1. Nhiễm 'cúm lạc đà' khi mang thai liên quan đến bệnh tật và tử vong
Theo bài báo khoa học được đăng tải trên Trung tâm Thông tin Công nghệ Sinh học Quốc gia của Hoa Kỳ, nhiễm MERS-CoV trong thời kỳ mang thai có thể liên quan đến bệnh tật và tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh.
Từ tháng 11 năm 2012 đến tháng 2 năm 2016, tổng số 1308 trường hợp MERS-CoV được phòng thí nghiệm xác nhận đã được Ả Rập Saudi báo cáo cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong đó có 449 bệnh nhân là phụ nữ.
Trong số 1308 trường hợp được báo cáo mắc MERS-CoV, 5 trường hợp được Bộ Y tế ghi nhận là xảy ra ở phụ nữ mang thai. Ba trường hợp đến từ thành phố Riyadh và 2 trường hợp còn lại đến từ các thành phố Makkah và Unayzah (Vùng Qasim).
Độ tuổi của bệnh nhân dao động từ 27 đến 34 tuổi, tất cả các trường hợp mang thai đang ở trong ba tháng giữa thai kỳ hoặc ba tháng cuối thai kỳ và 2 bệnh nhân là nhân viên y tế. Tất cả 5 bệnh nhân MERS đang mang thai đều cần được chăm sóc tại phòng chăm sóc tích cực (ICU).
Kết quả khi sinh cũng rất đáng lưu ý: 1 trẻ sơ sinh chết lưu trong tử cung ở tuần thứ 34 và 1 trẻ được sinh bằng phương pháp phẫu thuật ở tuần thứ 24 và tử vong sau 4 giờ chào đời. Hai trong số 5 bệnh nhân đã tử vong trong thời gian bị bệnh.
Theo các tác giả, mặc dù tác động tổng thể của MERS-CoV đối với bà mẹ và quá trình sinh nở cần được đánh giá thêm, nhưng nhóm nghiên cứu kết luận rằng, MERS-CoV có thể gây ra những rủi ro sức khỏe nghiêm trọng cho cả bà mẹ và trẻ sơ sinh trong thời kỳ mang thai.
Dữ liệu bổ sung là cần thiết để xác định thêm mối liên hệ rõ ràng này. Xét nghiệm mang thai đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản bị nhiễm MERS-CoV nên được xem xét để cung cấp thông tin cho việc quản lý lâm sàng và góp phần hiểu rõ hơn về nguy cơ dịch tễ học. Các nỗ lực hạn chế phơi nhiễm MERS-CoV của phụ nữ mang thai cần được tăng cường và mở rộng nếu có thể.
2. Đánh giá rủi ro của WHO về nguy cơ của 'cúm lạc đà'
Từ tháng 9 năm 2012 đến ngày 17 tháng 10 năm 2022, tổng số trường hợp nhiễm MERS-CoV được xác nhận trong phòng thí nghiệm được báo cáo trên toàn cầu cho WHO là 2600 với 935 trường hợp tử vong liên quan.
Hầu hết các trường hợp này đã xảy ra ở các quốc gia ở Bán đảo Ả Rập. Đã có một đợt bùng phát lớn bên ngoài Trung Đông vào tháng 5 năm 2015, trong đó có 186 trường hợp được xác nhận trong phòng thí nghiệm (185 ở Hàn Quốc và 1 ở Trung Quốc) và 38 trường hợp tử vong đã được báo cáo, tuy nhiên, trường hợp chỉ điểm trong đợt bùng phát đó có lịch sử du lịch đến Trung Đông.
Con số toàn cầu phản ánh tổng số trường hợp được xác nhận trong phòng thí nghiệm được báo cáo cho WHO theo IHR (2005) cho đến nay. Tổng số ca tử vong bao gồm những ca tử vong mà WHO biết được cho đến nay thông qua theo dõi các quốc gia thành viên bị ảnh hưởng.
3. Một số cách để phòng ngừa lây nhiễm 'cúm lạc đà'
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ: MERS-CoV có thể lây truyền từ động vật sang người và lây truyền từ người sang người và hiện không có vaccine để ngăn ngừa MERS, tuy nhiên bạn có thể thực hiện các bước sau bảo vệ bản thân:
- Không chạm vào động vật kể cả sống hay đã chết khi đi du lịch, đặc biệt là lạc đà.
- Tránh đến các khu chợ hoặc trang trại có động vật, kể cả lạc đà.
- Không sử dụng các sản phẩm làm từ lạc đà hoặc động vật hoang dã.
- Tránh uống sữa lạc đà sống (chưa tiệt trùng) hoặc tiếp xúc với nước tiểu lạc đà hoặc ăn thịt lạc đà chưa nấu chín.
- Không chạm vào các vật liệu mà động vật sử dụng.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Cúm A: Cảnh báo biến chứng mới gây nguy hiểm, ai cũng cần biết.