Lý giải về việc tuyến đường Vành đai 3 trên cao (đoạn từ cầu Thanh Trì đến cầu vượt Mai Dịch, Hà Nội) thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc và vi phạm giao thông, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT, Bộ Công an) cho rằng: "Khu vực này không có vị trí để lực lượng chức năng có thể đứng, lấp chốt và dừng xe kiểm soát hay xử lý các trường hợp vi phạm".
Cụ thể, việc bố trí lực lượng CSGT làm nhiệm vụ trên các tuyến cao tốc hiện nay còn mỏng, phương tiện thiết bị kỹ thuật hỗ trợ công tác còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa phát huy hết hiệu quả, chưa kết nối đồng bộ và khai thác tối đa hiệu quả hệ thống dữ liệu phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị phục vụ lực lượng CSGT làm nhiệm vụ còn hạn chế. Đa số các tuyến cao tốc không quy hoạch, bố trí địa điểm xây dựng trụ sở làm việc, nơi ăn, nghỉ cho lực lượng CSGT làm nhiệm vụ, chỉ bố trí trụ sở các đơn vị quản lý đường cao tốc vì vậy không đáp ứng được yêu cầu công tác của CSGT hiện nay.
"Bên cạnh đó, việc bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến đường nối vào các tuyến cao tốc chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục. Hệ thống camera giám sát giao thông còn ít, chưa được lắp đặt hệ thống camera xử phạt", đại diện Cục CSGT cho biết thêm.
Từ những lý do trên, Cục CSGT thừa nhận tại một số thời điểm vẫn để xảy ra các hành vi vi phạm như xe khách đón, trả khách không đúng nơi quy định, xe ô tô đi vào làn khẩn cấp, xe mô tô đi vào đường vành đai 3 trên cao, đi vào đường cao tốc; xe ôm dừng đón trả khách tại các điểm lên, xuống, ra, vào đường Vành đai 3 trên cao và các tuyến đường nối vào cao tốc khác…
Về việc điều động thêm nhân lực chốt chặn tại các tuyến cao tốc, nút giao thông quan trọng nhằm giảm ùn tắc, vi phạm giao thông, Cục CSGT khẳng định biên chế hiện nay của lực lượng CSGT làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông chỉ đáp ứng được một phần công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên các tuyến cao tốc.
Hà Nội hiện quy hoạch 7 tuyến đường Vành đai, trong đó 5 tuyến Vành đai chính (1, 2, 3, 4, 5) và 2 tuyến Vành đai hỗ trợ (2,5 và 3,5). Hiện nay mới chỉ có các tuyến đường Vành đai 1, 2, 3 là đã thành hình và được đưa vào khai thác, sử dụng. Các tuyến còn lại vẫn đang trong quá trình giải phóng mặt bằng để thi công, xây dựng.
Cụ thể, tuyến đường Vành đai 1 đi qua các cửa ô cũ của Hà Nội như Yên Phụ, Cầu Dền, Đông Mác, Kim Liên, Chợ Dừa, Cầu Giấy, Bưởi. Tiếp đó là tuyến Vành đai 2 được khởi công vào 2005 với tổng chiều dài 43,6km, mức đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng và chạy qua 8 quận, huyện.
Tuyến đường Vành đai 3 đặc biệt hơn khi là hệ thống cầu cạn có chiều dài khoảng 65km, kéo dài từ Đông Anh, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Thanh Trì, Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm và được thiết kế theo chuẩn cao tốc, phục vụ xe ô tô chạy tốc độ tối đa 90 km/h.
Xem thêm video được quan tâm:
Vụ băng cướp 'nhí' dùng dao phóng lợn cướp tài sản ở Hà Nội dưới góc nhìn pháp lý.