Cung bậc cảm xúc

03-10-2020 09:50 | Blog thầy thuốc
google news

SKĐS - Cái ngày tôi quyết định gắn bó với chuyên ngành mà hồi đó ai cũng sợ - chuyên ngành tâm thần. Bạn bè mấy đứa chơi thân với tôi ngạc nhiên lẫn khâm phục. Có đứa còn bảo tôi nghĩ lại đi. Còn thầy giáo bộ môn Tâm thần thấy tôi đến xin thi nội trú thì hỏi: Thế đã suy nghĩ kỹ chưa? Tôi trả lời: Em nghĩ kỹ rồi ạ. Và cứ thế tôi bước vào học nội trú chuyên ngành tâm thần và là nội trú nữ đầu tiên của bộ môn.

Khám sức khỏe tâm thần cho bệnh nhân cao tuổi. (ảnh minh họa)

Khám sức khỏe tâm thần cho bệnh nhân cao tuổi. (ảnh minh họa)

Cho đến bây giờ tôi đã gắn bó với nghề được 20 năm, biết bao cảm xúc vui buồn với nghề tôi đã trải qua. Vui khi mình chữa được cho những bệnh nhân để đưa người bệnh trở về cuộc sống bình thường. Nhưng cũng có những ngày đi làm về ngủ không ngon giấc vì còn những băn khoăn trăn trở khi kết quả điều trị cho người bệnh còn chưa được theo ý mình, còn chưa tốt.

Những lần khám cho bệnh nhân, do điều kiện thời gian hạn hẹp, những người bệnh muốn tâm sự thêm với bác sĩ, muốn chia sẻ nhiều hơn với chúng tôi, nhưng thời gian hạn chế, tôi không lắng nghe được hết những tâm tư suy nghĩ của họ, tôi cũng trăn trở suy nghĩ.

Những câu chuyện bệnh nhân tâm sự với tôi như một bức tranh đầy màu sắc. Đó là một chị phụ nữ ở vùng nông thôn, chỉ vì sinh mãi không được cậu con trai mà chồng đi kiếm cậu con trai nối dõi tông đường, rồi từ đó vợ chồng mâu thuẫn. Một cậu sinh viên mới chia tay với người yêu, buồn chán, stress căng thẳng, trầm cảm, học hành sa sút. Một anh trong lúc đi rượu bia nhậu nhẹt với bạn bè có chót dại, sau đó về nhà lo lắng sợ mình nhỡ chẳng may nhiễm phải “ếch nhái” - HIV/AIDS, cứ đến đòi gặp bác sĩ xin xét nghiệm HIV nhiều lần, dù âm tính vẫn không tin tưởng và cứ đòi xét nghiệm mãi...

Tôi thường nói với người bệnh: Trong cuộc sống của bạn không thể thiếu được những stress. Stress như “gia vị” của cuộc sống. Nếu không có “gia vị” thì cuộc sống sẽ “nhạt nhẽo”, còn nếu “gia vị” đó quá nhiều thì cuộc sống sẽ trở nên “mặn chát”.

Bác sĩ cũng là người. Chúng tôi vẫn phải vui vẻ cười nói tư vấn cho bệnh nhân nhưng có những lúc chúng tôi cũng có nỗi niềm riêng, những “gia vị” dành cho chúng tôi,  có những lúc cũng mặn mòi lắm...

Vì lòng yêu nghề, vì tình yêu những người bệnh mà xã hội vẫn gọi họ bằng những từ đầy phân biệt, kỳ thị: hâm, điên, chập mạch, ẩm IC... mà bác sĩ chuyên khoa tâm thần chúng tôi vẫn đứng vững trước “gia vị mặn đắng” của cuộc đời. Cảm ơn cuộc sống đã đem lại cho chúng tôi niềm tin để giữ lửa với nghề.


BS. Yến Trang
Ý kiến của bạn