1. Cần làm gì khi có dấu hiệu mắc cúm A?
Theo các chuyên gia y tế, vào thời điểm giao mùa đông-xuân, thời tiết thay đổi thất thường, lúc nóng, lúc lạnh là điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh đường hô hấp phát triển, trong đó có bệnh cúm. Bệnh cúm A gây ra bởi các chủng của virus cúm A như H1N1, H3N2, H5N1… Virus lây truyền qua đường hô hấp, qua các giọt bắn khi tiếp xúc gần với người bệnh hoặc qua tiếp xúc với bề mặt bị nhiễm virus nên có khả năng lây nhiễm cao và lan rất nhanh trong cộng đồng.
Triệu chứng ban đầu của bệnh cúm A thường giống như những bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính là: sốt, ho, hắt hơi, chảy nước mũi, đau họng, đau đầu, đau cơ… Đối với trẻ em còn có biểu hiện mệt mỏi, ăn kém, quấy khóc…
Theo TS.BS Phạm Thị Bích Thủy, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, trong các chủng virus gây cúm A, B, C thì cúm A là chủng gây bệnh phổ biến nhất.
Những đối tượng dễ mắc cúm nhất và dễ gây biến chứng nặng là trẻ em dưới 5 tuổi, người trên 65 tuổi, phụ nữ mang thai, người bị suy giảm hệ miễn dịch, người mắc bệnh mạn tính như hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh tim mạch...
Việc điều trị bệnh cúm thông thường chủ yếu là giảm các triệu chứng. Bệnh nhân cần được điều trị cách ly, nghỉ ngơi, chăm sóc vệ sinh, dinh dưỡng tốt cho đến khi khỏi bệnh.
Trường hợp sốt cao cần chườm mát, hạ sốt bằng các thuốc hạ sốt thông thường như paracetamol theo hướng dẫn. Súc miệng, họng, nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý.
2. Chế độ dinh dưỡng giúp người bệnh cúm A nhanh hồi phục
Theo TS. Phạm Thị Bích Thủy, do các triệu chứng cúm khiến người bệnh mệt mỏi, chán ăn nên bên cạnh việc dùng thuốc, cần phải chú ý bổ sung dinh dưỡng để giảm mệt mỏi và nhanh hồi phục bằng chế độ ăn uống đủ chất.
Người bệnh nên ăn các món dễ tiêu. Uống nhiều nước. Ăn nhiều rau quả, trái cây tươi chứa nhiều vitamin C để tăng cường sức đề kháng chống lại virus gây bệnh.
Đối với bệnh nhi mắc cúm A, theo BSCKII Trương Văn Quý, Trưởng khoa Nội Nhi tổng hợp, Bệnh viện E, nếu cha mẹ không chú ý dinh dưỡng sẽ khiến trẻ mệt hơn và chậm hồi phục hơn.
Đối với trẻ còn bú mẹ cần tăng cường cho bú theo nhu cầu khi trẻ thấy dễ chịu. Đối với trẻ lớn cần cho trẻ ăn các thức chế biến dưới dạng lỏng, dễ tiêu như cháo, súp…
Nên cho trẻ ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi giàu vitamin, đặc biệt là vitamin C để hỗ trợ tăng cường sức đề kháng. Cho trẻ uống đủ nước. Nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày để trẻ dễ ăn và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.
3. Nguồn thực phẩm giàu vitamin C tốt cho người bệnh cúm
Vitamin C là một loại vitamin tan trong nước có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sức đề kháng của cơ thể. Sự thiếu hụt vitamin C có thể gây ra các triệu chứng như dễ bầm tím, chảy máu nướu răng, mệt mỏi và suy yếu hệ miễn dịch.
Vitamin C giúp kích thích sản xuất các tế bào bạch cầu tấn công vi khuẩn và virus nên cũng được xem là một phần phản ứng miễn dịch của cơ thể. Các nghiên cứu đã chứng minh, cơ thể được cung cấp đủ vitamin C có thể tăng cường sức đề kháng chống đỡ bệnh tật và giúp giảm các triệu chứng và rút ngắn thời gian mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như cúm, viêm phế quản hoặc viêm xoang.
Ngoài ra, vốn là một chất chống oxy hóa mạnh nên vitamin C cũng giúp bảo vệ các tế bào miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn, ngăn ngừa được các loại vi khuẩn, virus gây bệnh. Vì vậy, bổ sung vitamin C rất hiệu quả để ngăn ngừa và giảm các triệu chứng của bệnh cúm.
Nguồn thực phẩm chứa hàm lượng vitamin C cao nhất chủ yếu là trái cây và rau quả, đặc biệt là trái cây họ cam quýt (cam, chanh, bưởi); nho, dâu tây, đu đủ, táo, lê, chuối, ổi … ;các loại rau như bông cải xanh, cà chua…
Người mắc bệnh cúm có thể bổ sung vitamin C bằng cách uống các loại nước cam, nước chanh, nước dưa hấu… vừa giúp phòng ngừa mất nước do sốt, đồng thời giảm mệt mỏi và tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Mách bạn 4 cách đơn giản phòng ngừa cảm lạnh, cảm cúm trong mùa đông.