Cúm gia cầm lây sang người bằng cách nào, có cần xét nghiệm cúm không?

13-12-2023 06:50 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Bệnh cúm gia cầm lây sang người là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus cúm gây ra. Bệnh lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm cúm gia cầm.

Các loại virus cúm

Virus cúm gồm 4 type: type A, type B và type C có thể gây bệnh trên người và type D chủ yếu ảnh hưởng đến gia súc và được biết là không gây bệnh cho người. Trong khi virus cúm C gây bệnh lẻ tẻ ở người và lợn, virus cúm A và B theo mùa lưu hành ở người trên toàn thế giới.

Theo thống kê, các vụ dịch cúm mùa hàng năm ước tính gây ra 3 – 5 triệu ca bệnh nặng và khoảng 290 000 – 650 000 ca tử vong.

Con người cũng có thể bị nhiễm virus cúm A truyền từ động vật, như virus cúm gia cầm A, thuộc type A (H5N1), A (H5N6), A (H7N9), A (H7N7) và A (H9N2) và virus cúm lợn A type A (H1N1), A (H1N2) và A (H3N2).

Cúm gia cầm gây ra bởi các chủng cúm A, thường chỉ lây nhiễm cho các loài chim hoang dã và gia cầm nuôi, một số chủng trong số đó có thể lây nhiễm cho người như H5, H7 và H9. Hầu hết các trường hợp cúm gia cầm ở người là do các chủng Châu Á H5N1 và H7N9 gây ra.

Nhiễm cúm gia cầm thường không có triệu chứng ở chim hoang dã nhưng có thể gây tỷ lệ chết rất cao ở gia cầm nuôi.

Ở người, tỷ lệ tử vong do nhiễm các type A (H5N1), A (H5N6) và A (H7N9) cao hơn nhiều so với nhiễm virus cúm mùa A và B, trong khi hầu hết các trường hợp nhiễm cúm A (H7N7) và A (H9N2) thường gây bệnh nhẹ hơn.

Cúm gia cầm lây sang người bằng cách nào,  có cần xét nghiệm cúm không?- Ảnh 1.

Ở người, tỷ lệ tử vong do nhiễm các type A (H5N1), A (H5N6) và A (H7N9) là cao hơn.

Virus cúm gia cầm được phân thành hai loại:

Virus cúm gia cầm có độc lực thấp và virus cúm gia cầm độc lực cao. Trong khi các virus cúm gia cầm có độc lực thấp gây bệnh không có biểu hiện hoặc chỉ biểu hiện nhẹ ở gia cầm như xù lông và giảm sản lượng trứng, virus cúm gia cầm có độc lực cao gây bệnh nặng và tỷ lệ chết cao ở gia cầm mắc bệnh.

Gà nhiễm virus A (H5) hoặc A (H7) có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan nội tạng với tỷ lệ chết lên đến 90% đến 100%, thường trong vòng 48 giờ.

Cúm gia cầm lây sang người bằng cách nào?

Trong 3 chủng virus cúm là A, B và C thì ở nước ta cúm A và cúm B là 2 type phổ biến nhất và đều có thể lưu hành trong năm.

Dịch cúm A được ghi nhận hằng năm với mức độ lan rộng và độ nguy hiểm cũng thay đổi. Trong khi đó, dịch cúm B thường xuất hiện ở những nơi đông người như trường học, nhà trẻ,…

Virus cúm lan truyền từ người sang người theo 2 đường chính:

- Lây qua hô hấp, nước bọt và các dịch tiết của bệnh nhân trong quá trình ho, khạc, hắt hơi tạo ra các giọt khí hay khí dung.

- Lây theo đường tiếp xúc: dịch tiết đường hô hấp và các chất thải chứa virus của bệnh nhân. Làm ô nhiễm bề mặt phòng bệnh hay gia đình ở cùng các vật dụng các nhân rồi lây qua tay của người tiếp xúc để xâm nhập vào từ niêm mạc mũi, miệng và mắt của người tiếp xúc. Bên cạnh đó, 1 số type cúm A còn lây từ các loại gia cầm sang người như H5N1.

Cúm gia cầm lây sang người bằng cách nào,  có cần xét nghiệm cúm không?- Ảnh 2.

Cúm A còn lây từ các loại gia cầm sang người như H5N1 nguy hiểm đến sức khỏe của người bệnh.

Trên thực tế, hầu hết các trường hợp con người nhiễm cúm gia cầm là do lây truyền từ động vật (điển hình là gia cầm) do hít phải hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết (nước bọt, chất nhầy hoặc phân) của động vật bị nhiễm bệnh.

Tỷ lệ lây nhiễm trực tiếp từ người sang người rất hạn chế, tuy nhiên virus cúm có khả năng đột biến gen nhanh chóng, do đó có thể dẫn đến có khả năng lây nhiễm từ người sang người, gây ra đại dịch cúm.

Cách nhận biết mắc bệnh cúm gia cầm

Biểu hiện của bệnh cúm gia cầm cũng giống như bệnh cúm mùa; tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng và tỷ lệ tử vong có xu hướng cao hơn, mặc dù còn tùy thuộc vào chủng virus.

Người nhiễm cúm gia cầm có thể không có triệu chứng đến có các biểu hiện nhẹ của triệu chứng cúm (như sốt, ho, chảy mũi, nghẹt mũi, đau họng, đau mỏi cơ, đau đầu, viêm kết mạc). Các dấu hiệu ít phổ biến hơn bao gồm tiêu chảy, buồn nôn, nôn hoặc co giật. 

Các biểu hiện nặng hơn có thể gặp như khó thở hoặc viêm phổi, tiến triển suy hô hấp với tỷ lệ tử vong cao.

Có nên xét nghiệm cúm không?

Biểu hiện của cúm là sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Các triệu chứng này thường gây nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường. Tuy nhiên các triệu chứng của bệnh cúm thường nghiêm trọng hơn.

Xét nghiệm influenza virus A B test nhanh giúp phát hiện định tính và phân biệt kháng nguyên virus cúm A (bao gồm H5N1 và H1N1) và cúm B trong mẫu bệnh phẩm dịch mũi, họng, dịch tỵ hầu hoặc dịch rửa mũi/tỵ hầu của người. Một vài sinh phẩm test nhanh còn phân biệt được cúm A (H1N1), cúm A và cúm B.

Vì vậy, nếu nghi ngờ nhiễm bệnh cúm với triệu chứng sốt cao, gai rét, viêm long đường hô hấp có thể biến chứng viêm phổi, suy hô hấp… cần tới cơ sở y tế để được thăm khám và làm các xét nghiệm giúp chẩn đoán và điều trị.

Đối với trường hợp viêm đường hô hấp, ho, sốt… mức độ nhẹ không có tiếp xúc với gia cầm bệnh, ở khu vực không có dịch... thì không quá lo lắng, hoang mang, không tự làm xét nghiệm sẽ gây lãng phí không cần thiết.

Lời khuyên thầy thuốc

Khi có biểu hiện lâm sàng, kèm theo tiền sử tiếp xúc với người đang mắc cúm gia cầm hoặc tiếp xúc với gia cầm trong khu vực đang có dịch, kể cả đi du lịch đến các vùng lưu hành cúm gia cầm... thì cần nghi ngờ nhiễm bệnh và phải đến ngay cơ sở y tế có khả năng xét nghiệm chẩn đoán cúm để được khám và chẩn đoán kịp thời.

Các điều trị bổ trợ cơ bản trong điều trị cúm mà người dân có thể tự thực hiện tại nhà như nghỉ ngơi, cung cấp đầy đủ nước và dinh dưỡng, hạ sốt bằng thuốc hạ sốt paracetamol khi sốt trên 38,5 độ C, cân bằng dịch và điện giải bằng cách uống oresol.

Bộ Y tế cho biết, theo thông tin từ đầu mối Điều lệ y tế quốc tế (IHR) Campuchia, từ ngày 23/11/2023 đến nay, Bộ Y tế Campuchia ghi nhận thêm 2 trường hợp nhiễm cúm A(H5N1) tại tỉnh Kampot. Tích lũy từ đầu năm 2023 đến nay, Campuchia đã ghi nhận 6 trường hợp nhiễm cúm A(H5N1), trong đó có 3 trường hợp tử vong.

Để chủ động ngăn chặn bệnh cúm gia cầm xâm nhập vào Việt Nam và lây nhiễm sang người, Bộ Y tế có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường phòng chống cúm gia cầm lây sang người.

Bộ Y tế nhắc các tỉnh, thành ngăn chặn bệnh cúm gia cầm xâm nhập vào Việt Nam, lây nhiễm sang ngườiBộ Y tế nhắc các tỉnh, thành ngăn chặn bệnh cúm gia cầm xâm nhập vào Việt Nam, lây nhiễm sang người

SKĐS - Tại Việt Nam, dịch cúm trên gia cầm vẫn xảy ra rải rác tại các địa phương. Bên cạnh đó, thời tiết hiện nay đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển. Đồng thời, người dân có xu hướng tăng nuôi gia cầm để chuẩn bị phục vụ dịp Tết Nguyên đán năm 2024...

BS. Trần Quang Đại
Ý kiến của bạn