Hà Nội

Cụ thể việc xử phạt người đi bộ: Lãnh đạo CSGT Hà Nội giải đáp

02-02-2016 16:29 | Thời sự
google news

Phó trưởng Phòng CSGT Đường bộ Đường sắt (Công an Hà Nội) đã có những lý giải cụ thể về việc xử phạt người đi bộ vi phạm luật giao thông.

Trong ngày đầu ra quân, các tổ công tác CSGT Hà Nội tập trung tuyên truyền, nhắc nhở người vi phạm và xử phạt 102 trường hợp người đi bộ vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông. 
Dù vậy, vẫn còn nhiều người dân chưa nắm được và chưa hiểu rõ việc xử phạt đối với người đi bộ vi phạm luật giao thông.

PV VTC News đã cuộc phỏng vấn thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng - Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Đường bộ Đường sắt (Công an Hà Nội) để làm rõ vấn đề này.

- Thưa thiếu tá, việc xử phạt người đi bộ vi phạm về trật tự an toàn giao thông đã có quy định từ lâu, tại sao đến nay Hà Nội mới “mạnh tay” xử lý tình trạng này?

Trong thực tế, lực lượng CSGT Thủ đô đã xử lý các vi phạm đối với người đi bộ song song với những trường hợp vi phạm của phương tiện tham gia giao thông khác theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, việc này vẫn chưa xử lý được hết, dẫn đến tình trạng người đi bộ sai luật gián tiếp gây ra các vụ tai nạn nghiêm trọng.

Điển hình như trong năm 2015, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra 1.696 vụ tai nạn giao thông, trong đó có 112 vụ tai nạn giao thông liên quan đến người đi bộ, chiếm 6,6%, 33 vụ tai nạn giao thông do người đi bộ gây ra, chiếm 2%.

Mà trong những vụ tai nạn này, người đi bộ lại chính là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều hơn. Chính vì vậy, từ tháng 2/2016, chúng tôi sẽ tập trung tuyên truyền, nhắc nhở kết hợp xử phạt để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giảm thiểu tai nạn.

- Đối với những tuyến đường chưa có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ sang đường, đèn tín hiệu giao thông thì xử lý thế nào, thưa ông?

Những tuyến đường chưa có vạch kẻ, chưa có đèn tín hiệu, trước tiên người dân phải tự nâng cao ý thức tham gia giao thông, chú ý quan sát khi sang đường.

Đồng thời, lực lượng CSGT cũng sẽ tăng cường công tác nhắc nhở, hướng dẫn người dân tham gia giao thông đúng quy định của pháp luật.

- Có những khó khăn nào trong công tác xử phạt người đi bộ vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông?

Việc xử phạt này còn gặp nhiều khó khăn do ý thức người đi bộ không chấp hành. 
Khi bị CSGT lập biên bản vi phạm thì người dân đưa ra rất nhiều lý do như: đi tập thể dục gần nhà, sang đường một chút thôi, không mang tiền, giấy tờ.

Nhưng lần này thì lực lượng CSGT làm kiên quyết những trường hợp trên.

- Vậy trường hợp người đi bộ khi bị lực lượng CSGT kiểm tra xử lý mà không mang theo giấy tờ tùy thân thì giải quyết thế nào?

Trong trường hợp người đi bộ vi phạm mà không có giấy tờ tùy thân hay tiền nộp phạt thì người vi phạm sẽ bị đưa về công an phường làm rõ lai lịch và lập biên bản theo quy định.
- Mức xử phạt người đi bộ vi phạm cao nhất là bao nhiêu?
Theo Điều 9 Nghị định số 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 107/2014/NĐ-CP ngày 17/11/2014) quy định về xử phạt người đi bộ vi phạm, mức cao nhất là 120.000 đồng.
Cụ thể, theo quy định, người vi phạm sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng đối với một trong các hành vi như: Đi không đúng phần đường quy định; không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường; Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, người kiểm soát giao thông.
Trong trường hợp người đi bộ vi phạm luật thì cơ quan công an sẽ yêu cầu người vi phạm làm kiểm điểm, tuyên truyền giáo dục nhắc nhở để người dân hiểu Luật.  - Người dân lo ngại nhiều tuyến đường bị lấn chiếm vỉa hè, người đi bộ sẽ trở thành “nạn nhân” bị xử phạt?  Đối với những tuyến đường vỉa hè bị lấn chiếm, Phòng Cảnh sát giao thông sẽ phối hợp với công an các quận, huyện tập trung đảm bảo an toàn giao thông tại các nút, tuyến giao thông trọng điểm, đảm bảo hè thông đường thoáng cho nhân dân đi lại an toàn.
Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng đối với một trong những hành vi vi phạm như: Mang vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông; Vượt qua dải phân cách; Đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không đảm bảo an toàn; Đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy.  Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, duy trì đường cao tốc.
Xin cảm ơn Thiếu tá!


Ý kiến của bạn