Cuba trải qua tháng 5 nóng nhất kể từ năm 1951

07-06-2024 11:33 | Quốc tế
google news

Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, ngày 6/6, Trung tâm Khí hậu của Viện Khí tượng Cuba cho biết tháng 5 vừa qua là tháng 5 nóng nhất tại nước này kể từ năm 1951, thời điểm bắt đầu lưu trữ hồ sơ khí tượng địa phương.

Cuba trải qua tháng 5 nóng nhất kể từ năm 1951- Ảnh 1.

Người dân tránh nóng tại La Habana, Cuba. Ảnh tư liệu: AFP/ TTXVN

Theo trung tâm này, báo cáo khí tượng cho thấy nhiệt độ trung bình tại Cuba đã 35 lần đạt mức cao chưa từng thấy trong tháng trước. Nhiệt độ trung bình của cả tháng 5 đạt 28,3 độ C, cao hơn 2 độ C so với mức trung bình trong lịch sử. Nhiệt độ trung bình cả nước cao nhất ghi nhận tháng trước là 33,4 độ C, trong khi nhiệt độ thấp nhất là 23,2 độ C.

Tại trạm khí tượng ở Santa Lucía, thuộc thành phố cực Tây Pinar del Río của Cuba, nhiệt độ đạt tới 38,8 độ C hôm 16/5. Ngày 17/5, nhiệt độ ghi nhận tại tỉnh miền Đông Holguín của nước này là 39,2 độ C và ở tỉnh miền Trung Villa Clara lên tới 39,1 độ C. Đặc biệt, ngày 14/5, nhiệt độ tại thị trấn Bolivia thuộc tỉnh miền Trung Ciego de Ávila chạm mốc 40 độ C.

Trung tâm trên cho rằng những mức nhiệt cao nêu trên là do điều kiện sinh khí hậu cực kỳ bất thường ở Cuba, gây ra cảm giác rất nóng vào buổi chiều trên phần lớn lãnh thổ của đảo quốc Caribe này. Lượng mưa tích lũy của Cuba cũng ở mức dưới trung bình, đặc biệt là ở các khu vực miền Tây và miền Trung.

Cũng theo Trung tâm Khí hậu của Viện Khí tượng Cuba, năm 2023 là năm nóng nhất ở nước này kể từ năm 1951, sau khi ghi nhận nhiệt độ cao hơn 1,38°C so với mức trung bình lịch sử. Trong năm ngoái, Cuba ghi nhận 91 lần nhiệt độ tăng cao kỷ lục và tháng 7/2023 là tháng nóng nhất trong giai đoạn 1951-2023 tại đảo quốc này.

Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Cuba (Citma) dự báo nhiệt độ trung bình hằng năm của nước này đến năm 2030 sẽ tăng trên 1 độ C và đến năm 2070 là 3,5 độ C do Trái Đất nóng lên và khủng hoảng khí hậu. Mức ước tính này vượt quá mức 1,5 độ C do cộng đồng quốc tế thiết lập để chống khủng hoảng khí hậu theo Hiệp định Paris về biến đối khí hậu như một giới hạn nhằm tránh những hậu quả thảm khốc nhất do biến đổi khí hậu gây ra đối với Trái Đất.


Mai Phương (TTXVN)
Ý kiến của bạn