Một bài báo Pháp cuối năm 2009
Ngày 3/12/2009, vào Internet, tôi đọc được bài báo ngắn Lune Boutique trên tờ La Nouvelle République (Nền Cộng hoà mới) của Pháp. Bài báo viết:
“Lune, nụ cười trên môi, niềm nở đón các vị khách từ xa đến, những người muốn khám phá "đặc sản Việt Nam". Đây không phải là những món ăn lạ miệng, mà là "đặc sản" thủ công - mỹ nghệ của Việt Nam và cả vùng Đông-Nam Á. Hôm nay là một ngày trọng đại đối với Lune, bởi vì, hai năm qua cửa hàng của chị lặng lẽ tồn tại trong một thị tứ nhỏ như Chézelles thì, giờ đây, vị nữ giám đốc trẻ đã có thể "gặp" khách hàng toàn nước Pháp và cả thế giới, qua địa chỉ mạng của mình trên internet. Chị muốn các vị khách góp ý cho trang mạng của chị... Và các vị khách cuối cùng đều thấy rõ vì sao cửa hàng trên đường D'Argy hẻo lánh này lại hấp dẫn đến thế. Bởi vì, đến đây, khách có thể thưởng ngoạn nhiều tác phẩm nghệ thuật đích thực cũng như tìm mua nhiều mặt hàng thủ công - mỹ nghệ thường dùng, được lựa chọn kỹ qua những lần chị về Việt Nam. Chị đã chuẩn bị trang mạng này suốt hai năm qua, không mệt mỏi, đầy say mê.
Bài báo in kèm bức ảnh Lune ngồi bên máy tính, mở trang mạng của cửa hàng mình và giới thiệu với khách đến thăm: www.luneboutique.com
Du khách đến với Vầng Trăng. |
Lune là ai? Lune Boutique là gì?
Chị họ Trần, tên Thuý Nga, có nghĩa là "vầng trăng biếc". Lấy chồng Pháp, theo tục lệ bên Tây, chị phải mang họ chồng: Thuy Nga Feintrenie. Tuy nhiên, cái tên Thuy Nga (không dấu) trong tiếng Pháp chẳng gợi lên điều gì! Thế là chị đề nghị toà thị chính cho chị mang tên Pháp là Lune (Vầng Trăng): Lune Feintrenie. Chị biết từ Lune khá gợi cảm, nhất là khi chị có khuôn mặt trắng trẻo, tròn vành vạnh, hợp với cái tên Vầng Trăng.
Điều làm cho Vầng Trăng nổi tiếng ở cả vùng Chézelles, Châteauroux là: Suốt mấy chục năm qua, chị đã dày công sưu tập, rồi mở tại nhà riêng một phòng trưng bày, quy mô vừa phải, mang tên: Việt Nam và phương Đông trong lòng nước Pháp. Tại đây, ta có thể thấy nhiều bức tranh nguyên tác - chứ không phải sao chép lại - của nhiều hoạ sĩ, cựu sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương (1925-1945): Nguyễn Gia Trí, Lê Phổ, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Tạ Tỵ, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên,... Ngay ở nước ta - theo tôi nghĩ - cũng không dễ có được một bộ sưu tập "sang" như thế về hội hoạ Việt Nam đương đại!
Riêng tranh Tạ Tỵ, chị sở hữu 120 bức. Tạ Tỵ sinh năm 1920 tại Hà Nội, học Trường Mỹ thuật Đông Dương. Năm 1943, bức Mặt trời mùa hạ của ông đoạt giải thưởng của Salon unique ở Hà Nội (một phòng tranh có uy tín rất cao vào thời ấy). Tranh Tạ Tỵ được bày tại nhiều triển lãm hội hoạ ở Tokyo, San Francisco, New York,...
Chị còn có bộ sưu tập đồ gốm Lý - Trần. Và, đầy đủ hơn là bộ đồ sứ nội cung do triều Nguyễn đặt các "lò quan" bên Trung Hoa chế tác, được người "chơi cổ ngoạn" gọi là "đồ sứ men lam xứ Huế" (bleu de Hué) trong đó có cả chiếc đĩa sứ in hai câu thơ Nôm do cụ Nguyễn Du sáng tác khi cụ đi sứ Trung Hoa ghé qua lò gốm này:
Nghêu ngao vui thú sơn hà
Mai là bạn cũ, hạc là người thân.
Còn có thể kể thêm mấy bộ sưu tập cổ vật Trung Hoa, Nhật Bản, Campuchia tuy chưa thật phong phú... Chẳng hạn, bộ bình sứ, đĩa sứ Giang Tây đời Khang Hy, Ung Chính, tượng ngọc Lam Điền đời Càn Long...
Vẫn biết Lam Điền là tên một ngọn núi có chứa ngọc quý bên tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Nhưng, phải đến mùa hè 2009 vừa rồi, được tận mắt trông thấy bức tượng bằng ngọc Lam Điền tạo tác vào đời Càn Long, tại nhà chị "Vầng Trăng" ở xứ Chezelles xa lắc, tôi mới được tỏ tường vẻ đẹp cao sang của loại "bảo ngọc" huyền thoại ấy!
Đây rồi, bộ netsuke, loại tượng nhỏ rất tinh xảo tạo tác bằng ngà voi hay gỗ quý, dùng làm nút áo mà các đại thần Nhật Bản vẫn đeo trước ngực đời Minh Trị thiên hoàng, gợi nhớ cả một thời nước Nhật duy tân...
Chính ông thị trưởng Chézelles cùng nhiều bạn Pháp đã tươi cười đội nón bài thơ xứ Huế nan tre, chóp nhọn, đến dự lễ cắt băng khánh thành phòng trưng bày Văn hoá Việt Nam và phương Đông trong lòng nước Pháp tại nhà riêng của vợ chồng chị Thuý Nga.
Là môn đồ sùng đồ cổ chị Thuý Nga thích "chơi sang", không bõ công tìm kiếm mấy bức tranh "hàng chợ", hay những thứ cổ vật "tầm tầm". Vài ba xa-lông nghệ thuật, tạp chí chuyên khảo đồ cổ và khá nhiều tờ báo Pháp giới thiệu các cổ vật do chị sưu tầm.
Lune Boutique trong tiếng Pháp có nghĩa là Cửa hàng Vầng Trăng. Bất cứ ai ở nơi đâu trên thế giới giờ đây cũng có thể gõ địa chỉ www.luneboutique.com trên internet để xem và, nếu muốn, thì mua qua mạng các sản phẩm của cửa hàng này.
Một góc phòng trưng bày Vầng Trăng. |
Nữ chủ tịch danh dự Hiệp hội Hoa sen
Vầng Trăng làm tất cả những công việc nhọc nhằn, tỉ mỉ và rất tốn kém kia nhằm mục đích gì?
Để "hốt bạc" cho riêng mình chăng?
Tất nhiên, chị được hưởng một khoản hoa hồng nho nhỏ cho công sức bỏ ra. Nhưng, số tiền chị thu được trước tiên là để giúp trẻ em nhiễm độc da cam. Năm 2006, Tổ chức Cựu binh Pháp đã góp tiền xây dựng Làng hữu nghị Vân Canh ở huyện Hoài Đức (nay thuộc Hà Nội) nuôi dưỡng và dạy nghề cho 120 trẻ em nhiễm độc da cam.
Để gây quỹ cho Tổ chức Cựu binh Pháp, Hiệp hội Hoa Sen (Association Fleur de Lotus) được thành lập. Năm 2007, chị được bầu làm "nữ chủ tịch danh dự" (la presidente d'honneur) của hiệp hội này.
Phòng trưng bày Văn hoá và nghệ thuật phương Đông trong lòng nước Pháp nhằm quảng bá cho văn hoá Việt Nam. Mặt hàng chị chào bán với khách đến xem là hàng thủ công - mỹ nghệ (với giá phải chăng, mỗi chiếc từ 5 đến 40 euro) và mấy thứ đồ ăn, thức uống Việt Nam dễ làm.
Ông Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã có lần đến tận Châteauroux, gặp vợ chồng chị Thuý Nga để cảm ơn.
- Trong ngày hội hái hoa huệ chuông, cháu tôi bán được 400 cái nem rán, do chính cháu làm ra, thu lợi 120 euro - chị Thuý Nga kể. Chỉ cần 1 euro là đã có thể nuôi sống một em nhỏ nhiễm độc da cam trong một ngày. Ở Làng Hữu nghị Vân Canh có hàng trăm em nhỏ khổ đau khôn xiết! Trông thấy các em dị dạng, nước mắt tôi cứ trào ra...
HÀM CHÂU