Cúm gia cầm - Không thể coi thường!

23-03-2009 7:11 PM | Thời sự

Mới chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm, cơ quan y tế đã phát hiện 3 bệnh nhân mắc cúm A H5N1 và đáng tiếc là cả 3 bệnh nhân này đều tử vong.

Mới chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm, cơ quan y tế đã phát hiện 3 bệnh nhân mắc cúm A H5N1 và đáng tiếc là cả 3 bệnh nhân này đều tử vong. Trong khi đó, dịch cúm trên gia cầm, nguồn lây bệnh duy nhất sang người được ghi nhận hiện nay lại vẫn đang tiếp diễn và chưa có chiều hướng chững lại. Các cơ quan chức năng lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với tình trạng "điếc không sợ súng" của cả người dân và các cấp chính quyền hiện nay.

Thủy cầm - ổ dịch tiềm tàng

Báo cáo của Cục thú y (Bộ NN&PTNT) cho thấy, hơn 40 ổ dịch tại hơn 20 huyện thuộc 13 tỉnh, thành phố được phát hiện từ đầu năm đến nay đã khiến cho trên 52 nghìn gia cầm phải tiêu hủy, trong số này có đến 73% là dịch phát từ thủy cầm (vịt, ngan). Điều này một lần nữa cho thấy mối nguy hại tiềm ẩn từ đàn thủy cầm mang virut có thể bùng lên bất cứ lúc nào.

 Diễn tập cấp cứu bệnh nhân mắc cúm gia cầm.      Ảnh: TM

Đứng trước nguy cơ dịch có thể lây lan ra diện rộng, Bộ NN&PTNT đã thành lập nhiều đoàn công tác do đích thân Bộ trưởng Cao Đức Phát và các Thứ trưởng đi kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống dịch cúm gia cầm tại địa phương. Trước đó, một cuộc giao ban trực tuyến với 12 tỉnh, thành phố do Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng chủ trì đã là một hiệu lệnh nhắc nhở các địa phương không thể lơ là, coi thường dịch. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Dịch cúm gia cầm không chỉ tác động tới sản xuất mà còn tác động tới đời sống xã hội và tính mạng của người dân. Chính phủ và các địa phương phải có trách nhiệm, cùng bàn giải pháp kịp thời dập tắt dịch, tránh thiệt hại về người và tài sản nhân dân. Chúng ta phải nhận thấy những yếu kém trong công tác phòng, chống để khắc phục, có biện pháp ngăn chặn dịch hiệu quả.

Phó Thủ tướng đề nghị, cần đề cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, từ chủ tịch tỉnh, huyện, xã đến các trưởng thôn, bản. Ngoài ra, trách nhiệm của các ngành, các cấp đặc biệt là ngành Nông nghiệp, Y tế và các ngành liên quan cũng cần phải nâng cao. Phải coi phòng bệnh là đặc biệt quan trọng. Công tác tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại dù có khó khăn đến đâu cũng phải tiến hành quyết liệt có hiệu quả. Tổ chức kiểm soát được tình hình khi phát hiện ra dịch và khắc phục, ngăn chặn không để lây lan ra diện rộng. Để công tác phòng chống cúm gia cầm đạt hiệu quả, các cấp, các ngành cần phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả với các tổ chức đoàn thể tại địa phương và người chăn nuôi.

Virut cúm chưa lây từ người sang người

Trong khi cúm ở gia cầm vẫn đang tiếp diễn, 3 bệnh nhân lây bệnh từ gia cầm mới đây cũng không thoát khỏi tử vong. Dư luận lại đặt ra câu hỏi phải chăng virut cúm đã có sự biến đổi  độc lực mạnh hơn, tốc độ lây lan nhanh hơn? Trả lời cho câu hỏi này, PGS.TS. Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định: Tỷ lệ tử vong ở các bệnh nhân cúm A H5N1 được phát hiện trong năm nay chưa nói lên được điều gì. Cho đến thời điểm này vẫn chưa ghi nhận sự biến đổi đáng kể của virut cúm A H5N1. Các nghiên cứu về virut học đối với các trường hợp mắc cúm A H5N1 ở người thời gian gần đây cho thấy, loại virut gây bệnh cảnh cho người vẫn là chủng cúm A H5N1 phân týp 2.3.4. Đây là chủng cúm được phát hiện lưu hành từ năm 2005 và có liên quan đến chủng virut cúm phát hiện ở Trung Quốc. Theo TS. Hiển, bản chất của virut là biến đổi liên tục và virut cúm cũng không phải là ngoại lệ. Vì vậy, không loại trừ trường hợp có khả năng loại virut này sẽ biến đổi mạnh hơn hoặc tái tổ hợp với một chủng virut cúm thông thường để trở thành một chủng virut mới với độc lực mạnh, gây tử vong nhanh và nguy hiểm hơn cả là có thể lây trực tiếp từ người sang người. Và khi đó, một đại dịch toàn cầu đã được các chuyên gia cảnh báo là hoàn toàn có thể xảy ra.

TS. Hiển nhấn mạnh, chúng ta cần phải luôn đề cao cảnh giác trước những diễn biến của dịch hiện nay. Cúm ở gia cầm là khởi nguồn của dịch cúm ở người, vì vậy trước mắt cần phải tập trung dập dịch ở gia cầm và xử lý môi trường tại các ổ dịch.

Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế) cũng tiếp tục khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch lây từ gia cầm như: không giết mổ, sử dụng gia cầm ốm, chết; không vận chuyển, mua bán gia cầm không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; khi có các triệu chứng sốt, ho, khó thở có liên quan đến cúm gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị.

Thanh Tâm


Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH