Cúm A/H7N9 tiến sát biên giới, liên Bộ họp khẩn: Mở rộng đối tượng lấy mẫu, giám sát không để “lọt” bệnh nhân cúm

22-02-2017 19:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Chủng cúm có tỉ lệ tử vong cao trên 40% đang gia tăng chóng mặt ở Trung Quốc, trong đó xảy ra tại hai tỉnh áp sát Việt Nam.

Chủng cúm có tỉ lệ tử vong cao trên 40% đang gia tăng chóng mặt ở Trung Quốc, trong đó xảy ra tại hai tỉnh áp sát Việt Nam. Bộ Y tế nhận định dịch hoàn toàn có thể xâm nhập vào Việt Nam. Điều đáng lo ngại, dịch cúm A/H7N9 trên đàn gia cầm không có biểu hiện lâm sàng rõ ràng, khó phát hiện là một thách thức trong việc giám sát, phát hiện sớm dịch trên gia cầm, trên người ở Việt Nam, do đó, cuối giờ chiều ngày 20/2, Văn phòng đáp ứng dịch bệnh khẩn cấp của Bộ Y tế họp khẩn cấp bàn biện pháp phòng chống dịch cúm A/H7N9…

Quyết liệt đối phó với dịch cúm A/H7N9, cúm A/H5N1

Buổi họp trực tuyến với các đầu cầu TP. Hồ Chí Minh, Tây Nguyên, Viện Pasteur Nha Trang có sự tham gia của đại diện Bộ NN&PTNT, Tổ chức Y tế Thế giới, Tổ chức Nông lương Thế giới...

Thông tin tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết, đây là đợt dịch bùng phát thứ 5 của virut cúm A/H7N9 trên thế giới. So với các đợt trước, đợt này bùng phát rất mạnh. Hiện Việt Nam chưa ghi nhận các ca mắc cúm A/H7N9, A/H5N6 và cúm A/H5N1 dù có dịch trên gia cầm. Ở Việt Nam, hiện chưa ghi nhận ca bệnh mắc cúm A/H7N9, A/H5N8, A/H5N1 trên người song vẫn ghi nhận một số ổ dịch cúm A/H5N1, H5N6 trên gia cầm. Riêng cúm A/H5N1, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 3 ổ dịch cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm tại 3 xã ở 3 tỉnh Bạc Liêu, Nghệ An và Nam Định. Đại diện Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT đều nhận định nguy cơ dịch cúm A/H7N9 xâm nhập Việt Nam thời điểm này là hoàn toàn có thể.

Cúm A/H7N9 tiến sát biên giới, liên Bộ họp khẩn: Mở rộng đối tượng lấy mẫu, giám sát không để “lọt” bệnh nhân cúmNghiêm cấm buôn bán gia cầm không có nguồn gốc (ảnh minh họa).  Ảnh: TM

Chủ trì phiên họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, tại Trung Quốc, loại cúm này đang có tốc độ gia tăng nhanh về ca mắc, xảy ra trên diện rộng. “Bệnh cũng xảy ra tại 2 tỉnh có biên giới dài với Việt Nam là Vân Nam, Quảng Tây. Đây là vấn đề rất đáng quan ngại trong bối cảnh giao lưu, đi lại giữa hai nước”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long lo ngại. Đồng thời Thứ trưởng cũng đặt câu hỏi tại sao tốc độ gia tăng của cúm A/H7N9 tại Trung Quốc gần đây tăng nhanh, dù mặt bệnh không có sự biến đổi và yêu cầu Việt Nam phải có đáp ứng mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn khi phải cùng lúc đối mặt với hai dịch cúm A/H7N9, cúm A/H5N1.

Tại cuộc họp, đại diện Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT cũng như đại diện các tổ chức y tế quốc tế tại Việt Nam đều khẳng định, không có dịch trên đàn gia cầm sẽ không có dịch cúm gia cầm trên người. Vì thế, trong công tác phòng chống dịch cúm gia cầm lây sang người, vấn đề then chốt là con người không được tiếp xúc với gia cầm mang mầm bệnh, không vận chuyển, mua bán và sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có kiểm dịch.

Nói không với gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc

Tại cuộc họp, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW Trần Như Dương cho biết, trong năm 2016, hệ thống giám sát cúm quốc gia đã giám sát 3.386 trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nặng nhưng chỉ phát hiện cúm thường B, cúm A/H3N2, cúm A/H1N1 chứ không phát hiện ca mắc cúm A/H5N1, A/H7N9 nào.

Ở khu vực phía Nam, PGS.TS. Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh cho biết, giám sát tại khu vực này trong những tháng đầu năm 2017 có 20 ca viêm phổi nặng với bệnh cảnh lâm sàng tương tự như cúm A/H7N9 nhưng kết quả xét nghiệm đều nhiễm cúm A/H1N1 thông thường. Tuy nhiên, với cúm A/H5N1 ở khu vực phía Nam, trong tháng 2/2017 xảy ra 3 ổ dịch trên gia cầm. Trong khi đó, dịch cúm A/H5N1 có sự thay đổi về hình thái. Trước năm 2010 tập trung khu vực phía Bắc, 5 năm trở lại đây, 9 trường hợp mắc trên người có 8 trường hợp khu vực phía Nam.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, ngoài các giải pháp đã chỉ đạo trong thời gian gần đây, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương ngay sau cuộc họp này phải mở rộng diện giám sát cúm trên người tại cộng đồng, đầu tiên là những người có nguy cơ; Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp tại cửa khẩu, các cơ sở y tế và tại cộng đồng. Đồng thời, ngành y tế sẽ tăng giám sát trên người, đặc biệt với khu vực giao lưu khách du lịch như Nha Trang, các khu vực biên giới với Trung Quốc. Song song đó, sẽ mở rộng đối tượng lấy mẫu, những ca có biểu hiện cúm sẽ đưa vào lấy mẫu giám sát, thay vì như trước đây chỉ xét nghiệm những trường hợp nặng. “Bên cạnh đó, sẽ tính đến phương án xét nghiệm mẫu cộng đồng, ưu tiên người vận chuyển, giết mổ, tiếp xúc với gia cầm, chợ nhỏ lẻ, đầu mối…”,  Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu.

Ngoài ra, các đơn vị liên quan cũng cần phải đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe tới người dân, nhất là vận động người dân bỏ ngay thói quen ăn tiết canh và không buôn bán, vận chuyển, giết mổ, sử dụng gia cầm bệnh, gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có kiểm dịch.

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm A/H7N9 ở ngay sát biên giới nước ta, Bộ Y tế đã nhanh chóng cung cấp thông tin về tình hình cúm A/H7N9 và khuyến cáo người dân về biện pháp phòng chống. Bộ Y tế đã có công điện chỉ đạo các Sở Y tế xây dựng kế hoạch, tăng cường giám sát cúm đặc biệt và có công văn gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường các biện pháp ứng phó, tập trung vào việc kiểm soát việc nhập lậu gia cầm, tăng cường truyền thông cho người dân ý thức trước sự nguy hiểm lây lan của dịch bệnh này.

Thái Bình
Ý kiến của bạn
Tags: