Hà Nội

Cưa máy cắt gần đứt lìa cẳng tay cụ bà

10-10-2022 12:50 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Các y bác sĩ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) đã nối thành công cẳng tay gần đứt lìa cho người phụ nữ bị cưa máy gây thương tích.

Trước đó, bệnh nhân nữ là N.T.Q (69 tuổi) trú tại TX. Ba Đồn (Quảng Bình) được đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng sốc mất máu, cẳng tay phải bị đứt gần lìa.

Người nhà bệnh nhân cho biết, vết thương là do cưa máy gây nên khoảng 2 tiếng trước ki nhập viện.

Người phụ nữ bị cưa máy cắt gần đứt lìa cẳng tay - Ảnh 1.

Cẳng tay của bệnh nhân gần đứt lìa.

Bệnh nhân được hồi sức tích cực đồng thời vận chuyển khẩn trương lên phòng mổ. Các bác sĩ liên chuyên khoa Ngoại Lồng ngực Tim mạch – Gây mê hồi sức - Ngoại Chấn thương chỉnh hình vừa tiến hành truyền máu, hồi sức tích cực, vừa tiến hành mổ cấp cứu cho bệnh nhân.

Được biết, vết thương dập nát nhiều, kèm theo nhiều dị vật như đất, đá, mảnh gỗ, mùn cưa... Các bác sĩ đã tiến hành cắt lọc và làm sạch vết thương. Sau đó tiến hành khâu nối lại chi cho người bệnh.

Nhân viên y tế đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp nhằm giữ lại phần tay sắp đứt lìa cho người bệnh. Sau 6 tiếng phẫu thuật cấp cứu, bệnh nhân huyết động ổn định và cẳng tay được khâu nối thành công.

Hậu phẫu, người bệnh ổn định, được chuyển về khoa Ngoại Lồng ngực Tim mạch để tiếp tục điều trị. Công tác chăm sóc vết thương, các bác sĩ đã dùng liệu pháp chống đông máu để duy trì lưu thông mạch máu và sử dụng hệ thống hút áp lực âm liên tục (VAC) để điều trị khuyết hổng phần mềm còn lại vùng cẳng tay. Khi khuyết hổng phần mềm lên mô hạt tốt, các bác sĩ tiếp tục tiến hành phẫu thuật điều trị theo phương pháp căng giãn da.

Sau một tháng điều trị tại Khoa Ngoại Lồng ngực Tim mạch, vết thương đã được khâu kín lại hoàn toàn.

Hiện tại, cẳng tay bệnh nhân được cứu sống. Về mặt chức năng, tay bệnh nhân cảm nhận được cảm giác đau và nóng lạnh, có cử động được cổ bàn và các ngón tay. Các thao tác cũng như cảm giác sâu đang trong tiến trình phục hồi.

Bệnh nhân được tập phục hồi chức năng ngay sau mổ nối chi 1 tuần và tiếp tục trong quá trình điều trị cũng như sau khi ra viện.

BS. Phan Duy Đạt, Khoa Ngoại lồng ngực khuyến cáo tới người dân cần đảm bảo các thiêt bị đảm bảo an toàn khi lao động. Nếu xảy ra tai nạn cần ga rô vết thương tránh tình trạng mất máu quá nhiều.

Nếu bộ phận của cơ thể bị đứt rời do tai nạn cần bảo quản lạnh, nên cách ly bộ phận bằng túi bóng tránh tiếp xúc trực tiếp với đá lạnh. Và điều quan trọng nhất là sớm đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế phù hợp để tiến hành cấp cứu, điều trị.


Lê Huyền - Hùng Trần
Ý kiến của bạn