Cử tri bất bình trước việc Trung Quốc xây dựng công trình trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam

21-05-2015 21:05 | Thời sự
google news

SKĐS - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, trong hai ngày 20-21/5, Quốc hội đã nghe báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2014,

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, trong hai ngày 20-21/5, Quốc hội đã nghe báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2014, tình hình triển khai nhiệm vụ những tháng đầu năm 2015; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; Tờ trình và báo cáo thẩm tra một số dự án luật;… Đặc biệt, các vấn đề liên quan đến việc bỏ án tử hình đối với một số tội danh; bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo... nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu, cử tri.

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo Quốc hội về tình hình KTXH 2014, triển khai nhiệm vụ những tháng đầu năm 2015.

Bỏ án tử hình với các tội kinh tế: cần thận trọng

Trình bày Báo cáo Thẩm tra dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) trước Quốc hội chiều 20/5, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) Nguyễn Văn Hiện cho biết, UBTP tán thành với định hướng tiếp tục hạn chế hình phạt tử hình ở cả 3 phương diện: giảm bớt số tội danh có hình phạt tử hình; quy định điều kiện chặt chẽ nhằm hạn chế các trường hợp áp dụng hình phạt tử hình và mở rộng hơn đối tượng bị kết án tử hình nhưng không phải thi hành án tử hình nhằm thể hiện rõ sự khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước ta. Về quy định không thi hành án tử hình đối với các tội có mục đích kinh tế, sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. UBTP nhận thấy, nội dung quy định này còn thiếu cụ thể, có thể dẫn đến cách hiểu khác nhau và không bảo đảm tính khả thi. Vì vậy, UBTP đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn vấn đề này.

Theo Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 và tình hình triển khai nhiệm vụ những tháng đầu năm 2015 được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày trước Quốc hội cho thấy, năm 2014, chúng ta đã hoàn thành tốt hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Trong 14 chỉ tiêu chủ yếu, có 13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 1 chỉ tiêu xấp xỉ đạt kế hoạch (là tỷ lệ lao động qua đào tạo). Tăng trưởng GDP đạt 5,98%, vượt mục tiêu đề ra và cao nhất kể từ năm 2011. Kinh tế vĩ mô ổn định hơn; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,84%, thấp nhất trong nhiều năm qua. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của người dân được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,83%, riêng các huyện nghèo giảm 5,61%. Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí, lần đầu tiên sau nhiều năm số người chết giảm xuống dưới 9.000 người…

Liên quan đến vấn đề Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội từ 70 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử; không thi hành án tử hình nếu người bị kết án từ 70 tuổi trở lên. Về vấn đề trên, theo UBTP, thực tế, nhiều người ở độ tuổi này vẫn phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, còn có thể là người cầm đầu các tổ chức tội phạm (phạm các tội hiếp dâm, giết người, cầm đầu đường dây buôn bán ma túy). Do vậy, nếu quy định không áp dụng, không thi hành án tử hình đối với người bị kết án từ 70 tuổi trở lên có thể dẫn đến việc lợi dụng để trì hoãn, trốn tránh sự trừng phạt, không bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Vì vậy, đa số ý kiến UBTP không đồng ý với quy định này của dự thảo.

Cử tri bất bình với việc Trung Quốc cải tạo đảo ở biển Đông

Một trong những nội dung quan trọng được nêu tại những ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII là việc phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo. Trước Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 9 cho thấy, cử tri và nhân dân rất lo lắng, bất bình trước việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động cải tạo, bồi đắp, xây dựng các công trình tại quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam. Đây là hành vi vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam và vi phạm Tuyên bố về ứng xử giữa các nước ASEAN và Trung Quốc (DOC). Cử tri và nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục thực hiện tốt đường lối đối ngoại, có các chủ trương, giải pháp hiệu quả để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Liên quan đến vấn đề này, Báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình trước Quốc hội cũng nêu rõ: Bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trước những diễn biến phức tạp ở biển Đông. Chính phủ xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là: Phát triển mạnh các ngành kinh tế biển gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo. Về phương diện kinh tế, Chính phủ sẽ tập trung đầu tư xây dựng các cơ sở hậu cần nghề cá, tránh trú bão, hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xa bờ và hoạt động dài ngày trên biển. Song song với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia. Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, ứng phó kịp thời, hiệu quả trong mọi tình huống. Kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ quốc phòng an ninh, đối ngoại với phát triển kinh tế - xã hội.

Anh Tuấn - Hoàng Dương

 

 

 


Ý kiến của bạn