Tháng 4/1955, Bộ Y tế thành lập Ban Huấn luyện, là một trong 5 cơ quan thuộc Bộ lúc bấy giờ là tiền thân của Cục khoa học Công nghệ và Đào tạo ngày nay.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Geneva, hòa bình lập lại ở một nửa đất nước. Nhân dân ta lại tiếp tục đấu tranh để thống nhất non sông và miền Bắc trở thành hậu phương lớn. Lúc này, toàn miền Bắc chỉ có 100 bác sĩ, 200 y sĩ, cơ sở y tế xã huyện chưa hình thành, cán bộ y tế thiếu trầm trọng. Lúc đó, Bộ Y tế đã đề ra 5 phương châm, nguyên tắc chỉ đạo toàn ngành, nhấn mạnh đến y tế phục vụ sản xuất, quốc phòng, lấy phòng bệnh là chính, chữa bệnh toàn diện, kết hợp Đông Tây y, tuyên truyền giáo dục quần chúng. Vụ Huấn luyện khi đó đã được giao nhiệm vụ phát triển nhanh chóng nguồn nhân lực y tế phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng miền Bắc XHCN, bảo đảm công tác y tế tại chỗ, sẵn sàng chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc, cung cấp cán bộ cho chiến trường miền Nam, phát triển mạng lưới đào tạo cán bộ y tế.
Thời kỳ đổi mới do Đảng ta khởi xướng đã thổi luồng gió mới cho công tác đào tạo cán bộ y tế ở nước ta. Mạng lưới cơ sở đào tạo tăng lên nhanh chóng. Không những các trường công lập mà nhiều trường dân lập đào tạo các trình độ cũng ra đời, các loại hình đào tạo cũng được mở rộng vì đội ngũ cán bộ giảng dạy, bệnh viện thực hành, các công ty sản xuất đã được mở rộng hơn rất nhiều. Vụ Khoa học và Đào tạo đã nhận được nhiều hỗ trợ của quốc tế. Đây là thời kỳ nhiều mã ngành đào tạo mới được mở ra đáp ứng nhu cầu phát triển y học và y tế như vũ bão. Tuy nhiên, chúng ta chưa thực sự an tâm về chất lượng nhân lực y tế khi mà số lượng tuyển và sinh viên tốt nghiệp hàng năm gia tăng trong khi đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, cơ sở thực hành chưa tăng tương ứng. Đứng trước thách thức đó, Vụ Khoa học và Đào tạo đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc hướng dẫn các trường xây dựng hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục, tăng cường đào tạo liên tục và đào tạo theo êkíp, thực hiện đào tạo chuyển giao kỹ thuật cho các tuyến. Chính điều này đã góp phần quan trọng vào nhiệm vụ chung của ngành.
Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo thành lập năm 2012 từ Vụ Khoa học và Đào tạo, khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ đối với công tác đào tạo nhân lực y tế và nghiên cứu khoa học của ngành. Bộ Y tế đề ra 7 nhiệm vụ chiến lược phát triển ngành, trong đó xác định nhiệm vụ đào tạo nhân lực y tế, nghiên cứu khoa học trở thành then chốt và là động lực để ngành y tế vươn tới hội nhập.
Đến nay, cả nước có 28 cơ sở đào tạo nhân lực y tế trình độ đại học, gần 60 trường cao đẳng y tế (kể cả ngoài công lập), hàng năm đào tạo được gần 10 ngàn bác sĩ, 2 ngàn dược sĩ đại học. Đào tạo chuyên khoa đặc thù sau đại học được đẩy mạnh chưa từng có. Hiện cả nước có khoảng 69 ngàn bác sĩ, 19 ngàn dược sĩ và khoảng 8 ngàn cử nhân điều dưỡng. Có thể nói, thách thức lớn nhất là chất lượng nguồn nhân lực, phân bố nguồn nhân lực. Bộ Y tế đã ban hành Quy hoạch nhân lực y tế, Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, thực hiện Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị. Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo được giao là đầu mối giúp Bộ trưởng Bộ Y tế triển khai các kế hoạch này.
Tập thể lãnh đạo, cán bộ Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo - Bộ Y tế.
Triết lý quan trọng nhất của đổi mới ở đây là các ngành y khoa, điều dưỡng và một số ngành khác trong khối ngành sức khỏe sẽ thay đổi căn bản cách tiếp cận đào tạo, từ chỗ đào tạo theo khả năng có của nhà trường sang đào tạo theo năng lực mà thực tiễn cần, thay đổi theo thực tiễn và tính trách nhiệm cao của cơ sở đào tạo với xã hội. Mặt khác, hành nghề y cần sự phối hợp tập thể các chuyên ngành, cần làm việc theo nhóm chặt chẽ theo hướng hành nghề chuẩn, đạo đức nghề nghiệp hay y nghiệp không ngừng được nâng cao. Đào tạo chuyên khoa, chuyên khoa sâu ngành y tế (gọi là CK1, CK2) thực chất đã đi đúng tiến trình của thế giới và Cục đang nỗ lực tham mưu cho Bộ Y tế đề xuất với Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận bằng cấp và vị trí trong hệ thống giáo dục quốc dân đối với người dạy và vị trí hành nghề chuyên môn đối với người sau tốt nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc đào tạo chuyên khoa phải thực sự được nâng cao chất lượng và không hòa trộn với hệ đào tạo cho nghiên cứu hàn lâm là thạc sĩ và tiến sĩ. Một thuận lợi lớn là WB, ADB, JCA, QUT, WHO... đã cam kết các khoản ODA rất lớn và là cơ hội hiếm hoi cho cải cách giáo dục và đào tạo trong ngành y tế mà Bộ trưởng Bộ Y tế đã giao cho Cục Khoa học Công nghệ phối hợp với các cơ sở đào tạo, thực hành, các sở y tế các địa phương triển khai thời gian tới.
Có thể nói, công tác nghiên cứu khoa học y học ở nước ta đã đi vào những vấn đề thực tiễn và cấp bách của ngành và của xã hội. Trước hết là công tác vệ sinh phòng bệnh: nhiều công trình về hố xí 2 ngăn thích hợp cho từng vùng, ủ phân tại chỗ, xử lý nước thải đô thị, nước thải công nghiệp, vệ sinh thực phẩm, vệ sinh học đường. Phòng chống các bệnh tả, lỵ, thương hàn, viêm não, sốt xuất huyết... Sản xuất thành công vắc-xin Sabin, vắc-xin BCQ, vắc-xin dại, vắc-xin tả - thương hàn, sốt rét, các loại muỗi, phòng và chống sốt rét, khống chế được bệnh sốt rét. Về chữa bệnh: Đã có nhiều công trình nghiên cứu về tim mạch, gan, mật, dạ dày, nội tiết, huyết học, truyền máu, ngoại khoa, truyền nhiễm, tâm thần. Về Đông y: Đã sưu tầm, cải tiến và bổ sung nhiều phương thuốc có giá trị để chữa bệnh. Các kỹ thuật châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt được phát triển. Về dược: Nhiều công trình nghiên cứu, di thực nhiều cây thuốc từ phương Bắc: xuyên khung, bạch chỉ, ngưu tất, huyền sâm,... nghiên cứu hoạt chất của nhiều vị thuốc, chiết xuất Palmatin từ cây hoàng đằng, thuốc tiêu chảy. Các nghiên cứu dịch tễ học được thực hiện từ chỗ chỉ dừng lại ở việc mô tả những vấn đề sức khỏe cộng đồng đến chỗ đi sâu vào nguyên nhân bệnh tật của người Việt Nam, có biện pháp chủ động phòng bệnh và chữa bệnh tích cực khi bệnh xảy ra và đề xuất các chính sách.
Trong nhiều năm, Cục đã tham mưu cho Bộ chỉ đạo nhiều chương trình nghiên cứu về kháng sinh, nước khoáng, tinh dầu, bào chế thuốc, xây dựng Dược điển Việt Nam. Nhiều đơn vị nghiên cứu chuyên đề huyết học, tim mạch, lão khoa, phóng xạ. Đáng chú ý là hệ thống các viện nghiên cứu đã trưởng thành và phát triển, có chỗ đứng khoa học, xây dựng được cơ sở học thuật cho các chuyên ngành, phối hợp giữa viện nghiên cứu và bệnh viện, bệnh viện và cộng đồng như ra đời các Viện Pasteur Nha Trang, TP.HCM, Viện VSYTCC Hồ Chí Minh, VSDT Tây Nguyên, Viện Dinh dưỡng... Từ năm 1981, Vụ đã chỉ đạo các cơ sở nghiên cứu xây dựng các chương trình khoa học cấp Nhà nước theo kế hoạch 5 năm, cũng từ đó hình thành các đề tài nghiên cứu cấp cơ sở, cấp Bộ, cấp Nhà nước ở nhiều lĩnh vực, kể cả lĩnh vực y học cơ sở, sinh học phân tử, ghép tạng, tế bào gốc, vắc-xin và sinh phẩm, công nghệ gen, dinh dưỡng, dịch tễ...
Lĩnh vực dược đã phát triển ngoạn mục với nhiều doanh nghiệp, nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPs, ngành dược đã tiếp cận khá sớm với công nghệ tiên tiến và đã đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Các nghiên cứu về dược liệu đã được đặc biệt quan tâm và phát triển nhanh chóng.
Nói tới nghiên cứu khoa học không thể không đề cập tới nhân lực nghiên cứu. Hiện cả nước có trên 400 giáo sư, phó giáo sư, gần 700 nhà khoa học có trình độ tiến sĩ và số thạc sĩ gấp khoảng 6 lần số này. Số tiến sĩ dược khoa là 250 và gần gấp đôi số này là thạc sĩ dược khoa. Thời gian gần đây, nhất là 10 năm trở lại đây, nghiên cứu khoa học trong ngành y tế đã hình thành rõ rệt các lĩnh vực lớn và đi liền với đó là đội ngũ chuyên gia hàng đầu và đông đảo cho từng lĩnh vực lớn, mỗi lĩnh vực có các chuyên gia sâu hơn. 10 năm qua, ngành y tế triển khai thành công 49 đề tài cấp Nhà nước, nay gọi là cấp Quốc gia, 144 đề tài cấp Bộ, trong đó các đề tài do các bệnh viện, trường đại học và doanh nghiệp tăng lên đáng kể. 6 lĩnh vực nghiên cứu lớn bao gồm: y học dự phòng, y tế công cộng, vắc-xin và sinh phẩm; y học lâm sàng; dược học; y học cơ sở, cơ bản; trang thiết bị y tế và chính sách y tế. Các thành tựu về ghép tạng, can thiệp tim mạch, nội soi, hỗ trợ sinh sản đã làm nên danh tiếng và niềm tự hào của nền y học nước nhà, song song là chuyển giao công nghệ, giảm tải bệnh viện và thực hiện phân bố nhân lực có chất lượng cao.
Trong vòng 10 năm qua, Cục đã thiết lập được hệ thống thử nghiệm lâm sàng theo các tiêu chuẩn và hướng dẫn quốc tế, luật pháp hiện hành nhằm đảm bảo mục tiêu an toàn, sức khỏe của người dân Việt Nam. Ban đánh giá đạo đức trong nghiên cứu y sinh học của Bộ và các hội đồng đạo đức trong nghiên cứu cấp cơ sở, được triển khai từng bước hoạt động hiệu quả, đảm bảo quyền lợi của đối tượng nghiên cứu và tuân thủ các quy định quốc tế. Thử nghiệm lâm sàng ở Việt Nam được WHO đánh giá cao và đã góp phần trong việc được công nhận đạt chuẩn NRA của WHO, cho phép sản xuất, xuất khẩu vắc-xin.
Sinh thời, cố Giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng đã nói: “Mổ xẻ là kỹ thuật của y học, chẩn đoán là nghệ thuật của y học”. Câu nói đó ngày nay có thể suy rộng ra là kỹ thuật và công nghệ là phương tiện hoàn hảo của y học, còn chẩn đoán theo nghĩa rộng là nghiên cứu, tư duy khoa học là nghệ thuật vĩnh cửu của y học. Y học ngày nay là sự kết duyên giữa kỹ thuật, công nghệ và nghiên cứu khoa học y học, điều mà trên thực tế ở nước ta không phải lúc nào, không phải ai cũng có được mối duyên này. Nghiên cứu khoa học thúc đẩy và là bà đỡ cho công nghệ và kỹ thuật y học. Chúng ta tự hào có một số nhà khoa học xứng đáng đã điểm tô những nét son cho sự phát triển của y học nước nhà hướng tới hội nhập và nhân văn.
Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo - Bộ Y tế đã trải qua 60 năm thành lập và phát triển với nhiều lần đổi tên, thành lập, sáp nhập, đó là Vụ Huấn luyện (1955), Cục Đào tạo (1969), Vụ Quản lý Khoa học Kỹ thuật (1971), Vụ Đào tạo (1982), Vụ Khoa học và Đào tạo (1988), và Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo từ năm 2012 đến nay.
GS.TS. Nguyễn Công Khẩn (Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo - Bộ Y tế)