1. Các loại cúm gia cầm và đường lây truyền
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), con người có thể bị nhiễm virus cúm gia cầm, cúm lợn và các loại virus cúm khác như: cúm gia cầm A/H5N1, A/H7N9 và A/H9N2; các virus cúm lợn như: A/H1N1, A/H1N2 và A/H3N2.
Nhiễm virus cúm gia cầm, cúm động vật ở người chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp với động vật bị nhiễm bệnh hoặc môi trường bị ô nhiễm, những virus này không có khả năng lây truyền bền vững giữa người và người.
Phần lớn các trường hợp nhiễm virus cúm A/H5N1 và A/H7N9 ở người có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp với gia cầm sống hoặc chết bị nhiễm bệnh. Sự lây nhiễm có thể xảy ra qua các đường sau:
- Qua tiếp xúc trực tiếp như: giết mổ, vận chuyển, mua bán hoặc cầm, sờ vào gia cầm bị nhiễm bệnh.
- Qua ăn, uống:
- Thịt và các sản phẩm gia cầm bị nhiễm bệnh.
- Thịt và các sản phẩ m của gia cầm không được nấu chín kỹ như trứng, tiết canh...
WHO nhấn mạnh, kiểm soát bệnh ở động vật rất quan trọng để giảm nguy cơ nhiễm virus cúm gia cầm hoặc cúm động vật ở người.
2. Biểu hiện cúm gia cầm trên người
Người mắc cúm gia cầm thường có biểu hiện:
- Sốt,
- Ho,
- Mệt mỏi,
- Đau người, đau cơ,
- Đau họng.
WHO cho biết thêm, nhiễm virus cúm gia cầm, cúm lợn và các loại virus cúm khác ở người có thể gây ra nhiễm trùng đường hô hấp từ nhẹ như chỉ sốt và ho, đến nặng như viêm phổi nặng, hội chứng suy hô hấp cấp tính (khó thở), sốc và thậm chí tử vong.
Viêm kết mạc (mắt đỏ), các triệu chứng đường tiêu hóa, viêm não cũng đã được báo cáo ở các mức độ khác nhau phụ thuộc các phân type của virus cúm.
Bệnh cúm gia cầm diễn biến nhanh và có thể dẫn đến tử vong với tỷ lệ cao (~50%). Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh cho người.
3. Phân biệt giữa cảm lạnh và cúm
TS. BS Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Thời tiết hiện đang có nhiều thay đổi, nhiệt độ không ổn định từng ngày, thậm chí thay đổi trong một ngày là điều kiện để vi khuẩn, virus phát triển nhanh hơn, nhiều hơn trong môi trường sống. Đây chính là lý do bệnh cảm lạnh và bệnh cúm thường xuất hiện, do đó, cần nhận biết các loại bệnh này để đề phòng.
Hai bệnh có các triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, ho khá tương đồng. Tuy nhiên, với cảm lạnh, triệu chứng sốt thường không rõ ràng, thậm chí người mắc cảm lạnh sẽ không sốt; bệnh nhân thấy đau mỏi người nhẹ. Các triệu chứng thường sẽ tự giảm trong vòng một tuần.
Trong khi đó ở bệnh nhân cúm thường có sốt, nhiều trường hợp sốt cao, đau mỏi người nhiều, mệt mỏi, kích thích vật vã, cơ thể đau nhức...
4. Phòng lây nhiễm cúm gia cầm sang người
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế ngày 22/10 cho biết, thời gian tới là dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, vì vậy tổng đàn gia cầm và hoạt động vận chuyển, buôn bán và tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm có thể gia tăng.
Bên cạnh đó, thời tiết hiện đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển. Dịch cúm trên gia cầm vẫn tiếp tục được ghi nhận ở nhiều địa phương, do vậy luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.
Để chủ động phòng chống dịch, bệnh cúm lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:
- Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi.
- Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
- Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
- Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Bộ NN-PTNT ngày 22/10 cho hay, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước đã xảy ra 34 ổ dịch cúm gia cầm tại 19 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 77.000 con gia cầm. Nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm lây lan và xảy ra trên phạm vi rộng là rất cao.
Ngoài ra, nguy cơ xuất hiện một số chủng virus cúm gia cầm (A/H7N9, A/H5N2, A/H5N5,…) xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc.
Bộ này khuyến cáo người dân chủ động giám sát gia cầm có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, kịp thời phát hiện, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Tuyệt đối không buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm mắc bệnh, vứt xác gia cầm, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, báo cáo dịch bệnh theo quy định; hằng ngày tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng hoặc sử dụng vôi bột để sát trùng khu vực nuôi...