Bà Lê, 68 tuổi, gần đây cứ bị ợ hơi, ợ chua, thỉnh thoảng cái bụng lại cồn cào mặc dù bà vừa ăn no xong, khiến bà rất khó chịu. Bà được người nhà tặng cho mấy cân trà dây mang tận Tam Đảo về và dặn thêm: Trà dây rất tốt cho những người có bệnh lý về dạ dày - tá tràng, nhiều người uống vào thấy đỡ hẳn, thậm chí khỏi bệnh. Nghe vậy, bà Lê rất yên tâm và uống lấy uống để trong ngày. Bà mới uống được một tuần thì thấy da, mắt cứ vàng đi, người mệt mỏi. Hoảng quá, các con liền đưa bà đến bệnh viện. Ở đây, sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ chẩn đoán bà bị ngộ độc. Các bác sĩ còn giải thích thêm với bà là các loại thuốc Đông y, các loại thảo dược không thể dùng bừa bãi, dùng nhiều với liều lượng quá lớn sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí có nhiều trường hợp đã tử vong do uống trà dây. Các loại thuốc Nam trôi nổi trên thị trường, theo lời mách bảo, chất lượng không đảm bảo. Người tiêu dùng nếu không cảnh giác có khi uống phải loại thuốc có chất độc dẫn đến ngộ độc mà không hay biết. Có nhiều trường hợp ngộ độc thảo dược trầm trọng, dẫn đến tình trạng tan máu dữ dội, rối loạn chức năng gan..., có thể dẫn tới tử vong.
Các bác sĩ còn dặn bà cần hết sức thận trọng với các loại thảo dược, nhất là những loại không nhãn mác, mua theo lời đồn thổi, mách bảo của người khác... Chè dây cả trong Đông y và Tây y đều có nhiều công trình nghiên cứu khẳng định công dụng của nó với các bệnh lý dạ dày - tá tràng. Tuy nhiên, cũng như thuốc tây, việc sử dụng thuốc Đông y phải có liều lượng và chỉ định. Trong khi đó, người dân luôn quan niệm Đông y là thuốc không có độc tính nên sử dụng không cần quan tâm đến liều lượng, sử dụng bừa bãi rất nguy hiểm. Đặc biệt, thuốc Đông y còn phải phù hợp với từng người, không thể tùy tiện uống thoải mái vì có thể gây hại cho những cơ địa mẫn cảm.
Sau khi nghe các bác sĩ giải thích, bà Lê bị một phen hú vía, từ nay bà chẳng còn dùng bừa các loại thảo dược nữa.
Hải Long