Anh Nguyễn Văn Miền đã điều trị một tuần nay tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Anh được xác định mắc cúm A/H1N1, diễn biến nhanh, phải thở máy. Đến giờ tình trạng đã tương đối ổn định.
Chị Nguyễn Thị Thanh Mai - người nhà bệnh nhân cho hay: "Anh nhà tôi là quân nhân, 25 năm không ốm đau gì. Lúc đầu cũng chỉ ho sốt bình thường, cứ nghĩ là bị xoang mũi thôi. Điều trị ở BV Quân y 110 trong 2 ngày, sau đó sốt nặng được chuyển lên đây. Bây giờ là đỡ lắm rồi, người cử động được rồi".
Còn thai phụ N.H.T bị nhiễm cúm A khi đang mang thai 31 tuần. Ngay khi được xác định nhiễm cúm, bệnh nhân đã được theo dõi sát sao vì thuộc nhóm nguy cơ cao. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, tình trạng của thai phụ diễn tiến nhanh trong vòng 12 giờ đồng hồ, suy hô hấp nặng, suy đa tạng, nên đã phải chạy ECMO – hệ thống tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể. Đây được coi là biện pháp cuối cùng để cứu sống bệnh nhân này.
Bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân cúm tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Bác sĩ Đồng Phú Khiêm - Khoa Hồi sức tích cực, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: "Đến lúc bệnh nhân chuyển lên khoa chúng tôi thì hình ảnh X-quang phổi cho thấy bệnh nhân tổn thương phổi nghiêm trọng, 2 bên phổi đều trắng xóa.
Bệnh nhân suy tuần hoàn, suy thận, suy đa tạng cấp tính, sau khi được điều trị tích cực thì đang trên đà hồi phục tốt. Với tổng thương ở phổi, theo kinh nghiệm điều trị của chúng tôi thì tiên lượng cần 3-5 tuần nữa để hồi phục dần".
Trước đó không lâu, các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đã điều trị thành công cho một bệnh nhân nam, 59 tuổi, vào viện vì sốt đau rát họng, sau đó ho khó thở tăng dần. Qua thăm khám lâm sàng và làm xác xét nghiệm cần thiết, bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi nặng do nhiễm cúm A/H1N1.
Sau 10 giờ điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân vẫn xu hướng tiến triển rất nặng, độ bão hòa oxy máu rất thấp (SpO2 80-85%- với thở máy và các biện pháp hồi sức thường quy tối ưu). Bệnh nhân đã được tiến hành ECMO-VV (Một trong những kỹ thuật hỗ trợ điều trị suy hô hấp cấp nặng tốt nhất trên thế giới hiện nay - Kỹ thuật này đã được thực hiện thường quy tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương).
Sau can thiệp tình trạng bệnh nhân xu hướng ổn định dần và hồi phục hoàn toàn, ra viện sau 45 ngày điều trị.
Nhiều bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 nhập viện trong tình trạng nguy kịch phải tiến hành chạy ECMO.
Coi chừng khi có dấu hiệu sốt, ho...
Thời gian gần đây, số bệnh nhân đến khám và điều trị vì cúm tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương tăng cao, trong đó các trường hợp nặng chủ yếu là cúm A/H1N1. Theo các bác sĩ, virus cúm thường gây tổn thương ở phổi, diễn tiến rất nhanh, dẫn đến suy hô hấp, nên nếu ở nhóm có nguy cơ cao thì cần được theo dõi sát sao và điều trị kịp thời, nếu không có thể dẫn đến tử vong.
GS.TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, về nguyên tắc thì khi nào bệnh nhân có sốt và ho thì phải đi kiểm tra ở cơ sở y tế, với người dân ở xa thì gần nhất là trạm y tế xã phường để được phát hiện sớm. Có những triệu chứng như vậy thì chúng ta phải nghĩ đến nhiễm trùng đường hô hấp.
GS.TS Nguyễn Văn Kính.
"Nếu xuất hiện nhiễm trùng đường hô hấp và xảy ra trên cơ địa ở trẻ em, phụ nữ có thai, người già, những người suy giảm miễn dịch thì bệnh thường diễn tiến rất nhanh, rất nguy hiểm.
Tuy nhiên, ở những người khỏe mạnh bình thường vẫn có thể diễn tiến nhanh, nguy hiểm trong trường hợp sốt cao liên tục, ho nhiều, khó thở, tức ngực. Do vậy cần chuyển đến bệnh viện kịp thời để điều trị ngay, giảm mức độ diễn biến nặng"- GS. Kính đặc biệt lưu ý.
Theo các bác sĩ, bệnh cúm có thể tự khỏi nếu ở thể nhẹ, nhưng người dân không nên chủ quan do virus cúm biến đổi rất nhanh. Các gia đình nên chủ động phòng bệnh bằng biện pháp tiêm chủng mỗi năm một lần, kể cả người lớn và trẻ nhỏ.
- Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt và mũi, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; không khạc nhổ bừa bãi; hàng ngày sử dụng các dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng, mắt; tránh tiếp xúc gần với người bệnh hoặc người nghi nhiễm cúm.
- Ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm.
- Thường xuyên vệ sinh, lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc.
- Bên cạnh đó, người dân có thể đi tiêm vắcxin để phòng bệnh. Những trường hợp sốt cao, khó thở cần chủ động cách ly, đeo khẩu trang và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử lý, phòng tránh lây lan. Việc nhận biết và phát hiện sớm các dấu hiệu mắc bệnh có thể giúp điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong.
- Các gia đình nên đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi, tiêm nhắc lại để chủ động phòng tránh bệnh dịch.