Chỉ cần điểm ra một số công trình gây lãng phí lớn như cảng Cửa Việt, Quảng Trị: Cuối năm 2009, dự án xây kè chắn cát, nạo vét luồng cảng Cửa Việt tỉnh Quảng Trị được triển khai với mục đích tạo luồng sâu cho tàu hàng lớn có thể ra vào thuận tiện. Tuy nhiên, đã quá thời hạn 2 năm mà dự án trăm tỷ này vẫn chưa hoàn thành.Tình cảnh oái oăm này khiến cảng Cửa Việt đang đứng trước nguy cơ bị bồi lấp và đóng cửa. Cùng chung tình trạng đói hàng, đói tàu, thu ít, chi nhiều như cảng Cửa Việt còn có các cảng khác như cảng Cửa Lò (Nghệ An), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Hòn La (Quảng Bình), Cửa Chân Mây (Thừa Thiên Huế)…, trong 6 tháng đầu năm 2012, tổng số lượt tàu ra vào các cảng này chỉ tròm trèm hơn 2.500 lượt. Đổi lại, mỗi năm Nhà nước phải bỏ ra vài chục tỷ đồng để nạo vét luồng lạch, xây dựng đê kè, phao tiêu, biển báo… Hay là những vết trượt của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), những kết luận mới của Thanh tra Chính phủ cho thấy, các tồn tại cũ như mua tàu cũ, nhiều tàu cũ tới mức không thể đăng kiểm được ở Việt Nam, phải treo cờ nước ngoài và việc đầu tư dàn trải... làm Tổng công ty lỗ tới hàng nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó là thực trạng nhiều khu công nghiệp trên cả nước bị bỏ hoang, các dự án giao thông nhiều tỷ đồng nhưng không hiệu quả… Đó chỉ là một số trong hàng trăm dự án gây lãng phí trong đời sống hiện nay.
Tại Phiên họp thứ 11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây đã cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2012 và việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII. Đáng lưu ý, lãng phí, thất thoát trong đầu tư công năm 2012 vẫn là vấn đề nổi lên được dư luận xã hội quan tâm. Cụ thể, lãng phí lớn do chất lượng xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội một số ngành, vùng còn hạn chế, nhiều công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước gây lãng phí phần lớn do quy hoạch thiếu tính chiến lược (nhu cầu đến đâu phát triển đến đó); chưa đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội với quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất...
Bên cạnh đó, tình trạng phê duyệt, quyết định nhiều dự án đầu tư không tính đến khả năng cân đối về nguồn vốn dẫn đến tình trạng đầu tư bị phân tán, dàn trải, nhiều dự án, công trình thi công kéo dài, gây lãng phí nguồn lực. Cùng với đó là do thực hiện tái cơ cấu đầu tư công theo hướng cắt giảm nên nhiều dự án, công trình phải giãn, hoãn, ngừng thi công do quyết định đầu tư dàn trải trong những năm trước cũng gây nên tình trạng công trình dở dang nhiều, nợ khối lượng xây dựng cơ bản cao và lãng phí lớn.
Đặc biệt, lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai còn lãng phí, nhiều hạn chế, bất cập chưa được xử lý kịp thời làm phát sinh những vấn đề phức tạp trong xã hội. Cụ thể, trong 2 năm 2011, 2012 đã thu hồi đất của 792 tổ chức với diện tích 12.550,4ha; đang lập hồ sơ thu hồi đất của 163 tổ chức với diện tích 1.502ha; chưa xử lý 3.738 tổ chức với diện tích 60.073ha. Riêng 6 tháng đầu năm 2012, hệ thống Thanh tra Nhà nước đã phát hiện và kiến nghị xử lý thu hồi 1.610ha đất do quản lý, sử dụng không đúng quy định.
Về sử dụng vốn và tài sản tại các doanh nghiệp Nhà nước, hiệu quả kinh doanh của khối doanh nghiệp Nhà nước thấp, chưa tương xứng với lợi thế của loại hình doanh nghiệp này, chưa đảm bảo vị trí, vai trò trong nền kinh tế. Nhiều tập đoàn, tổng công ty sản xuất kinh doanh thua lỗ (như Tập đoàn Xăng dầu, Tập đoàn Điện lực...).
Lãng phí tồn tại trong xã hội hiện nay đang là căn bệnh nguy hiểm. Đó còn là sự xuống cấp về đạo đức của những người có trách nhiệm trong việc sử dụng những đồng tiền của Nhà nước, của nhân dân; nó kéo chậm sự phát triển, gây nhiều hậu quả xấu cho xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân.
Trọng Hoàng