Hà Nội

Cúm mùa: 9 việc cần làm ngay để giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh

05-08-2022 11:16 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm lưu hành ở tất cả các nơi trên thế giới. Các triệu chứng của cúm mùa bao gồm sốt đột ngột, ho khan, đau đầu, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi, đau họng và chảy nước mũi. Ho có thể nặng và kéo dài từ hai tuần trở lên.

Hầu hết mọi người phục hồi, hết sốt và các triệu chứng khác của cúm mùa trong vòng một tuần mà không cần chăm sóc y tế. Tuy nhiên, cúm mùa có thể gây ra bệnh nặng hoặc tử vong, đặc biệt trong các nhóm đối tượng nguy cơ cao như trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai, nhân viên y tế và những người đang mắc các bệnh khác. Vì vậy, việc chăm sóc tại nhà là vô cùng quan trọng.

1. Vệ sinh mũi sạch sẽ

Việc vệ sinh mũi sạch sẽ giúp ngăn chặn sự xâm nhập của chất nhầy vào sâu bên trong mũi, khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn. Do vậy người bệnh cúm cần vệ sinh mũi sạch sẽ. Trước hết đặt một ngón tay lên cánh mũi, ấn nhẹ để bịt kín lỗ mũi và thở mạnh ra bằng lỗ mũi còn lại để hỉ mũi. Trước và sau khi hỉ mũi nên rửa tay kỹ để tránh lây bệnh cho người xung quanh.

Sau đó dùng nước muối sinh lý rửa mũi để đẩy chất dịch nhầy ra ngoài. Đồng thời, nước muối có tác dụng sát khuẩn mũi, làm mềm niêm mạc mũi, làm lỏng chất dịch nhầy, dễ đẩy ra ngoài.

Việc rửa mũi tuy là thao tác đơn giản nhờ dung dịch nước muối được đưa sâu vào bên trong mũi xoang. Thành mũi mỏng, dễ tổn thương do đó cần cẩn thận vệ sinh tay sạch sẽ trước khi rửa mũi.

2. Súc họng bằng nước muối loãng

Khi mắc cúm người bệnh lấy nước muối ấm pha loãng súc họng thường xuyên, vì nước muối loãng có tính sát khuẩn cao. Súc miệng nước muối sẽ giúp làm dịu đi tức thời những cơn đau rát họng đồng thời kháng viêm hiệu quả. Kiên trì súc miệng 3-4 lần/ngày với dung dịch nước ấm pha loãng cùng muối tinh sẽ giúp người bệnh mau chóng khỏi bệnh.

3. Uống nhiều nước ấm nóng

Khi bị cúm cần chú ý uống nhiều nước ấm, nóng sẽ giúp tan đờm, giảm ho và làm dịu cơn đau họng. Ngoài ra cũng có thể thêm vài lát gừng hoặc pha mật ong cùng chanh với nước nóng để làm tăng hiệu quả điều trị cúm.

Bởi bệnh cúm có thể khiến cơ thể mất nước, háo nước cần đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể với nước lọc, nước trái cây hoặc đồ uống bổ sung chất điện giải.

Nên tránh đồ uống có chứa caffeine vì chúng có tác dụng lợi tiểu, khiến cơ thể mất nước nhiều hơn. Nếu cảm thấy buồn nôn, bạn nên uống nước với từng ngụm nhỏ. Nên quan sát màu sắc của nước tiểu, khi nước tiểu có màu vàng nhạt hoặc gần như không màu chứng tỏ cơ thể đã được cung cấp đủ nước.

4. Dùng tinh dầu

Tinh dầu tràm, bạc hà… có tác dụng rất tốt trong việc phòng và điều trị cảm cúm thông thường. Chỉ cần thoa một chút tinh dầu vào vùng dưới mũi sẽ giúp thông mũi và làm giảm bớt cơn đau ở mũi. Ngoài ra, có thể thoa tinh dầu vào lòng bàn chân, thái dương hoặc tắm với nước ấm có hoà một vài giọt tinh dầu giúp phòng ngừa bệnh cúm, cảm lạnh rất hữu hiệu.

Tuy nhiên, chỉ sử dụng tinh dầu theo chỉ dẫn. Hầu hết các loại tinh dầu có thể sử dụng trên da và sử dụng trong phòng để khuếch tán tinh dầu có thể giúp chống lại một số loại virus, vi khuẩn. Nhưng lưu ý rằng, liệu pháp hương thơm có thể ảnh hưởng trẻ em, phụ nữ mang thai và vật nuôi.

Bệnh cúm mùa: 9 việc cần làm ngay để giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh - Ảnh 2.

Triệu chứng của cúm mùa bao gồm sốt đột ngột, ho khan, đau đầu, đau cơ và khớp, mệt mỏi, đau họng. Ảnh minh họa

5. Chườm nóng hoặc chườm lạnh

Chườm nóng hoặc chườm lạnh xung quanh vùng xoang tắc nghẽn có thể giảm bớt khó chịu vùng mũi nhất là khi mắc cúm mũi ngạt gây khó thở. Chườm nóng có thể làm giảm áp lực phần xoang mũi và làm lớp dịch nhầy trong mũi lỏng hơn còn chườm lạnh sẽ khiến các mạch máu ở vùng xoang mũi co lại, giúp giảm đau nhanh chóng.

6. Nghỉ ngơi và thư giãn

Bệnh nhân mắc bệnh cúm cần được nghỉ ngơi, thư giãn ở những nơi thoáng khí, tránh gió, tránh nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp. Không nên cho bệnh nhân nằm phòng máy lạnh vì sẽ khiến các triệu chứng đau họng, khàn tiếng trầm trọng thêm. Nên cách ly phòng riêng với các thành viên khác trong gia đình để tránh lây lan.

Trong quá trình điều trị cúm tại nhà, bệnh nhân nên nghỉ ngơi và thư giãn để tình trạng bệnh tiến triển tốt hơn. Hãy chú ý lắng nghe cơ thể. Nếu cảm thấy mệt mỏi, không muốn tập thể dục thì đừng quá gắng sức. Đừng cố giải quyết những công việc hàng ngày khi triệu chứng cúm đang trầm trọng. Nghỉ ngơi cũng là cách hỗ trợ cơ thể chống lại nhiễm trùng hiệu quả.

Bên cạnh đó, không thức quá khuya, hãy ngủ đủ giấc. Hãy ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm cả khi bệnh và khi khỏe mạnh.

7. Xông lá

Nếu muốn đường thở thông thoáng, ngoài dùng thuốc điều trị, khi mắc cúm có thể đun một nồi nước lá như: Lá tre, lá sả, lá bưởi, tía tô, ngải cứu, hương nhu, bạc hà.... để xông.

Sau khi nước xông đã nguội tắm nhanh rồi lau khô, mặc quần áo, đắp chăn rồi nằm nghỉ. Lá tre có tác dụng giải nhiệt, tiêu đờm, sát khuẩn; sả có công dụng làm ấm bụng, sát khuẩn, khử uế, tiêu đờm; lá bưởi giải cảm tiêu thực, trị ho, sốt, đau đầu; hương nhu trị cảm, sốt, nhức đầu, làm ra mồ hôi; tía tô khu phong trừ hàn; bạc hà sát khuẩn, chống viêm.

Trừ lá bạc hà, tất cả các loại lá còn lại rửa sạch rồi cho vào nồi xâm xấp nước, đun lửa sôi trong khoảng 10 phút. Khi chuẩn bị xông cho bạc hà vào rồi đun tiếp 1-2 phút. Không nên xông liên tục nhiều lần trong tuần, xông nhiều giờ không tốt cho sức khỏe.

8. Ăn đồ nóng, dễ tiêu hóa

Người mắc cúm có thể sốt, ho, đau đầu, đau họng, mệt mỏi toàn thân,… Các triệu chứng có thể khiến người bệnh mệt mỏi, cảm thấy chán ăn. Nên người bị cúm cần ăn thực phẩm lỏng, nóng, dễ tiêu như cháo, súp… sẽ giúp dễ tiêu hóa và cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể, vừa bổ sung nước, làm dịu đau họng, giảm nghẹt mũi.

9. Lưu ý đối với người bị cúm và người chăm sóc bệnh nhân cúm

Đối với bệnh nhân mắc cúm cần cách ly với những người không bị mắc bệnh sống trong gia đình, ít nhất là 5 ngày sau khi bắt đầu có các triệu chứng, đặc biệt đối với những người có sức đề kháng yếu và dễ lây nhiễm cúm như người già, trẻ em, người có sức khỏe không ổn định.

Người bệnh cảm cúm nên hạn chế ra ngoài. Nếu bắt buộc phải ra ngoài, bệnh nhân nên đeo khẩu trang y tế; che miệng, mũi khi ho, hắt hơi, sử dụng khăn giấy để ngăn chất dịch, tránh nguy cơ lây bệnh cúm cho người khác.

Đối với người chăm sóc bệnh nhân mắc cúm cần đeo khẩu trang trong quá trình tiếp xúc với người cảm cúm, nhỏ mũi bằng thuốc sát khuẩn, thường xuyên rửa tay sau và trước khi tiếp xúc với bệnh nhân bằng nước rửa tay diệt khuẩn. Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu dinh dưỡng, gia vị làm ấm cơ thể và có tính kháng khuẩn như hành, tỏi, gừng… ăn nhiều rau quả trái cây tươi chứa nhiều vitamin C như chanh, cam, quýt…

Khăn giấy của bệnh nhân đã sử dụng nên để trong túi và xử lý với các loại rác thải khác. Khi thấy dấu hiệu của bị cảm cúm như sổ mũi, nhức đầu, mệt mỏi, sốt thì cần thăm khám và điều trị ngay.

Cúm mùa là căn bệnh thường gặp, ít gây biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, đây là căn bệnh không thể xem thường đặc biệt là ở nhóm người cao tuổi, có bệnh lý nền. 70-85% các trường hợp tử vong có liên quan đến cúm mùa thường xảy ra ở những người từ 65 tuổi trở lên, 50-70% trường hợp nhập viện có liên quan đến cúm mùa xảy ra ở nhóm này.

Ngoài ra, những triệu chứng kéo dài gây khó chịu cho người bệnh, ảnh hưởng cuộc sống và công việc. Do đó, người dân nên chủ động phòng ngừa bệnh bằng việc tiêm vaccine phòng cúm mỗi năm.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiêm phòng cúm có khả năng giảm tỷ lệ tử vong do cúm 70-80%, ngăn ngừa biến chứng và giảm 60% bệnh tật liên quan đến cúm, giảm tỷ lệ nhập viện vì các bệnh nền đi kèm hay ở những người có hội chứng suy giảm miễn dịch. Người đã tiêm vaccine nếu không may mắc cúm sẽ có triệu chứng nhẹ hơn, thời gian bị bệnh ngắn hơn.

Mời độc giả xem thêm video:

Việt Nam Báo Động: Số Ca Mắc Covid-19 Tăng Vọt, Nhiều Người Tái Nhiễm Do Biến Chủng Phụ Mới | SKĐS


BS.CK2.Nguyễn Thị Thanh
Ý kiến của bạn