Do hiện tượng cát bồi lấp, vào lúc triều xuống, ở vùng giữa cửa biển lộ rõ bãi cát. Nhiều tàu thuyền đánh cá của bà con ngư dân rất vất vả trong việc đưa thuyền ra khơi và vào âu thuyền. Tại đây, nhiều tàu cá, tàu vận chuyển hàng hóa bị mắc cạn gây thiệt hại nặng về phương tiện, tài sản và đe dọa tính mạng của ngư dân.
Để đảm bảo an toàn cho tàu thuyền lúc mưa bão, nhiều ngư dân Cửa Tùng đã phải đưa tàu vào tận âu thuyền Cửa Việt, cách đó gần 15 cây số.
Anh Phan Thanh Đạo, ở thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh cho biết, anh vừa đầu tư đóng mới tàu vỏ gỗ công suất 713 CV hạ thủy vào giữa tháng 4 năm nay với chi phí gần 11 tỷ đồng. Tình trạng cửa sông bị bồi lấp, tàu của anh rất khó khăn khi vào cảng Cửa Tùng để bán cá, càng không dám đưa vào âu thuyền để neo đậu. Muốn vào cảng phải đợi nước lên, chỉ sơ suất một chút là tàu sẽ mắc cạn hoặc bị lật.
Ngư dân Phan Thanh Đạo lo lắng: “Người ta đã cấu tạo lại cảng cá, làm lại bờ kè, làm âu tàu nhưng làm kiểu này không khả thi được. Thuyền nhỏ chở được 5- 6 tấn cũng không vào được âu tàu, còn các tàu lớn vào tránh trú bão càng không được. Giờ chỗ neo đậu rất khó khăn”.
Hiện tại, khu quay tàu của cảng cá Cửa Tùng lúc nước triều lên cao nhất thì mớn nước chỉ đạt 60 cm, khi triều xuống chỉ khoảng 20 cm. Ngư dân khi đánh bắt trên biển về hoặc ra khơi đánh bắt phải chờ ít nhất 6 tiếng đồng hồ, đợi thủy triều lên cao nhất mới có thể vào hoặc ra khỏi cảng cá được, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sản phẩm.
Ông Lê Văn Điền, trú tại thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh than phiền: “Tình hình âu thuyền Cửa Tùng ngày càng bị bồi lấp. Tàu nhỏ cũng không đi được cho nên mỗi lần vô khó khăn, nhất là lúc bão hoặc gió mùa. Nếu vào, chìm tàu hoặc bể máy, mấy biết bao nhiêu chiếc ở đây rồi. Cho nên đề nghị xem xét mở rộng chiều sâu đáy sông để ra vào thoải mái”.
Trước thực trạng này, các ngành chức năng tỉnh Quảng Trị đã có phương án nạo vét cửa biển. Ông Nguyễn Hoài Nam, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện tại tổng mức đầu tư cho việc xây dựng âu neo đậu tàu thuyền, đê chắn cát, nạo vét luồng lạch, cửa biển, duy tu bảo dưỡng cảng cá theo phê duyệt khoảng 60 tỷ đồng và dự kiến đến năm 2017 mới hoàn thành.
“Đối với Cửa Tùng, lần nạo vét gần đây nhất cũng gần 5 năm cho nên việc bồi đắp hiện tại đã xảy ra. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất UBND tỉnh và cũng đã thống nhất cho việc nạo vét khẩn cấp các luồng lạch vào Cửa Tùng. Hiện đã hoàn thành các hồ sơ trình các sở ban ngành để bố trí vốn để triển khai gấp” - ông Hoài Nam cho biết.