Gia đình đưa bà Ân đến Khoa Cấp cứu, BVĐK Trung ương Quảng Nam. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán, theo dõi tai biến mạch máu não, được bác sĩ khám lâm sàng, xử lý cấp cứu và chụp CT-Scan sọ não, kết quả bệnh nhân có tắc động mạch máu lớn trong não.
Lập tức, người bệnh được hội chẩn liên khoa, gồm: Khoa Cấp cứu, Gây mê hồi sức, Đơn vị Đột quỵ, Đơn vị Can thiệp tim mạch với chẩn đoán là nhồi máu não cấp do tắc động mạch máu não.
Bệnh nhân được chuyển lên phòng chụp DSA để can thiệp cấp cứu. Ê kip bác sĩ của đơn vị Can thiệp tim mạch, Đơn vị Đột quỵ, Khoa Gây mê hồi sức, Khoa Hồi sức – tích cực chống độc thực hiện thủ thuật lấy huyết khối gây tắc động mạch não giữa bên trái với thời gian can thiệp khoảng 30 phút.
Ngay sau khi can thiệp, bệnh nhân có thể cử động được tay chân bị liệt trước đó, tri giác tỉnh hơn. Sau 1 ngày, bệnh nhân có thể đi lại được, thực hiện được các sinh hoạt hằng ngày và nói chuyện được với người nhà.
TS.BS. Phan Tấn Quang, Trưởng khoa Nội Tim mạch, BVĐK Trung ương Quảng Nam chia sẻ: Đột quỵ là tình trạng nguy hiểm, có thể để lại di chứng tàn tật nặng nề, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Thời gian từ khi xuất hiện các dấu hiệu đột quỵ đến khi bắt đầu được điều trị là cực kỳ quan trọng đối với người bệnh.
Bác sĩ Quang khuyến cáo, để điều trị đột quỵ hiệu quả, hạn chế di chứng và giảm thiểu chi phí, việc cấp cứu và xử trí đột quỵ trong "thời gian vàng" là yếu tố tiên quyết. Do đó, khi người bệnh có bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ đột quỵ như: cử động khó hoặc không thể cử động tay chân, tê liệt một bên cơ thể, khó nói, nói ngọng bất thường, đau đầu dữ dội, buồn nôn, hoa mắt, chóng mặt, mất thăng bằng đột ngột... nên đến ngay bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.