Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế: Đừng biến tủ lạnh thành kho dự trữ thực phẩm dịp Tết

17-01-2023 10:09 | Y tế

SKĐS - PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo: Người tiêu dùng cần chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và sử dụng, bảo quản theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Đặc biệt, đừng biến tủ lạnh thành kho lưu trữ thực phẩm lâu dài dịp Tết.

PV: Cứ vào dịp Tết nhu cầu về thực phẩm của người tiêu dùng tăng lên rõ rệt, do đó đây là cũng là dịp để nhiều thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ tràn vào thị trường. Cơ quan chức năng đã làm gì để ngăn chặn tình trạng này, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong: Vào dịp Tết, nhu cầu tiêu dùng tăng cao so với ngày thường, đặc biệt các sản phẩm thịt, cá, trứng, sữa, bánh kẹo, mứt, rượu bia... Do đó các cơ sở sản xuất kinh doanh cũng phải tăng công suất sản xuất, kinh doanh để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Sau 3 năm phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt năm nay tình hình dịch đã kiểm soát tốt nên việc sản xuất, tiêu dùng tăng hơn so với các năm vừa qua.

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế: Đừng biến tủ lạnh thành kho dự trữ thực phẩm dịp Tết - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo: Người tiêu dùng cần chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và sử dụng, bảo quản theo hướng dẫn của nhà sản xuất...

Trước tình hình như vậy để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân, đặc biệt là đảm bảo ổn định của thị trường thực phẩm cũng như nhu cầu sản xuất, ngay từ đầu tháng 12/2022, ban chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm đã ban hành kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023.

Việc triển khai thực hiện kế hoạch nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; Đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023.

Trong đó, tâp trung phổ biến tuyên truyền pháp luật để người sản xuất kinh doanh nhận thức về trách nhiệm từ khâu đăng kí, đến giám sát nguồn nguyên liệu, sử dụng phụ gia… Đồng thời phổ biến, tuyên truyền trách nhiệm của người tiêu dùng trong việc mua, sử dụng thực phẩm đúng hướng dẫn nhà sản xuất, chọn, bảo quản thực phẩm đúng cách.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành từ Trung ương đến cấp xã tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và Lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn.

Theo đó, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm TW giao các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức 6 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố. Còn các đoàn của tuyến tỉnh tập trung kiểm tra những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm là đầu mối lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại. Đối với các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chủ yếu do cấp quận/huyện, xã/phường thực hiện kiểm tra.

PV: Trong quá trình kiểm tra an toàn thực phẩm tại các địa phương, các đoàn đã có những thông tin đánh giá ban đầu như thế nào, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong: Sơ bộ đến thời điểm này, chúng tôi đã nhận được báo cáo nhanh của một số đoàn. Trong đó có đoàn do Thanh tra Bộ Y tế chủ trì, kiểm tra tại Hà Nội, lấy mẫu và xét nghiệm 6 sản phẩm có nhu cầu tiêu thụ nhiều nhất vào ngày Tết, đó là giò chả, bánh kẹo, hạt bí, hạt hướng dương, rượu, bia… Kết quả cho thấy, tất cả các mẫu này đều đạt chỉ tiêu an toàn theo quy định của Bộ Y tế. 

Tuy nhiên thời gian qua, một số sản phẩm có nguồn gốc động vật không đảm bảo đã được phát hiện. Cụ thể, các cơ quan chức năng đã tăng cường thanh tra, kiểm tra các tỉnh có nhiều cửa khẩu, các tỉnh tập trung nhiều cơ sở sản xuất chế biến, lò mổ, cơ sở chứa sản phẩm đông lạnh.

Từ đó phát hiện một số sản phẩm hết hạn hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chỉ tiêu an toàn vi sinh... Những sản phẩm này đã bị cơ quan chức năng dừng lưu thông, thu hồi…

 PV: Vậy ông có khuyến cáo gì với người dân về lựa chọn và sử dụng thực phẩm để vui Xuân nhưng vẫn đảm bảo sức khoẻ dịp Tết?

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong: Để đảm bảo an toàn thực phẩm ngày Tết, trước tiên, người tiêu dùng phải chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ.

Thứ hai, người tiêu dùng phải thực hiện việc sử dụng, bảo quản sản phẩm theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Rất nhiều trường hợp hạn sử dụng nhưng bảo quản sai dẫn đến sản phẩm hư, hỏng.

Ví dụ một sản phẩm yêu cầu bảo quản lạnh nhưng người tiêu dùng không bảo quản đúng, dẫn đến tình trạng còn hạn sử dụng nhưng sản phẩm bị biến chất có thể gây ngộ độc.

Mùa Tết, lễ hội ở miền Bắc thời tiết thường có mưa xuân, ẩm nên mặt hàng có dầu như hướng dương, hạt đậu phộng, hạt dẻ… dễ bị nấm mốc, có độc tố ảnh hưởng sức khỏe.

Trong khi đó, phía Nam vào dịp Tết nhiệt độ cao, thời tiết nóng dẫn đến các sản phẩm giàu đạm như thịt, cá… bảo quản không tốt dễ bị ôi thiu, mốc, hỏng…

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế: Đừng biến tủ lạnh thành kho dự trữ thực phẩm dịp Tết - Ảnh 2.

Người dân đừng biến tủ lạnh thành kho lưu trữ thực phẩm lâu dài.

Đặc biệt, chúng tôi khuyến cáo người dân đừng biến tủ lạnh thành kho lưu trữ thực phẩm lâu dài. Hiện nay thị trường rất đa dạng, phong phú vào ngày mùng 1, 2 Tết các cơ sở kinh doanh đã có thực phẩm tươi sống để bán nên không nhất thiết tích trữ thực phẩm.

Chúng ta xác định Tết Nguyên đán là thời điểm "chơi Tết", nghỉ xuân, không còn "ăn Tết" như thời bao cấp vì vậy cần tránh việc tích trữ quá nhiều thực phẩm, lưu ý hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, nhà sản xuất. 

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng khuyến cáo người dân về sử dụng rượu, bia ở mức cho phép để đón Tết đảm bảo sức khỏe, an toàn.

PV: Trân trọng cảm ơn Cục trưởng!

Sáng 17/1: Đẩy mạnh tiêm vaccine COVID-19 trước nguy cơ biến thể phụ XBB.1.5 có thể xâm nhậpSáng 17/1: Đẩy mạnh tiêm vaccine COVID-19 trước nguy cơ biến thể phụ XBB.1.5 có thể xâm nhập

SKĐS - Bộ Y tế cho biết hiện cả nước chỉ còn 3 bệnh nhân COVID-19 nặng; Tiếp tục đẩy mạnh tiêm vaccine COVID-19 trước nguy cơ biến thể phụ XBB.1.5 có thể xâm nhập, cần quan tâm nhóm người có nguy cơ cao, nhất là người cao tuổi, người có bệnh lý nền, người suy giảm miễn dịch,...trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi.

Thái Bình (thực hiện)
Ý kiến của bạn