Tác động tiêu cực của cúm đối với bệnh hen như thế nào?
Nhiễm virus đường hô hấp là yếu tố khởi phát hay gặp nhất đối với bệnh hen. Nhiễm virus đường hô hấp (virus cúm, virus hợp bào, rhinovirrus, andenovirrus…): gây tróc biểu mô, tăng giải phóng các hóa chất trung gian, tăng bạch cầu ái toan, tăng tiết dịch do đó làm tăng phản ứng viêm, tổn thương niêm mạc phế quản… gây hẹp lòng phế quản, tăng nhạy cảm với yếu tố khởi phát… thúc đẩy và làm nặng hơn triệu chứng hen.
Theo TS.BS Nguyễn Hữu Trường, Trung tâm Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng, BV Bạch Mai, tác động tiêu cực của cúm đối với bệnh hen là điều đã được nhận biết từ nhiều năm nay. Rất nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân hen đến khám, cấp cứu, nhập viện, tỷ lệ viêm phổi... do hen đều tăng trong mùa cúm, đặc biệt là trẻ em và người trên 65 tuổi.
Bệnh nhân hen nặng nên tiêm phòng cúm hàng năm. Ảnh minh họa
Nên tiêm phòng vaccine cúm hàng năm cho người bệnh hen không?
Vaccine cúm được khuyến cáo tiêm hàng năm vào mùa thu cho tất cả các bệnh nhân hen nặng, bệnh nhân hen trên 60 tuổi, bệnh hen có kèm các bệnh mạn tính khác như: COPD, đái tháo đường, bệnh tim, bệnh thận. Do bệnh cúm có thể gây tăng triệu chứng hô hấp, tăng tỷ lệ tử vong. Vaccine cúm nên được tiêm mỗi năm dựa theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới về chủng cúm gây bệnh. Chống chỉ định với những trường hợp có tiền sử dị ứng với bất kỳ thành phần nào của vaccine: kháng sinh, trứng...
Cũng theo TS.BS Nguyễn Hữu Trường, nếu được sử dụng đúng thì khả năng bảo vệ của vaccine cúm ở những người khỏe mạnh dưới 65 tuổi là khoảng 70-90%, ở trẻ em từ 30-60%. Những người trên 65 tuổi thì khả năng bảo vệ sẽ thấp hơn.
Chữa trị cúm cho người bệnh hen
TS.BS Nguyễn Hữu Trường cho biết, trong các chủng virus có thể gây khởi phát các đợt cấp của hen chỉ có virus cúm là có thể điều trị và dự phòng được một các hiệu quả bằng thuốc. Thuốc diệt virus cúm cần được dùng sớm, tốt nhất là trong vòng 48 giờ đầu sau khi bệnh khởi phát. Để sớm phát hiện được cúm, bên cạnh các phương tiện xét nghiệm phục vụ cho chẩn đoán, điều rất cần thiết là các thầy thuốc và người bệnh hen phải ý thức và nắm được những triệu chứng sớm của bệnh như: đau họng, ngạt xổ mũi, hắt hơi, ho và sốt...
Các nghiên cứu gần đây cho thấy việc dùng sớm thuốc diệt virus oseltamivir có hiệu quả với nhiều chủng cúm khác nhau cho những trẻ em hen bị cúm, giúp cải thiện chức năng phổi và giảm số cơn hen trong thời gian mắc cúm.
Một điều bệnh nhân hen lưu ý, trong các đợt cấp của hen do cúm khởi phát, các thuốc điều trị hen có thể được sử dụng một cách an toàn mà không gây ra tác động tiêu cực đối với cúm, cho dù cả glucocorticoid đường toàn thân nếu được sử dụng ngắn 10 ngày.