Cục Y tế dự phòng: Chỉ nên uống 2 đơn vị cồn/ngày để tránh ngộ độc rượu

28-01-2017 22:06 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Theo Cục Y tế dự phòng, thường trong những ngày lễ, tết lượng rượu bia tiêu thụ tăng lên đáng kể, cùng với đó là số người nhập viện cấp cứu do say rượu, bia, thậm chí bị ngộ độc rượu cũng gia tăng.

Theo Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế, rượu, bia là những đồ uống không thể thiếu trong mỗi dịp liên hoan, cưới hỏi đặc biệt trong dịp lễ Tết. Thường trong những ngày này lượng rượu bia tiêu thụ tăng lên đáng kể, cùng với đó là số người nhập viện cấp cứu do say rượu, bia, thậm chí bị ngộ độc rượu cũng gia tăng.

Ngộ độc rượu được biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau, từ nhẹ (là không kiềm chế kiểm soát được cảm xúc, dễ tức giận, nổi nóng, đi đứng không vững…) đến ngộ độc nặng (bị nôn nhiều, vã mồ hôi, hôn mê, mạch nhanh, thở nông, hạ huyết áp, có thể tử vong nếu không được cấp cứu). Ngộ độc rượu thường xảy ra khi uống quá mức đáp ứng của cơ thể, kể cả với những sản phẩm đã được xác nhận an toàn thực phẩm.

Nguy cơ càng tăng với hậu quả khó lường đối với sức khỏe nếu dùng phải rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu có chứa nhiều methanol có thể mù mắt và tử vong cao đặc biệt khi sử dụng rượu rượu ngâm lá, rễ, cây, động vật có chứa độc tố tự nhiên.

Cũng theo Cục Y tế dự phòng, việc uống rượu trong thời gian dài sẽ dẫn đến nghiện rượu, sút cân, chán ăn, rối loại tiêu hóa do tổn thương gan và ruột đặc biết gây thoái hóa gan, xơ gan dẫn tới ung thư gan. Đối với hệ tim mạch uống rượu gây nhồi máu cơ tim, đột quy ở những người có huyết áp cao. Ngoài ra uống rượu còn gây mất trí nhớ, run, rối loạn tinh thần.

Hãy uống rượu/bia có điều độ để tránh rước họa cho sức khỏe


Đặc biệt, đối với phụ nữ mang thai nếu uống nhiều rượu có nhiều tác hại như gây sinh non, ảnh hưởng đến phát triển thể chất, tinh thần, trí tuệ của đứa trẻ, gây ngộ độc cho thai nhi.

Để bảo đảm sức khỏe trong dịp Tết cổ truyền Đinh Dậu và các ngày lễ hội đầu xuân, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân nên uống dưới hai đơn vị cồn /ngày với nam giới, dưới 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá năm ngày trong một tuần.

Đặc biệt, không sử dụng rượu bia trong các trường hợp: điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc, có thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có các tình trạng bệnh lý mà rượu bia làm cho bệnh nặng lên.

Theo Cục Y tế dự phòng, một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống. Như vậy 1 đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); 1 cốc bia hơi 330 ml; 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc 1 chén  rượu mạnh 30 ml (40%).


Hiện nay, nhiều người cho rằng, khi uống nhiều rượu có thể dùng các sản phẩm để giải rượu, về vấn đề này, BS Nguyễn Trung Nguyên- Phụ trách Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bach Mai chỉ rõ, không có thuốc giải độc nào có hiệu quả rõ ràng, thuốc giải rượu chỉ giúp hỗ trợ một phần bù lại vitamin, muối, đường. Không có chuyện tiêm hay uống sản phẩm giải rượu vào là ngay sau đó người say rượu tỉnh ngay.
Cũng theo BS Nguyên, nhiều người quan niệm, với người uống nhiều rượu, hay say rượu, giải pháp được lựa chọn số 1 là cho uống các loại nước có vị chua như nước cam hay nước chanh để giã rượu là hoàn toàn sai lầm. Bởi với người đã uống nhiều rượu, hay say rượu không nên cho uống nước chanh, cam hoặc có vị chua, vì các chất này sẽ gay tổn thương dạ dày, viêm dạ dày và gây nôn.

Theo BS Nguyên, về cách chăm sóc trường hợp uống nhiều rượu hay bị ngộ độc ở mức nhẹ, nếu bệnh nhân ngồi được, nói chuyện được thì người thân nên cho ăn các món có tinh bột (như gạo, ngô, khoai sắn), uống nước pha mật ong, nước canh hoặc nước đường, các loại sữa có đường.
Còn đối với trường hợp có người thân say rượu mức độ nặng như ú ớ không tỉnh, với các biểu hiện như lờ đờ, gọi không biết, không ngồi được, thở khò khè, chân tay lạnh, thì cần sơ cấp cứu ngay tại chỗ.
Khi đó, người nhà của bệnh nhân nên để người ngộ độc rượu nằm nghiêng về phía bên phải. Đây là tư thế nằm nghiêng an toàn, để cổ và đầu ở vị trí thoải mái dễ thở. Trong trường hợp trời lạnh thì người nhà cần ủ ấm cho bệnh nhân và gọi cấp cứu.

Thái Bình
Ý kiến của bạn