Cần nghiên cứu xén thêm vỉa hè để mở rộng lòng đường
Thông tin với đến phóng viên sáng 10/11, đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, cơ quan này vừa có văn bản đề nghị Công an TP Hà Nội phối hợp thực hiện một số giải pháp hạn chế ùn tắc tại khu vực đường Nguyễn Xiển - Vành đai 3.
Theo đó, Cục CSGT đề nghị Sở GTVT Hà Nội khi cấp phép thi công phải có thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, hạn chế khu vực đang thi công. Đơn vị này cho rằng, cần nghiên cứu xén thêm vỉa hè để mở rộng lòng đường đồng thời lực lượng chức năng cần thống nhất phương án đảm bảo giao thông trên đường Nguyễn Xiển.
"Việc mượn đất mở rộng bên phải tuyến có thể thực hiện. Nếu có vướng mắc hạ tầng kỹ thuật, có thể xem xét chỉ cho xe máy đi vào đường tạm này, như vậy sẽ thoát được lượng xe rất lớn", Cục CSGT đánh giá.
Ngoài ra, UBND quận Thanh Xuân, Hoàng Mai cần tăng cường bảo đảm trật tự lòng đường, vỉa hè, xử lý nghiêm tình trạng người dân bán hoa, cây cảnh, lấn chiếm vỉa hè... vi phạm trật tự đô thị trên tuyến đường Nguyễn Xiển, nhất là tại các khu vực rào chắn thi công, không để xảy ra tình trạng phương tiện dừng đỗ xe dưới lòng đường gây cản trở.
"Chủ đầu tư, nhà thầu cần thực hiện nghiêm theo quy định của Luật Giao thông đường bộ và đúng giấy phép thi công; bố trí báo hiệu, rào chắn cơ động, thi công đến đâu rào đến đó, khi thi công xong phải hoàn trả phần đường theo nguyên trạng ngay. Phương án thi công và thời gian thi công phải thích hợp với đặc điểm từng đường phố để không gây ùn tắc", Cục CSGT đề nghị.
Bên cạnh đó, tại khu vực giao thông phức tạp, lực lượng chức năng phải bố trí lực lượng cắm chốt, bảo đảm trật tự lòng đường, vỉa hè nhất là trong khung giờ cao điểm, huy động phương tiện cứu hộ kịp thời xử lý các tình huống, không để ùn tắc.
Hệ thống camera giám sát trên tuyến vành đai 3 cũng được đề nghị sớm được sửa chữa, vận hành để xử lý vi phạm, sớm phát hiện xe cộ gặp sự cố để kịp thời xử lý các vụ việc gây nguy cơ ùn tắc.
Tính thêm phương án để gia cố
GS.TS Hồ Anh Cương, giảng viên cao cấp tại Đại học GTVT cho biết, ông cũng là "nạn nhân" của tình trạng ùn tắc trên đường Nguyễn Xiển những ngày qua. Ông Cương cho rằng đây là hệ quả của tình trạng thiếu đồng bộ trong quản lý. Trên cùng một con đường, nhưng nhiều nhà quản lý các hợp phần khác nhau như Sở GTVT, Sở Xây dựng, Công ty Cấp thoát nước, công ty cây xanh, viễn thông… Điều này dẫn đến tình trạng phối hợp thiếu nhịp nhàng, thậm chí là "mạnh ai nấy làm" khi có công trình phát sinh.
Nêu cụ thể về việc rào đường Nguyễn Xiển gây ùn tắc, ông Cương đánh giá tại đây chủ đầu tư và đơn vị thi công chưa hoàn thành trách nhiệm. Nguyên tắc khi làm công trình là đánh giá tác động môi trường, đó không chỉ là môi trường vật lý như bụi, không khí, âm thanh… mà còn bao gồm môi trường xã hội với chủ thể là người dân.
"Đến nay, khi rào đường rồi, để người dân bức xúc thì các cơ quan quản lý mới loay hoay tìm giải pháp chữa cháy thì chưa làm tròn trách nhiệm", ông Cương nói.
Trước đề xuất mượn phần đất bên phải để mở rộng đường Nguyễn Xiển đoạn bị rào chắn, ông Cương cho rằng đây là điều bình thường trong thi công các công trình kết cấu hạ tầng giao thông và hoàn toàn có thể làm được. "Đây là giải pháp đầu tiên mà các đơn vị thi công phải nghĩ đến", vị chuyên gia nói thêm.
Về lý giải của Sở GTVT Hà Nội cho rằng việc này không khả thi bởi vướng công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, vị chuyên gia cho rằng thông thường, phía dưới tuyến đường là hệ thống cấp thoát nước, dây cáp điện, viễn thông… Tuy nhiên, theo tiêu chuẩn chuyên ngành về hạ tầng, chiều sâu của các công trình kỹ thuật phải phù hợp với việc tương lai có thể xuất hiện người hoặc phương tiện đi lại phía trên.
"Hạ tầng ngầm là có, nhưng để đến mức không thể làm được đường tạm thì cơ quan quản lý phải xem xét lại, không thể nêu lý do chung chung rồi bỏ mặc người dân chịu cảnh tắc đường", ông Cương nói và đề xuất trong trường hợp cơ quan chức năng lo ngại hệ thống này "không thể chịu tải phương tiện" thì cần tính thêm phương án để gia cố.
Hạn chế thi công vào ban ngày
Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam chia sẻ, người dân là trung tâm của mọi hoạt động và chính người dân chịu ảnh hưởng nhiều nhất của những việc sửa chữa này. Vì vậy, việc thi công phải được thông báo rộng rãi.
"Thi công ở những đô thị, đặc biệt là đô thị trọng điểm như Hà Nội với mật độ giao thông lớn, nên hạn chế làm vào ban ngày, tập trung vào ban đêm. Phải làm rất khẩn trương, huy động máy móc hiện đại, nhân lực lớn để rút ngắn thời gian", ông Tùng cho hay.