Cục phòng, chống HIV/AIDS 10 năm xây dựng và trưởng thành

30-07-2015 23:40 | Thời sự
google news

SKĐS - Tính đến tháng 6 năm 2015, ở nước ta số người nhiễm HIV còn sống được báo cáo là 227.144 người, trong đó có 71.115 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS...

Tính đến tháng 6 năm 2015, ở nước ta số người nhiễm HIV còn sống được báo cáo là 227.144 người, trong đó có 71.115 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS, và 74.442 người tử vong do HIV/AIDS. Đại dịch HIV đã có mặt ở 100% số tỉnh, thành phố, 99% số quận, huyện và hơn 80% số xã, phường, thị trấn. Ước tính, hiện có khoảng 260 nghìn người nhiễm HIV đang sống trong cộng đồng.

Bước khởi đầu,...

Ngay từ khi dịch HIV/AIDS xảy ra, Chính phủ đã quan tâm hình thành bộ máy tổ chức phòng, chống HIV/AIDS. Đầu tiên là thành lập  Ủy ban phòng, chống các bệnh truyền nhiễm do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trực tiếp thực hiện. Sau đó là Ủy ban Quốc gia phòng, chống SIDA mà cơ quan thường trực là Vụ Vệ sinh phòng dịch của Bộ Y tế. Năm 1994, Ủy ban quốc gia được tách ra khỏi Bộ Y tế và chuyển thành “Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS” do Phó Thủ tướng Chính phủ làm chủ tịch và cơ quan thường trực là văn phòng Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS. Tại Bộ Y tế, ban Phòng, chống AIDS được thành lập để giúp Bộ trưởng quản lý, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phòng, chống AIDS thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của ngành.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đón tiếp ông Michel Sidibe - Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc, Giám đốc điều hành Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS năm 2014.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đón tiếp ông Michel Sidibe - Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc, Giám đốc điều hành Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS năm 2014.

Ngày 05 tháng 6 năm 2000, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 61/2000/QĐ-TTg thành lập “Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm” do Phó Thủ tướng Chính phủ làm chủ tịch. Bộ Y tế lúc này đảm nhiệm hai chức năng là Văn phòng thường trực Phòng, chống AIDS và ban Phòng, chống AIDS Bộ Y tế, đầu mối là Phòng Kiểm soát và Phòng chống HIV/AIDS thuộc Cục Y tế Dự phòng và Phòng chống HIV/AIDS với 09 cán bộ đảm nhiệm.

Tiếp đến, ngày 20/5/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 432/QĐ-TTg thành lập “Cục Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam” thuộc Bộ Y tế trên cơ sở tách ra từ Cục Y tế Dự phòng và Phòng, chống HIV/AIDS. Ngày 26/7/2005, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký Quyết định số 21/2005/QĐ-BYT về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Phòng, chống HIV/AIDS. Trên cơ sở đó, từ ngày 01/8/2005 Cục Phòng, chống HIV/AIDS chính thức bắt đầu hoạt động, tạo nên một bước ngoặt quan trọng trong công tác phòng chống HIV/AIDS ở nước ta và cũng là một minh chứng về sự cam kết mạnh mẽ chống đại dịch HIV/AIDS.

Kết quả của sự nỗ lực không ngừng

Mười năm qua đã ghi nhận sự trưởng thành và những đóng góp quan trọng của Cục trong công tác phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta, từ việc củng cố hệ thống tổ chức, hoàn thiện hành lang pháp lý đến việc triển khai rộng rãi các hoạt động chuyên môn, cũng như nghiên cứu khoa học, hợp tác và phát triển.

Các công tác được đặc biệt chú trọng trong phòng chống HIV/AIDS: truyền thông, tư vấn xét nghiệm, giám sát trọng điểm, can thiệp giảm tác hại, các hoạt động can thiệp, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Một dịch vụ can thiệp giảm tác hại được Cục rất quan tâm triển khai trong thời gian gần đây là điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone. Hiện có 47 tỉnh, thành phố đang triển khai, điều trị methadone cho hơn 33.000 bệnh nhân, mang lại hiệu quả về sức khỏe, dự phòng lây nhiễm HIV, cũng như những hiệu quả khác về kinh tế, góp phần ổn định trật tự, an ninh cho toàn xã hội.

Nếu năm 2004 chỉ có 500 người đã được điều trị bằng thuốc kháng virut ARV thì đến tháng 6/2015 đã có trên 96.000 người nhiễm HIV đang điều trị ARV. Công tác chăm sóc và điều trị HIV/AIDS đang được tích cực mở rộng, lồng ghép vào hệ thống y tế chung và phân tuyến về y tế cơ sở nhằm đảm bảo tính bền vững, tăng khả năng tiếp cận, giảm chi phí đi lại, tăng cường tuân thủ điều trị của người bệnh. Hiện nay, 50% số huyện đã có cơ sở điều trị HIV/AIDS và trên 500 trạm y tế xã đã cấp phát thuốc ARV cho người bệnh. Việt Nam là một trong các quốc gia đầu tiên trên thế giới thử nghiệm thành công Sáng kiến tiếp cận điều trị 2.0 nhằm đưa các dịch vụ xét nghiệm và điều trị ARV về các trạm y tế xã. Để mở rộng điều trị ARV, Việt Nam đã nâng ngưỡng điều trị ARV lên mức CD4<500 và điều trị ARV ngay sau khi phát hiện nhiễm HIV không phụ thuộc vào số lượng tế bào CD4 cho nhiều nhóm đối tượng nguy cơ cao.

Điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai tại tất cả các tỉnh, thành phố, làm giảm đáng kể tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con. Có khoảng 70% phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV. Xét nghiệm chẩn đoán sớm nhiễm HIV ở trẻ em đã được mở rộng. Thống kê năm 2014 cho thấy trong số trẻ được sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con thì 96,8% là không bị lây nhiễm HIV.

Công tác an toàn truyền máu dự phòng lây nhiễm HIV cũng được chú trọng, đảm bảo 100% số chai máu được sàng lọc trước khi truyền. Mỗi năm có hàng triệu đơn vị máu được sàng lọc và chưa để xảy ra trường hợp nào nhiễm HIV do truyền máu. Giám sát, theo dõi và điều trị sớm các bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng được triển khai một cách thường quy.

Suốt nhiều năm qua, Cục luôn chủ động, sáng tạo trong hợp tác với các tổ chức quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam tại các diễn đàn khu vực và quốc tế; tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, đặc biệt là lãnh đạo của các tổ chức quốc tế lớn trên thế giới để vận động chính sách, như: Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Giám đốc Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét, Đại sứ Kế hoạch khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về HIV/AIDS.

Trong những năm gần đây, khi nguồn tài trợ quốc tế cắt giảm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng đã chủ động tham mưu cho Bộ Y tế xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đảm bảo tài chính cho Chương trình phòng, chống HIV/AIDS với nhiều giải pháp như tăng đầu tư ngân sách từ trung ương, ngân sách địa phương, nguồn bảo hiểm y tế, nguồn xã hội hóa và tiếp tục vận động tài trợ từ các tổ chức quốc tế, đồng thời tăng cường sử dụng hiệu quả các nguồn tài chính.

Tuy vậy, công tác phòng, chống HIV/AIDS những năm tới còn rất nhiều thách thức. Trong thời gian tới, Cục Phòng, chống HIV/AIDS sẽ tiếp tục phát triển, vượt qua khó khăn, thách thức để vươn tới những mục tiêu mới cao hơn, hướng tới mục tiêu “Kết thúc đại dịch AIDS” ở Việt Nam trong tương lai không xa.

Ngày 31/7/2015, tại Hải Phòng, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ chức “Hội nghị tổng kết hoạt động phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2005-2015 và công bố Hướng dẫn điều trị, chăm sóc HIV/AIDS mới”. Tham dự, có GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, đại diện các Bộ ban ngành Trung ương, Ðại diện các Vụ, Cục, Bệnh viện (Bộ Y tế), đại diện Sở Y tế các tỉnh thành phố, đại diện Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS…

10 năm thành lập và phát  triển, với những nỗ lực không ngừng, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã được Ðảng, Nhà nước và Bộ Y tế ghi nhận với nhiều phần thưởng cao quý, như Cờ Thi đua của Thủ tướng Chính Phủ năm 2009, Huân chương Lao động Hạng nhất năm 2010, Cờ Thi đua của Bộ trưởng Bộ Y tế năm 2010 cùng nhiều phần thưởng khác của Bộ Y tế và các Bộ ngành liên quan. Nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành  lập, một lần nữa là Cục Phòng, chống HIV/AIDS được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng III.

Thành tích đã đạt được của Cục Phòng, chống HIV/AIDS trong suốt mười năm qua cũng là thành tích chung của đội ngũ những người làm công tác phòng, chống HIV/AIDS trong cả nước.

TS. Nguyễn Hoàng Long (Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS)

 

 


Ý kiến của bạn