôi. Như thế  có gì là phi tự nhiên không nhỉ?

TS. Khuất Thu Hồng: Theo tôi, vấn đề chỉ là ở cách nhìn nhận và thái độ của chúng ta thôi. Bởi đại đa số trong chúng ta là những người có xu hướng dị tính. Do đó hình ảnh quen thuộc của một cặp đôi yêu nhau mà chúng ta thường thấy là một người đàn ông và một người đàn bà. Vì vậy khi nhìn hai người cùng giới yêu nhau, ta dễ cho đó là trái khoáy, là kỳ quặc. Chứ thực ra tình yêu đồng giới cũng chẳng có gì khác biệt với tình yêu dị giới. Cũng nồng nàn, da diết. Cũng nhớ nhung, mong đợi. Cũng yêu thương, hờn giận thế thôi. Bản chất của tình yêu không có gì khác biệt. Cái khác là đối tượng của tình yêu thôi. Tôi cũng có nhiều bạn bè là người đồng tính. Quả thực tôi không thấy họ có gì khác biệt và tình yêu của họ cũng vậy. Đã có những nghiên cứu cho thấy, trong tự nhiên cũng tồn tại hiện tượng quan hệ đồng tính, gần gũi với loài người là tinh tinh, khỉ hay vượn, thậm chí ở một vài loài động vật bậc thấp hơn cũng có hiện tượng này. Con người cũng không đi ra ngoài quy luật của tự nhiên, nghĩa là có một tỷ lệ nào đó là đồng tính. Về quan hệ đồng tính ở con người, đã có rất nhiều nghiên cứu của các nhà y học, tâm lý học, tình dục học... Chưa có nghiên cứu nào trả lời được câu hỏi: Vì sao người này chỉ yêu người khác giới, người kia lại chỉ thấy người cùng giới hấp dẫn? Chỉ biết rằng, tự nhiên đã như thế, từ khi sinh ra đã vậy. Như thế tình yêu đồng tính không thể nói là phi tự nhiên được. Đó là chính là tự nhiên. Và chúng ta cần phải hiểu rằng, thế giới này rất đa dạng. Những gì chúng ta không biết, không có nghĩa là nó không tồn tại. Và thiểu số không có nghĩa là sai trái. Tại sao chúng ta lại bắt người đồng tính thay đổi, phải giống như số đông? Khi mà tự nhiên đã tạo ra họ như vậy. Giống như những người bẩm sinh thuận tay trái. Thật là thiệt thòi và bất công khi bắt họ không được sử dụng tay trái mà phải đổi sang tay phải. Điều quan trọng là người đồng tính ngoài xu hướng yêu người cùng giới, họ không có gì khác so với những người dị tính luyến ái. Như vậy, tình yêu của họ không làm gì có hại cho cộng đồng, cho xã hội.

PV: Tôi đã xem một clip về tình yêu không phân biệt giới tính, màu da, tuổi tác hay tôn giáo... trên youtube. Clip đã thu hút được hơn 50 triệu lượt người xem. Nhiều người bình chọn đó là clip hay và  có ý nghĩa rất tích cực - Ai cũng có quyền được yêu và hạnh phúc. Nhưng có lẽ đó là trong thế giới ảo, còn thế giới thực thì ở Thiên Tân (Trung Quốc) mới đây thôi, một số bệnh viện vẫn tiến hành “điều trị” cho người đồng tính bằng cách sốc điện. Quay trở lại câu chuyện của người thuận tay trái, đâu đó những người thuận tay trái vẫn gặp phải nhiều bất tiện và khó khăn, nói gì tới người đồng tính.

TS. Khuất Thu Hồng: Đó là bởi xã hội còn có những thiếu sót. Chúng ta chưa ý thức được là còn có một hay một vài thiểu số khác biệt, có những nhu cầu khác biệt. Và chúng ta phải học cách tôn trọng điều này. Chúng ta chưa quan tâm để đưa ra những quy định, những thiết chế hay những dịch vụ phù hợp với họ. Họ là thiểu số, không có nghĩa là xã hội được quyền bỏ qua họ. Lấy ví dụ, nếu trong đời sống xuất hiện một căn bệnh nào đó, dù là tỷ lệ mắc bệnh nhỏ thôi, chúng ta cũng sẽ không làm ngơ mà không nghiên cứu, chữa trị. Vậy tại sao lại bỏ qua người đồng tính bằng cách kỳ thị, phủ nhận họ, thậm chí là như câu chuyện ở Thiên Tân (Trung Quốc) coi người đồng tính là bệnh nhân, áp đặt hiểu biết sai lệch lên họ? Điều đó là cực kỳ sai lầm. Người ta đã nghiên cứu thấy rằng, những đứa trẻ thuận tay trái bị bắt buộc “sửa chữa” thành thuận tay phải, kết quả là nói năng không lưu loát, trí lực phát triển chậm và ngược lại nhóm trẻ thuận tay trái tự nhiên học tập và phát triển như mọi đứa trẻ khác. Như vậy, việc cố công sửa chữa cho những người thuận tay trái là vô nghĩa, thậm chí còn có hại cho họ và xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý, lòng tự tôn, sinh hoạt... của họ.

PV: Phải chăng, sự thiếu hiểu biết, bất cập trong ứng xử của xã hội đối với người đồng tính cũng ảnh hưởng tới tâm lý, tình cảm... của người đồng tính? Và người ta thấy, dường như tình yêu đồng tính dữ dội hơn, nhiều bi kịch hơn?

TS. Khuất Thu Hồng: Đúng thế! Trước tiên, ta hãy nói tình yêu giữa hai người khác giới đã. Nếu tình yêu đó được mọi người ủng hộ, cha mẹ bạn bè tán thành. Đi đâu cũng thấy ánh mắt ngưỡng mộ: Ôi, trông đẹp đôi quá! Đôi này đúng là trời sinh! Người trong cuộc chắc chắn sẽ luôn có tâm lý tự hào, mãn nguyện, hạnh phúc. Cuộc sống đối với họ sẽ luôn là màu hồng, tình yêu của cặp đôi ấy sẽ suôn sẻ, những khúc mắc nhỏ sẽ luôn được hóa giải, sẽ bớt đi rất nhiều những trục trặc, giận hờn. Còn mối tình nào bị cha mẹ, gia đình cấm đoán tất yếu sẽ nhiều đau khổ hơn, dễ dẫn tới những ứng xử cực đoan. Thậm chí có những mối tình bị ngăn cản đã dẫn đến bi kịch. Có đôi thì tự tử cùng nhau, có đôi thì bỏ nhà ra đi. Nếu không kiên trì, vững vàng, tình yêu có thể tan vỡ. Tình yêu giữa hai người khác giới còn thế huống hồ tình yêu đồng tính. Yêu mà không dám công khai, yêu mà bị dè bỉu, chê trách, yêu mà khiến gia đình mất đi sự êm ấm, khiến người thân đau khổ... Tình yêu ấy sẽ rất nặng nề, đau đớn, đầy áp lực. Thế thì làm sao mà không cãi cọ, làm sao không căng thẳng, bi quan. Trong hoàn cảnh bế tắc như vậy, người ta yêu thương bởi chính tình yêu của mình và vì thế có thể làm tổn thương người mình yêu. Mặt khác, tình yêu mà càng bị ngăn cấm càng khiến người ta yêu mãnh liệt hơn. Là một cộng đồng thiểu số trong xã hội, lại bị kỳ thị nên phải giấu giếm thân phận thật của mình, người đồng tính rất khó khăn trong việc tìm kiếm tình yêu. Người ta không biết liệu người mà mình yêu ấy có cùng khuynh hướng tình dục như  mình không? Liệu khi mình bày tỏ tình cảm có bị người ta cười nhạo hay coi thường, thậm chí là bị giáng cho một cái tát không? Vì thế khi tìm được một nửa yêu thương của mình, người đồng tính có tâm lý sợ mất - ghen tuông, hờn giận là chuyện thường tình. Vì rất nhiều những khó khăn, bất trắc, áp lực nặng nề kể trên nên ta có thể hiểu vì sao mà tình yêu, hạnh phúc của người đồng tính thường được cho là ngắn ngủi, là nhiều bi kịch. Cũng có những cặp đôi đồng tính sống bên nhau dài lâu, cũng có những mối tình đồng tính hạnh phúc êm đẹp nhưng như đã nói, điều đó là rất khó khăn, nhất là trong khi nhận thức, hiểu biết của xã hội là chưa đầy đủ.

Cặp đôi (Bình- Bách) này đã bên nhau nhiều năm. Trong ảnh là cảnh Bách đang chăm sóc Bình bị tai nạn lao động. (Ảnh Maika Elan - Theo World Press Photo).

PV: Chúng ta vừa kể tới những khó khăn của người đồng tính trên con đường tìm kiếm tình yêu, hạnh phúc, những cản trở, bất cập trong xã hội đối với họ. Nhưng nhìn ở một góc khác, lại thấy dường như nhiều người đồng tính công khai hơn. Họ yêu và mời bạn bè tới dự đám cưới của mình. Họ không e ngại đưa lên mạng xã hội. Thậm chí còn có những người sẵn sàng mượn danh đồng tính để được nổi tiếng. Đấy có thể coi là một điểm sáng trong bức tranh về người đồng tính hiện nay không?

TS. Khuất Thu Hồng: Đúng là như thế! Xã hội Việt Nam có cái hay là cởi mở và linh hoạt. Khoảng hai chục năm trước, nhiều người còn không biết gì về khái niệm đồng tính. Rồi xã hội đã có những thay đổi nhanh chóng. Gần đây, năm 2014, Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi đã bỏ đi Điều 10 là cấm hôn nhân giữa người cùng giới tính. Có nghĩa là những người đồng tính chung sống với nhau sẽ không vi phạm pháp luật. Sau khi luật sửa đổi, nhiều người đồng tính công khai hơn, nhiều cặp đôi đồng tính đã làm đám cưới, về chung sống cùng nhau. Như vậy, nếu từ bỏ sự kỳ thị, từ bỏ rào cản, chấp nhận rằng xã hội là đa dạng, người đồng tính là tự nhiên thì chúng ta chỉ có được mà không mất gì cả. Chúng ta được những con người yêu thương nhau thật lòng, được những cặp đôi hạnh phúc... Những cá nhân hạnh phúc sẽ cống hiến nhiều hơn cho xã hội, khiến xã hội tốt đẹp hơn. Thật ra, con người ta căn bản là thiện tính, có khả năng yêu thương. Chính vì thế xã hội mới tồn tại và phát triển. Câu chuyện về người đồng tính cũng như những câu chuyện khác, những vấn đề khác trong xã hội. Nó chỉ ra rằng nếu chúng ta ứng xử một cách hiểu biết, chúng ta không bảo thủ, khăng khăng chối bỏ những điều khác biệt, chúng ta cởi mở và linh hoạt thì xã hội sẽ phát triển tốt đẹp hơn. Và với những gì đang diễn ra, chúng ta có quyền tin rằng tới đây, người đồng tính sẽ được đối xử công bằng hơn, văn minh hơn cả về phương diện xã hội lẫn luật pháp.

PV: Câu chuyện về những cặp đôi cùng dấu vẫn còn những nốt lặng, nhưng giống như mùa xuân đang về ngoài kia, những tia nắng ấm áp đã xua tan sương mù...


Lê Minh Thúy (Thực hiện)
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH