Cung cấp kịp thời hàng thiết yếu là điều cần thiết đảm bảo triển vọng tăng trưởng trong đại dịch

23-09-2021 15:00 | Thị trường
google news

SKĐS - Việc cung cấp đầy đủ và kịp thời các mặt hàng thiết yếu như thức ăn và tiền mặt cho những người bị ảnh hưởng hiện đang bị phong tỏa là điều rất cần thiết để đảm bảo triển vọng cho tăng trưởng trong năm 2021 và 2022.

Mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố Báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2021 về kinh tế Việt Nam.

Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), dịch COVID-19 đã làm gián đoạn nguồn lao động, giảm sản lượng công nghiệp và gây đứt gãy chuỗi giá trị nông nghiệp của Việt Nam. Tuy nhiên, về tốc độ tăng trưởng, ADB dự báo kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 3,8% trong năm nay và 6,5% vào năm 2022.

Tổ chức này cho biết tăng trưởng đã phục hồi trong nửa đầu năm nay chủ yếu do lưu lượng thương mại tăng cao nhưng đã chậm lại trong nửa cuối năm do làn sóng thứ tư của đại dịch ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và thị trường lao động. Lạm phát dự báo sẽ được kiềm chế trong năm nay và năm 2022 do tốc độ tăng trưởng chậm lại.

Cung cấp kịp thời hàng thiết yếu là điều cần thiết đảm bảo triển vọng tăng trưởng trong đại dịch - Ảnh 1.

Cung cấp đầy đủ hàng thiết yếu để đảm bảo triển vọng cho tăng trưởng. Ảnh minh họa.

Các chuyên gia của ADB cũng phân tích một số chỉ số vĩ mô và các chính sách điều hành. Cụ thể, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ mở rộng, với lãi suất chính sách không thay đổi kể từ tháng 10 năm 2020. Các ngân hàng thương mại mở rộng tái cơ cấu nợ, miễn lãi suất cho các khoản vay hiện có, giảm lãi suất và cung cấp các khoản vay ưu đãi mới cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

"Đại dịch COVID-19 và các đợt phong tỏa kéo dài đã làm suy yếu tiêu dùng và đầu tư, hạn chế triển vọng tăng trưởng của Việt Nam", ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam nhận định.

"Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trở lại nếu đại dịch Covid-19 được kiểm soát vào cuối năm 2021 và đến quý II năm 2022 có 70% dân số cả nước được tiêm chủng", ông Andrew Jeffries nói thêm.

Theo các chuyên gia ADB, nhu cầu tín dụng cho đến nay vẫn giảm do dịch bệnh làm gián đoạn sản xuất và kinh doanh. Tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ chậm lại ở mức 10%-11% trong năm 2021, thấp hơn chỉ tiêu 12%.

Cung cấp kịp thời hàng thiết yếu là điều cần thiết đảm bảo triển vọng tăng trưởng trong đại dịch - Ảnh 2.

Triển vọng tăng trưởng trong ngắn hạn có nhiều thách thức. Rủi ro chính là đại dịch kéo dài. Ảnh: Dân trí

Cũng theo ADB, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng gia hạn các biện pháp hỗ trợ cho các khách hàng thông qua tái cơ cấu nợ, duy trì phân loại nợ, miễn hoặc giảm lãi suất các khoản vay hiện có và cho vay ưu đãi đến ngày 30/6/2022. Do đó, cầu tín dụng sẽ được cải thiện trong năm 2022 khi các hoạt động kinh tế bắt đầu trở lại bình thường.

Bên cạnh đó, sự phục hồi nhanh chóng của các thị trường nước ngoài chính của Việt Nam, nhất là Liên minh châu Âu, Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ xuất khẩu, đặc biệt đối với hàng dệt, may và giày dép, điện tử và điện thoại di động của Việt Nam.

Nhìn chung, ADB cho biết vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong trung và dài hạn. Tăng trưởng có thể được hỗ trợ bởi sự phục hồi của cầu nội địa, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, mở rộng hoạt động sang các thị trường xuất khẩu mới do các hiệp định thương mại mang lại và sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, theo ADB, triển vọng tăng trưởng trong ngắn hạn có nhiều thách thức. Rủi ro chính là đại dịch kéo dài, đặc biệt nếu tỷ lệ tiêm chủng trên toàn quốc không tăng đáng kể.

Tăng trưởng cũng phụ thuộc vào việc Chính phủ kịp thời cung cấp các mặt hàng thiết yếu, như thực phẩm và tiền mặt, cho các nhóm dân cư dễ bị tổn thương đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Ngoài ra, chuyên gia ADB cho biết, việc cung cấp đầy đủ và kịp thời các mặt hàng thiết yếu như thức ăn và tiền mặt cho những người bị ảnh hưởng hiện đang bị phong tỏa là điều rất cần thiết để đảm bảo triển vọng cho tăng trưởng trong năm 2021 và 2022. Các khoản nợ xấu có thể là một rủi ro tiềm ẩn trong năm kế tiếp.

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.


Ngân Nguyễn
Ý kiến của bạn