Bệnh nhân là một cụ ông gần 90 tuổi phát hiện có 1 khối ở bẹn cả chục năm, lúc to lúc nhỏ nên được người nhà đưa đến BV Đại học Y Hà Nội để khám. Sau khi thăm khám các bác sĩ phát hiện ra khối thoát vị to 3×5cm. Kiểm tra kỹ các bác sĩ thấy lọc sọc lẫn mềm nghi ngờ có thấy viên tròn tròn di động. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm đầy đủ các bác sĩ chỉ định phẫu thuật. Thật bất ngờ quá trình phẫu thuật lấy được sỏi trong 1 nang dịch của túi thoát vị bẹn.
Bs Liên cho biết, có rất nhiều loại sỏi và có thể tồn tại hình thành ở nhiều chỗ trong cơ thể chúng ta như: sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang niệu đạo ,đến sỏi túi mật, sỏi phân trong đường tiêu hóa ... Nhưng trường hợp bị sỏi trong bao thoát vị bẹn thì quả là hiếm gặp.
Hình ảnh phẫu thuật bệnh nhân bị sỏi trong túi thoát vị bẹn.
Ảnh: BS cung cấp.
BS Liên cho biết, thoát vị bẹn là khối phồng lên ở vùng bẹn, thường diễn ra từ từ, cảm giác đau, nặng và khó chịu ở vùng bẹn là dấu hiệu sớm nhất của bệnh. Dấu hiệu này ngày càng rõ, kèm theo việc xuất hiện một khối phồng ở vùng bẹn khi áp lực ổ bụng tăng như làm việc nặng, ho, rặn...Càng về sau khối thoát vị càng lớn và xuất hiện thường xuyên khi đứng, có thể biến mất khi nằm hoặc bệnh nhân tự đẩy khối thoát vị lên.
Nguyên nhân dẫn đến thoát vị bẹn, trong đó có nguyên nhân bẩm sinh và nguyên nhân mắc phải. Bệnh này thường xảy ra ở người làm các công việc nặng nhọc hoặc quá sức; các bệnh lý trong ổ bụng đưa đến thoát vị bẹn, mắc bệnh sau các phẫu thuật cắt ruột thừa, gãy xương chậu... Thoát vị bẹn được chia làm ba loại: thoát vị bẹn trực tiếp, gián tiếp và phối hợp. Tùy theo cơ sở điều trị, tình trạng bệnh nhân cũng như lứa tuổi mà các bác sĩ sẽ chọn phương pháp điều trị tối ưu.
Tại Việt nam chưa có thống kê cụ thể nhưng riêng mổ thoát vị bẹn trẻ em chiếm tới 21,5% trong phẫu thuật nhi khoa. Để chẩn đoán bệnh dựa chủ yếu bằng khám lâm sàng thấy có khối ở vùng bẹn bìu, có thể biến đổi kích thước, vị trí theo tư thế của bệnh nhân, biểu hiện lâm sàng có thể xuất hiện ngay sau sinh hoặc bất cứ thời điểm nào. Qua thăm khám lâm sàng có thể chẩn đoán tương đối chính xác các bệnh: Thoát vị bẹn, tràn dịch màng tinh hoàn, tinh hoàn di động, nang nước thừng tinh ở nam giới.
Thoát vị bẹn có thể xảy ra các biến chứng nghẽn, nghẹt, tắc ruột, hoại tử ruột... dẫn đến tử vong hoặc ảnh hưởng xấu đến kết quả điều trị. Nếu điều trị sớm, các biến chứng tái phát, teo tinh hoàn, sa tinh hoàn, tràn dịch màng tinh hoàn, rối loạn cảm giác vùng bìu có thể xảy ra nhưng tỉ lệ rất thấp.
Do vậy, Bs Liên khuyến cáo tốt nhất khi phát hiện bệnh lý thoát vị bẹn dù trẻ em hay người lớn nên gặp bác sĩ chuyên khoa để tư vấn và phẫu thuật vì bệnh này không tự khỏi được.