Đột phá ở nhân lực?
Trước bài toán thiếu hụt nhân lực có trình độ cao ở tuyến y tế cơ sở khiến cho người bệnh thường xuyên vượt tuyến để khám, chữa bệnh, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - ông Nguyễn Khắc Hiền khẳng định, cùng với việc thu hút bác sĩ về công tác tại trạm y tế, ngành y tế Hà Nội tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp, tạo môi trường làm việc thuận lợi để bác sĩ yên tâm công tác, gắn bó và đóng góp nhiều hơn nữa cho y tế cơ sở. Đồng thời, tạo thuận lợi nhất cho người dân được khám, chữa bệnh phòng chống dịch bệnh, tư vấn điều trị và chăm sóc sức khỏe hiệu quả ngay tại địa phương.
Để tăng cường đào tạo bác sĩ cho y tế xã, ngành y tế Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với Trường Đại học Y Hà Nội đào tạo liên thông cho bác sĩ y học dự phòng. Từ năm 2013 đến nay, đã thực hiện đào tạo cho 180 bác sĩ. Ngoài ra, từ năm 2014 đến nay, đã cử 300 bác sĩ đa khoa đi học chứng chỉ 3 tháng về bác sĩ gia đình. Từ nay đến cuối năm 2018, tiếp tục cử 103 bác sĩ đa khoa đang công tác tại trạm y tế đi học chứng chỉ bác sĩ gia đình, phủ kín toàn bộ 403 trạm y tế có bác sĩ đa khoa được học chứng chỉ bác sĩ gia đình. Cùng với đào tạo bác sĩ, ngành y tế tiếp tục chú trọng đào tạo y sĩ y học cổ truyền để người dân được khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe tốt hơn bằng phương pháp y học hiện đại kết hợp với y học cổ truyền ngay tại trạm y tế.
Qua khảo sát, Bộ Y tế đề nghị UBND tp. Hà Nội chỉ đạo TTYT Ba Vì, Đan Phượng, Hà Đông, Nam Từ Liêm thực hiện ngay việc luân phiên cán bộ từ TTYT về trạm và ngược lại.
Y tế cơ sở ở Hà Nội đã đạt được kết quả nhất định. Nhiều trạm y tế đã thu hút được số lượng lớn người dân đến khám chữa bệnh, số lượng khám trung bình từ 20 - 40 lượt/ngày. 100% các trạm y tế triển khai mô hình bác sĩ gia đình đã thực hiện gói dịch vụ y tế cơ bản do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ khám chữa bệnh tại trạm y tế, phối hợp với y tế tư nhân và Hội Đông y TP. Hà Nội triển khai khám chữa bệnh tại trạm y tế, thu hút bệnh nhân về tuyến y tế cơ sở, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Khám chữa bệnh cho người dân tại BVĐK huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Không thể chờ đợi lâu
Để đẩy nhanh chất lượng khám chữa bệnh tại cơ sở, Hà Nội đã yêu cầu các trung tâm y tế, phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh, trạm y tế nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giám sát thực hiện quy chế chuyên môn tại đơn vị, hạn chế đến mức thấp nhất các tai biến xảy ra do sai sót về chuyên môn để thu hút người bệnh đến khám chữa bệnh, góp phần giảm tải cho tuyến trên.
Hà Nội tiếp tục triển khai mạnh khám chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình tại 100% các trạm y tế, thực hiện quản lý và điều trị bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã. Đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ khám và quản lý sức khỏe cho người dân đi đôi với nâng cao chất lượng của hồ sơ quản lý.
Để các trạm y tế triển khai hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, trước mắt, các trung tâm y tế cần tăng cường luân phiên bác sĩ cho các trạm y tế còn thiếu bác sĩ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hạn chế tình trạng bác sĩ phải ghi chép nhiều sổ sách, nhập số liệu… Cần kết nối và thực hành thành thạo các phần mềm phục vụ hoạt động chuyên môn và thanh toán bảo hiểm y tế cho người dân. Ngoài ra, các đơn vị chức năng cần tính toán để có cơ chế, chính sách phù hợp trong việc chi trả cho hoạt động khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế, giảm chi phí phải chi trả từ tiền túi của người dân, mở rộng danh mục thuốc để người dân được hưởng lợi từ việc khám và điều trị tại trạm y tế.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - ông Ngô Văn Quý đã yêu cầu Sở Y tế và các đơn vị có liên quan khẩn trương làm việc lại với 4 trạm y tế được chọn làm thí điểm, tiến hành rà soát, sắp xếp lại các phòng của trạm y tế theo đúng quy trình, sau đó xin ý kiến các đơn vị chuyên môn để trình Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt. Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng đề nghị Bộ Y tế sớm có mô hình mẫu cho đại diện 3 vùng theo tiêu chí của đề án để sớm triển khai áp dụng; xây dựng phần mềm chuyên ngành để chuyển giao cho địa phương nhằm mang lại hiệu quả nhất cho hoạt động bảo vệ chăm sóc sức khoẻ người dân tại tuyến y tế cơ sở.