Hà Nội

Cửa sổ văn hóa: Cuốn tiểu thuyết đầu tiên trên thế giới ra đời cách đây 1000 năm

19-12-2021 20:25 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Cho đến nay, rất nhiều tranh luận liên quan đến cuốn sách nào là tiểu thuyết đầu tiên trên thế giới. Phần đông ủng hộ ấn phẩm The Tale of Genji (Truyện kể Genji) của tác giả Murasaki Shikibu người Nhật viết hồi thế kỷ thứ 11.

Bác sĩ Lê Minh Khôi góp sức phòng, chống COVID-19 bằng... tản vănBác sĩ Lê Minh Khôi góp sức phòng, chống COVID-19 bằng... tản văn

SKĐS - Lợi nhuận từ tập tản văn 'Phía Tây thành phố' của BS. Lê Minh Khôi được dùng để ủng hộ cho Quỹ phòng, chống dịch COVID-19.

Truyện kể Genji 1

"Truyện kể Genji" (bản gốc) và tiểu thuyết dịch sang tiếng Anh.

Callirho hay Truyện kể Genji là tiểu thuyết đầu tiên ?

Theo trang tin Book Riot của Brazil, câu chuyện Hy Lạp tựa đề Callirho, được viết bởi Chariton ở Aphrodesius, mang phong cách tiểu thuyết hoàng gia, lãng mạn, xung đột, bạo lực và mang hơi hướng "phim truyền hình" ra đời thế kỷ thứ nhất sau công nguyên. Sách cũ đến nỗi nó được viết trên giấy cói, nhưng lại không được coi là cuốn tiểu thuyết đầu tiên trên thế giới.

Theo nữ giáo sư Harvard, Melissa McCormick người có nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực này, cuốn tiểu thuyết đầu tiên trên thế giới phải là câu chuyện kể về Nhật Bản thế kỷ 11, tựa đề "Truyện kể Genji" (The Tale of Genji) của Murasaki Shikibu. "The Tale of Genji" là một tác phẩm thực sự hấp dẫn và tiến bộ, thành công rộng rãi tại Nhật và có ý nghĩa lịch sử, giáo dục to lớn đằng sau sự ra đời của nó theo đúng nghĩa tiểu thuyết. Mặc dù giả thuyết này hiện vẫn đang tranh luận, song phần đông chấp nhận.

"Truyện kể Genji" nói về cái gì?

Theo Bách khoa toàn thư mở "Câu chuyện về Genji" hay "Truyện kể Genji" là thiên tiểu thuyết của nữ sĩ văn sĩ cung đình Nhật Bản mang biệt danh là Murasaki Shikibu (978-1016) sống dưới trướng của thứ phi Akiko trong cung Fujitsubo, thuộc triều đại Thiên hoàng Nhất Điều (986-1011), không rõ tên thật bà là gì và ngày tháng năm sinh chỉ là ước đoán. Truyện được sáng tác vào khoảng những năm 1010 thời đại Heian bằng chữ kana, thể loại monogatari (truyện) cổ điển đã có lịch sử phát triển từ 200 năm trước đó của Nhật Bản.

Chủ đề xoay quanh hình tượng nhân vật hoàng tử Genji trong phần chính và Kaoru, người con trai trên danh nghĩa của Genji cùng mối quan hệ của họ với những người phụ nữ. Tác phẩm gồm 54 chương, thuộc một trong những truyện rất lớn về dung lượng, nội dung phức tạp, gay cấn và rất quyến rũ. "Truyện kể Genji" trở thành một hiện tượng có một không hai đối với văn học nhân loại vào thời kỳ trung cổ tiền Phục Hưng, về mặt lịch sử truyện được đánh giá là tiểu thuyết theo chủ nghĩa hiện đại đầu tiên của nhân loại, sớm hơn rất nhiều so với sự ra đời của tiểu thuyết ở châu Âu như Đôn Kihôtê của Miguel de Cervantes thế kỷ 16.

Truyện kể Genji 2

Chủ đề "Truyện kể Genji"xoay quanh hình tượng nhân vật hoàng tử Genji

Mặc dù "Truyện kể Genji" bản cổ ra đời khoảng năm 1008-1010 đã mất nhưng hậu thế vẫn biết nhiều điều về ấn phẩm này. Theo nghiên cứu mới nhất từ giới học giả Nhật Bản thì "Truyện kể Genji" là công trình của một người duy nhất, Murasaki Shikibu, với sự thêm thắt ở 2 thế kỷ tiếp theo, nhưng không đủ tầm cỡ để làm thay đổi bản gốc. Ít ra cũng có chương 44, "Dòng sông trúc", được nhiều người cho là của một người khác và hai chương ngắn ngủi trước đó cũng đáng ngờ.

Tuy "Truyện kể Genji" được coi là một tác phẩm văn chương với đề tài và ngôn ngữ thuần Nhật ra đời trong thời đại đang không ngừng hướng tới những giá trị văn hóa truyền thống nhưng vẫn dẫn dụng tới 131 đoạn văn thư tịch Trung Quốc. Điều đó chứng tỏ, đương thời, Hán tịch vẫn phổ biến rộng rãi tại Nhật và trở thành điểm tựa không thể thiếu trong tư duy của người viết.

Thêm phát hiện mới về "Truyện kể Genji"

Trang tin Grunge (Mỹ) số đầu tháng 8-2021, trích lời Giáo sư McCormick ở Đại học Harvard nói với BBC, thành công của "Truyện kể Genji" mang tính rất độc đáo, chẳng hạn tác giả là một phụ nữ, sống trong một xã hội cực kỳ phong kiến và gia trưởng. Nơi đó, phụ nữ không chỉ bị coi thường chứ chưa nói gì đến tiếng nói của họ trong xã hội, nhưng tác giả đã dùng chính nghệ thuật đã chọn để thể hiện bản thân và thân phận của giới mình.

Sách hư cấu không phải là một thể loại được coi trọng ở Nhật Bản vào thế kỷ 11. "Murasaki Shikibu đã viết theo phong cách mà ở thời điểm của bà chưa từng biết đến. Bất chấp những rào cản, cuốn sách của Shikibu vẫn là một kiệt tác mang tính nghệ thuật cao", GS McCormick nhấn mạnh.

Truyện kể Genji 3

"Truyện kể Genji" giúp truyền bá văn hóa Nhật Bản sang Âu Mỹ.

Còn theo CNN, Murasaki Shikibu đã viết sách bằng hệ thống chữ kana, một hệ thống chữ viết phần lớn được phát triển dành cho phụ nữ. (Kana dịch là "bàn tay phụ nữ", trong khi chữ viết được chấp nhận bởi các tầng lớp thống trị dùng vào thời điểm đó có tên kanji, có nghĩa "bàn tay đàn ông"). Kana cho phép phụ nữ thể hiện cá tính, trí tuệ và tự do của họ và nó bị đàn ông coi thường. Những quan điểm phổ biến này không chỉ giúp "Truyện kể Genji" thành công vang dội ở Nhật, mà còn trở thành cuốn tiểu thuyết kinh điển quốc tế.

"Truyện kể Genji" tiếp tục truyền cảm hứng cho nghệ thuật và văn học Nhật Bản trong nhiều thế kỷ sau khi ra đời. Thậm chí còn được tìm thấy trong thể loại tiểu thuyết đồ họa nổi tiếng của Nhật Bản có tên manga. Tuy nhiên, phần còn lại của thế giới phải mất gần một nghìn năm nữa mới được "phủ sóng". Ấn bản tiếng Anh đầu tiên, do Arthur Waley dịch, được in năm 1925 và được đánh giá cao. Chính nó đã được nữ tiểu thuyết gia người Anh Virginia Woolf  giới thiệu với công chúng bằng những lời khen ngợi, tuy có nhuốm màu định kiến chủng tộc theo cách nghĩ ngày nay. Tuy làm cho tác phẩm trở nên kỳ lạ, nhưng Virginia Woolf không phải là nhà văn phương Tây duy nhất mắc lỗi vào thời điểm đó.

Lỗi chính của Woolf trong bài đánh giá về kiệt tác của Shikibu là do không đọc hết. Waley đã xuất bản bản dịch của mình trong sáu tập, nhưng Woolf chỉ đọc tập đầu khi viết bài phê bình cho tạp chí Vogue của Anh. Mặc dù Virginia Woolf say sưa nói về "Genji" và coi đó là một thành tựu cao ngất vượt xa những gì các nhà văn Anh đang làm trong thế kỷ 11, nhưng Virginia Woolf lại khẳng định nó không có "sức mạnh" như của tiểu thuyết gia người Nga Leo Tolstoy đương thời. Nhưng dù sao Virginia Woolf đã có công giúp cuốn tiểu thuyết có thêm giấy thông hành để gia nhập văn đàn quốc tế cổ điển.

"Truyện kể Genji" xứng danh đẳng cấp tiểu thuyết hiện đại

Như đánh giá của tờ The New Yorker "Truyện kể Genji" xứng danh đẳng cấp tiểu thuyết hiện đại. Đây là cuốn tiểu thuyết theo chân một nhân vật qua những năm tháng hình thành và phát triển tâm hồn của anh ta. Câu chuyện về tuổi trưởng thành của Genji cũng bao gồm các bài phê bình về xã hội và văn hóa tương tự như các tác phẩm kinh điển bằng tiếng Anh của các tác giả như George Eliot (bút danh của Mary Ann Evans), Henry James, Jane Austen và những người khác. Những đặc điểm này đã khiến "Genji" trở nên cực kỳ phổ biến đối với độc giả ở Nhật Bản thế kỷ 11 và cuối cùng là phần còn lại của thế giới.

Truyện kể Genji 4

Ông Motofuyu Okochi giới thiệu chương thất lạc của "Truyện kể Genji" vừa được tìm thấy.

"Lần đầu tiên, bạn đọc có những nhân vật thực nhảy khỏi trang sách đi vào đời thường. Đây là một kiểu viết mà độc giả có cảm giác họ đang ở trong suy nghĩ của nhân vật". Cũng phải nói thêm rằng, việc sử dụng một hình thức bản ngữ không được đánh giá cao để kể câu chuyện về sự phát triển của Genji cũng đặt cuốn sách vào trường hợp đặc biệt. Về cơ bản, trong khi nhiều độc giả người Anh coi những cuốn sách thế kỷ 18 như "Robinson Crusoe" (1719) của Daniel Defoe và "Những chuyến du hành của Gulliver" (1726) của Johnathan Swift là ứng viên cho cuốn tiểu thuyết đầu tiên trên thế giới, thì nó thực sự đã được hình thành dựa theo văn phong, cách viết có từ nhiều thế kỷ trước.

Chương thất lạc của "Truyện kể Genji" được tìm thấy trong thế kỷ 21

Theo tờ Asahi Shimbun của Nhật, bản thảo gốc của tiểu thuyết đã bị phân mảnh. Vào thập niên 1930, bốn chương đầu của nó được tìm thấy và được xác thực là của Fujiwara Teika. Chính phủ Nhật Bản chỉ định đây là tài sản văn hóa quan trọng của quốc gia. Nay, bản gốc chương 5 với nhan đề Wakamurasaki (Sắc tím thời trai trẻ), đã xuất hiện và được xác thực bởi các chuyên gia thuộc tổ chức bảo tồn di sản văn hóa Reizeike Shiguretei Bunko.

Năm 2019, CNN đưa tin, một chương bị thất lạc từ lâu của cuốn tiểu thuyết đầu tiên này đã được tìm thấy trong đồ đạc của một gia đình Nhật Bản có dòng dõi phong kiến của Nhật Bản. Bản sao có thêm chương được tìm thấy bởi ông Motofuyu Okochi, 72 tuổi và được một tổ chức bảo tồn văn hóa Nhật Bản chứng thực. Bản thảo được cho là bản phiên âm của "Genji" do nhà thơ Fujiwara no Teika (1162-1241) viết. Tổ tiên của Okochi đã nhận cuốn sách như một món quà vào năm 1743.

Các chuyên gia xác thực văn bản bằng cách phân tích chữ viết tay mà họ cho là khớp với các chương khác. Họ cũng phát hiện ra rằng màu của bìa sách giống với các văn bản đã được xác thực và một mảnh giấy nhỏ ghi nhận cuốn sách cũng khớp với các mảnh giấy tương tự từ văn bản gốc. Ngày nay, khi sách ra đời được hơn một thiên niên kỷ, "Truyện kể Genji" vẫn mang tính thời sự cùng những bí ẩn đi kèm, khiến hậu thế không khỏi ngỡ ngàng, thán phục, xứng danh là cuốn tiểu thuyết đầu tiên trên thế giới.

Không thể ra Hà Nội, Trần Mạnh Tuấn ‘đành ru lòng mình’ gửi  ‘Nỗi nhớ mùa đông’ tiễn biệt Phú Quang về nơi xa lắm! Không thể ra Hà Nội, Trần Mạnh Tuấn ‘đành ru lòng mình’ gửi ‘Nỗi nhớ mùa đông’ tiễn biệt Phú Quang về nơi xa lắm!

SKĐS - Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn cho biết, anh muốn đặt vé máy bay từ Sài Gòn, đi xe lăn ra Hà Nội để tiễn biệt người chú – nhạc sĩ Phú Quang, nhưng…


Khắc Nam
Theo Grunge
Ý kiến của bạn