Cử tri bức xúc về sử dụng hóa chất độc hại trong thực phẩm

26-03-2016 09:20 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngay trước Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.794 ý kiến...

Ngay trước Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.794 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội, trong đó có 694 ý kiến, kiến nghị của cử tri được phản ánh qua Đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 3.100 ý kiến, kiến nghị của nhân dân qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.

Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trước Quốc hội sáng 21/3, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, cử tri và nhân dân tiếp tục phản ánh tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và tiêu dùng; lo lắng, bức xúc về việc sử dụng hóa chất độc hại trong bảo quản, chế biến thực phẩm; việc sử dụng chất cấm trong sản xuất nông nghiệp gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng và ngành chăn nuôi trong nước. Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định, tiêu chuẩn quản lý vật tư nông nghiệp, tổ chức lại thị trường, kiểm soát chặt chẽ chất lượng phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật và thức ăn chăn nuôi, đảm bảo an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân ghi nhận sự cố gắng trong thời gian qua của ngành y tế về giảm quá tải bệnh viện, đưa vào sử dụng nhiều cơ sở y tế hiện đại, ứng dụng kỹ thuật mới, phong cách phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân cũng kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh đảm bảo các quyền lợi chính đáng của người tham gia bảo hiểm y tế.

Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp kinh doanh hàng đa cấp lừa đảo gây hậu quả nghiêm trọng. Một số vụ việc diễn ra trong thời gian dài, phạm vi rộng ở nhiều địa phương, gây thiệt hại lớn cho nhiều người dân nhưng chậm được phát hiện, ngăn chặn và xử lý. Cử tri và nhân dân đề nghị Bộ Công Thương và chính quyền các cấp siết chặt việc cấp phép kinh doanh và giám sát chặt chẽ việc bán hàng đa cấp, xử lý nghiêm các vi phạm theo Nghị định về bổ sung và nâng cao chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp có hiệu lực từ ngày 05/01/2016.

Cử tri và nhân dân ở nhiều nơi vẫn rất bức xúc trước tình trạng ô nhiễm môi trường tiếp tục diễn ra ở các cơ sở sản xuất, các khu công nghiệp, làng nghề, vùng nông thôn; tình trạng khai thác khoáng sản, đặc biệt là khai thác cát sỏi trái phép ở nhiều nơi đã tác động xấu đến môi trường sống, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân; nạn chặt phá, cháy rừng còn diễn biến phức tạp. Cùng với đó, tình trạng biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra rất khốc liệt, như: tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài ở các tỉnh phía Bắc; hạn hán, xâm mặn đang diễn ra nghiêm trọng tại miền Trung, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân, đồng thời dự báo sẽ còn tiếp tục kéo dài với mức độ ảnh hưởng lớn hơn 14; nguy cơ 300.000ha đất tại Đồng bằng sông Cửu Long bị hạn hán, xâm mặn và khoảng 1,5 triệu đến 2 triệu người Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và miền Trung sẽ bị ảnh hưởng nặng nề đang hiện hữu. Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền các cấp nghiêm túc kiểm tra, xử lý những cá nhân, đơn vị vi phạm tác động xấu làm ô nhiễm môi trường. Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có giải pháp cấp bách phòng, chống, khắc phục hạn hán, xâm mặn; hỗ trợ nhân dân ổn định đời sống, sản xuất cũng như đề ra các biện pháp căn cơ, lâu dài trong việc quy hoạch hệ thống giao thông, thủy lợi, đê điều; điều chỉnh lại cơ cấu sản xuất nông nghiệp để thích ứng lâu dài và phối hợp với các quốc gia láng giềng cùng ứng phó với biến đổi khí hậu.


Mạnh Hà
Ý kiến của bạn