Vụ máy bay MH17 bị bắn hạ khiến cuộc khủng hoảng Ukraine trở nên kịch tính hơn bao giờ hết. Đặc biệt, sự kiện này đang tạo ra sự thay đổi cục diện chính trị trong ván cờ Ukraine. Tất cả phụ thuộc vào kết quả điều tra thảm kịch MH17.

Tuy nhiên, điều hết sức khó khăn là việc điều tra đang gặp nhiều khó khăn. Chính phủ Ukraine đã cáo buộc Nga hỗ trợ các phần tử ly khai ở miền Đông tiêu hủy bằng chứng tại hiện trường nơi chuyến bay MH17 của Malaysia gặp nạn. Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) thuộc Liên hợp quốc (LHQ) quy định trách nhiệm điều tra thuộc về Nhà nước nơi tai nạn hay vụ việc xảy ra. Nhưng gần như mọi cuộc điều tra tai nạn máy bay đều mang tính quốc tế do cần chuyên gia nước ngoài. Trong vụ MH17 lại còn có các ảnh hưởng chính trị quốc tế. Tình báo Mỹ nói hệ thống theo dõi của họ cho thấy khả năng tên lửa đất đối không đã bắn hạ máy bay, nhưng không rõ ai bắn. Hai phe trong xung đột Ukraine cùng quy tội cho nhau. An ninh Ukraine công bố các đoạn băng được cho là băng nghe lén đối thoại của một tay súng ly khai và một sĩ quan tình báo Nga. Trong băng, hai người có vẻ đề cập vụ bắn rơi máy bay dân sự chỉ vài phút sau khi MH17 rơi. Nhưng các băng này chưa được xác nhận. Phe nổi dậy vẫn nói họ không có thiết bị đủ sức bắn máy bay trên cao. Cựu Chủ tịch Cơ quan An toàn vận tải quốc gia Mỹ Debbie Hersman nói trong một, hai ngày đầu tiên, các điều tra cần tìm “bốn góc máy bay” - mũi, đuôi và hai cánh cũng như hộp ghi thông tin chuyến bay và băng ghi âm buồng lái phi công. Hộp ghi thông tin chuyến bay sẽ cho biết thời gian xảy ra tai nạn, độ cao, vị trí máy bay. Băng ghi trong buồng lái sẽ nói phi công biết gì trước khi máy bay rơi.
Theo giới phân tích, cuộc khủng hoảng Ukraine rẽ theo hướng nào phụ thuộc nhiều vào kết luận điều tra vụ bắn hạ máy bay, trong trường hợp đủ chứng cớ thuyết phục. Trường hợp kết luận điều tra cho thấy rõ chính quyền Ukraine có lỗi trong vụ tên lửa bắn máy bay dân sự khiến 298 người thuộc nhiều quốc gia trên khắp thế giới thiệt mạng. Mỹ và phương Tây sẽ phải lựa chọn giải pháp lên tiếng chỉ trích lên án, mạnh mẽ, thậm chí có thể yêu cầu trừng phạt ở cấp độ Hội đồng Bảo an LHQ đối với tân Chính phủ Ukraine. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Obama và phương Tây vẫn sẽ tiếp tục kêu gọi các bên thúc đẩy các nỗ lực đàm phán, yêu cầu Nga không can thiệp, ủng hộ phe li khai. Tuy nhiên, phản ứng và phương cách để hỗ trợ Ukraine sẽ yếu thế hơn so với trước đây. Nếu Nga hay các lực lượng li khai thân Nga có lỗi trong vụ tên lửa bắn máy bay MH17 thì kịch bản dễ xảy ra nhất là Tổng thống Obama sẽ phải gánh thêm nhiều sức ép đòi tăng cường các lệnh trừng phạt Nga.Về phía Tổng thống Nga Putin sẽ bị yếu thế và bị đặt vào thế phòng thủ, phải cân nhắc khả năng rút lui chiến lược... Tuy nhiên, có thể thấy dù điều gì xảy ra Nga cũng sẽ khó có thể bỏ rơi các lực lượng li khai ở miền Đông trong bối cảnh hiện nay.
Cuộc khủng hoảng Ukraine vốn đã là vấn đề của các cường quốc và của LHQ. Tuy nhiên, vụ tên lửa bắn hạ máy bay dân dụng có 298 người thuộc nhiều quốc tịch khác nhau cho thấy khủng hoảng đang lan nhanh ra toàn cầu. Các cường quốc châu Âu dường như đang hưởng ứng niềm tin của Mỹ rằng quân li khai thân Nga là thủ phạm bắn rơi máy bay số hiệu MH17. Điều đó có thể đẩy mạnh các đòn cấm vận thương mại lên Moscow mà không cần đợi bằng chứng cuối cùng.
(Theo AP, CNN)
Quỳnh Diệp
Con số mới nhất mà Malaysia Airlines công bố cho biết Boeing 777 lúc đó chở 189 người Hà Lan, 27 người Australia, 44 người Malaysia (trong đó có 15 phi hành đoàn) và 10 người Anh, cùng các quốc tịch khác. Trong số 298 người có mặt trên chuyến bay định mệnh ấy có đến 80 trẻ em, trong đó có 3 trẻ sơ sinh.
Một nguồn tin tình báo Mỹ nói rằng có thể lực lượng li khai tại miền Đông Ukraine đã bắn nhầm vào máy bay mang số hiệu MH17 của Malaysia Airlines vì lỗi radar.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon nói rằng đã sẵn sàng áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt mới với Nga sau vụ máy bay Malaysia rơi, đồng thời hối thúc Moskva “rút khỏi Ukraine”.