1. Nguyên nhân bệnh cúm
Tác nhân gây bệnh cúm là virus cúm (Influenza virus), được chia thành 3 type cúm A, cúm B và cúm C. Trong đó, cúm A là phổ biến, có thể lây truyền từ động vật sang người.
- Cúm A gồm các chủng như A/H5N1, A/H3N2, A/H1N1….
- Virus cúm B và C chỉ tồn tại và gây bệnh ở người.
Cúm B hay gây dịch vào mùa đông hoặc đông xuân và lây truyền quanh năm.
Virus cúm dễ bị tiêu diệt bởi ánh sáng mặt trời và ở nhiệt độ 56 độ C và các chất khử trùng thông thường. Tuy nhiên, virus cúm có thể tồn tại hàng giờ ở ngoại cảnh, đặc biệt khi thời tiết lạnh và độ ẩm thấp. Ở nhiệt độ 0 - 4 độ C, virus sống được vài tuần, - 20 độ C và đông khô virus sống được hàng năm.
2. Dấu hiệu bệnh cúm
Thời gian ủ bệnh của bệnh cúm thường từ 1-5 ngày, trung bình là 2 ngày rồi chuyển sang thời kỳ khởỉ phát. Trong thời gian ủ bệnh vẫn có thể lây nhiễm sang người khoẻ mạnh.
Thời gian lây bệnh từ 1-2 ngày trước khởi phát và kéo dài đến 5 ngày sau khi khởi phát hoặc hết sốt.
Triệu chứng bệnh cảm cúm thường xuất hiện ra đột ngột và bắt đầu 24 đến 48 giờ sau khi tiếp xúc với virus cúm. Các triệu chứng nặng thường kéo dài 3 đến 5 ngày, bao gồm:
- Sốt cao (40 độ C), ớn lạnh, ho hắt hơi, sổ mũi
- Cảm thấy yếu hoặc mệt mỏi
- Mắt nhạy cảm với ánh sáng
- Dạ dày khó chịu (xảy ra ở trẻ em nhiều hơn người lớn)
- Ho và cảm giác mệt mỏi có thể kéo dài đến 6 tuần
Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
3. Bệnh cúm có lây không?
Cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp gây ra do virus cúm nên rất dễ lây nhiễm. Đường lây truyền của bệnh cúm là đường hô hấp, virus có trong các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi, họng rồi phát tán ra ngoài qua ho, hắt hơi trong khoảng cách 2m hoặc khi tiếp xúc với bề mặt có nhiễm virus, chạm tay rồi đưa lên mắt mũi, miệng làm nhiễm virus.
Bệnh lây lan mạnh khi tiếp xúc ở nơi đông người, trong điều kiện thời tiết lạnh và ẩm thấp thì khả năng nhiễm virus cúm sẽ cao hơn.
4. Cách phòng mắc bệnh cúm
Các biện pháp phòng bệnh chung cần được thực hiện như:
- Cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh nghi nhiễm cúm.
- Tăng cường rửa tay: Cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn nhanh, nên tránh tiếp xúc với người bệnh.
- Vệ sinh hô hấp khi ho khạc.
- Tránh tập trung đông người khi có dịch xảy ra.
- Phòng lây nhiễm từ người bệnh cần cách ly người bệnh ở buồng riêng.
- Người bệnh phải đeo khẩu trang trong thời gian điều trị.
- Thường xuyên làm sạch và khử khuẩn buồng bệnh và quần áo, dụng cụ của người bệnh
Ngoài ra, cần tiêm phòng vaccine cúm hàng năm. Các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cúm nên được tiêm phòng cúm là: Nhân viên y tế; Trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi; Người có bệnh mạn tính (bệnh phổi mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, tiểu đường, suy giảm miễn dịch…); Người trên 65 tuổi.
5. Cách điều trị cúm
Tùy từng trường hợp nặng nhẹ mà các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị phù hợp. Với nguyên tắc chung phải được cách ly y tế và thông báo kịp thời cho cơ quan y tế dự phòng.
- Nếu bệnh nhân mắc cúm có biến chứng: cần được nhập viện để điều trị và dùng thuốc virus càng sớm càng tốt.
- Nếu cúm có kèm theo các yếu tố nguy cơ: nên được nhập viện để theo dõi và xem xét điều trị sớm thuốc kháng virus.
- Bệnh cúm chưa biến chứng điều trị tại cơ sở y tế nếu biểu hiện triệu chứng nhẹ. Nếu triệu chứng nặng lên hoặc người bệnh lo lắng về tình trạng sức khỏe nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và chăm sóc.
- Thuốc kháng virus được chỉ định cho các trường hợp nhiễm cúm (nghi ngờ hoặc xác định) có biến chứng hoặc có yếu tố nguy cơ.
Dùng thuốc kháng virus với người bị nhiễm trùng nặng hoặc có nguy cơ biến chứng cao, sử dụng thuốc kháng virus là phương pháp điều trị cúm cần thiết. Dùng thuốc kịp thời, đúng cách giúp giảm mức độ các triệu chứng và rút ngắn thời gian nhiễm bệnh. Đây cũng là cách ngăn ngừa các biến chứng cúm tiến triển – nhất là ở người lớn tuổi hoặc người bị suy giảm hệ thống miễn dịch.
Hiện có 3 loại thuốc kháng virus được khuyên dùng trong điều trị cúm bao gồm: oseltamivir, zanamivir và peramivir. Các thuốc này hoạt động dựa theo nguyên tắc làm gián đoạn chức năng men neuraminidase trên bề mặt virus và ngăn chặn sự giải phóng các phần tử virus từ các tế bào vật chủ bị nhiễm bệnh.
Các thuốc kháng virus này có thể sử dụng cho các trường hợp mắc cúm A và B và có tác động tốt nhất trong vòng 48 tiếng sau khi người bệnh bắt đầu có các triệu chứng cúm.
Điều trị cúm biến chứng như: hỗ trợ hô hấp khi có suy hô hấp: thở oxy, thở CPAP hoặc thông khí nhân tạo tùy từng trường hợp. Phát hiện và điều trị sớm các trường hợp bội nhiễm vi khuẩn với kháng sinh thích hợp . Phát hiện và điều trị suy đa phủ tạng.
Điều cúm trị tại nhà
Thông thường bệnh cúm có thể tự khỏi sau thời gian ngắn khi người bệnh dành thời gian nghỉ ngơi và uống nhiều nước để cơ thể dần chống lại sự nhiễm trùng. Không nên hút thuốc lá hoặc uống rượu trong thời gian này. Cũng nên hạn chế trà, cà phê, các đồ uống có chất kích thích,… để tránh làm cơ thể thêm mệt mỏi.
Về dinh dưỡng, người bệnh cúm nên tăng cường, bổ sung các loại rau và trái cây có màu xanh đậm, đỏ và vàng để nâng cao hệ miễn dịch, hỗ trợ hồi phục sức khỏe nhanh chóng.