2 năm trở lại đây, cửa biển Cửa Tùng thuộc huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) liên tục bị bồi lấp, đặc biệt vào những lúc thủy triều xuống, mực nước biển chỉ hơn 0,5m. Thực tế này khiến tàu thuyền của ngư dân gặp khó khăn mỗi lần ra khơi đánh bắt.
Theo người dân địa phương, do tình trang bồi lấp, từ đầu năm đến nay, nhiều tàu cá mắc cạn, hư hỏng các bộ phận, đặc biệt chân vịt khi vào cửa biển Cửa Tùng.
Cụ thể, tháng 1/2024, tàu cá số hiệu BTH 99231.TS do ông N.T.H. (trú tỉnh Bình Thuận) làm thuyền trưởng khi di chuyển vào neo đậu tránh trú bão bị mắc cạn tại cửa lạch Cửa Tùng.
Do sóng lớn, vùng nước nơi tàu cá trị giá 1,6 tỉ đồng bị nạn rất cạn, nên công tác ứng cứu gặp khó khăn. Sau đó, tàu bị sóng đánh vỡ cabin, chìm dần. Một phần xác tàu hiện vẫn nằm lại cửa biển do nước cạn nên không thể trục vớt hết để sửa chữa,.
Ông Phan Thành An (trú tại khu phố An Đức 1, thị trấn Cửa Tùng) cho biết, việc cửa biển bị bồi lấp liên tục trong thời gian qua, ngày càng nghiêm trọng hơn.
"Chúng tôi làm nghề này dù quen thuộc với luồng lạch, thủy triều nhưng mỗi chuyến vươn khơi, khi đưa tàu ra cũng rất e ngại vì dễ bị mắc cạn, dẫn đến thiệt đơn, thiệt kép", ông An nói.
Theo ông An, mỗi chân vịt của tàu cá công suất bình thường có giá thành trên dưới 10 triệu đồng. Do đó, khi tàu bị va đập rất dễ làm hỏng bộ phận này. Khi đó, ngoài mất tiền sửa chữa, ngư dân phải ở nhà một khoảng thời gian gây ảnh hưởng đến thu nhập.
Trong khi đó, ông Lê Văn Thông (trú tại khu phố An Đức 1, thị trấn Cửa Tùng) cho rằng, thực trạng bồi lấp cửa biển gây khó cho việc vươn khơi, đưa tàu thuyền cập bờ. Đặc biệt những tàu thuyền từ địa phương khác vào cảng để bán cá, tránh trú mưa bão.
"Trước thực trạng bồi lấp xảy ra nghiêm trọng như hiện nay, chúng tôi mong mong muốn cơ quan chức năng có phương án tiến hành nạo vét luồng lạch thường xuyên cũng như có giải pháp lâu dài", ông Thông nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh thừa nhận, tình trạng bồi lấp cửa biển Cửa Tùng năm nào cũng xảy ra, gây khó cho người dân ra khơi đánh bắt thủy hải sản cũng như đưa tàu thuyền vào khu vực cảng cá.
"Năm 2023, nhiều người dân có tàu thuyền bị mắc cạn kiến nghị khẩn cấp tới cơ quan chức năng. UBND huyện kiến nghị nhiều lần lên cấp trên nhưng vẫn chưa có phương án cụ thể. Năm qua, chưa giải quyết được, năm nay lại tiếp tục xảy ra, người dân lại tiếp tục kiến nghị khẩn cấp", ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, có đơn vị về khảo sát thực tế nhưng sau đó cảm thấy không đủ năng lực nên rời đi. Trong khi đó, một doanh nghiệp khác đề nghị thực hiện theo hình thức xã hội hóa bằng việc tiến hành nạo vét luồng lạch để tàu thuyền ra vào, còn cát đem đi tiêu thụ và nộp ngân sách. Tuy nhiên phương án này vẫn chưa được cơ quan liên quan thống nhất, cho phép.
Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh cho rằng, nếu như đường bộ khi bị sạt lở sẽ khẩn cấp khắc phục để phương tiện, người dân lưu thông thì ở đây đường biển, việc nạo vét cũng cấp thiết để tàu thuyền ra vào.
"UBND huyện mong muốn có một phương án cụ thể, lâu dài để giải quyết tình trạng này. Trong khi chờ đợi, trước mắt có thể tiến hành nạo vét sau đó hoàn thành các phương án, thủ tục sau", ông Nguyễn Anh Tuấn nói.
Liên quan vấn đề này, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị vừa chỉ đạo Sở Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát, nghiên cứu, lập phương án đề xuất UBND tỉnh này xem xét.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bản tin dự báo thời tiết mới nhất hôm nay ngày 22/5.